|
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú. |
Sáng nay (23/7), Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tổ chức Họp báo Kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm.
Tại họp báo, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, từ tháng 4, tín dụng đã tăng trưởng tích cực và đến cuối tháng 6 đã đạt được mức tăng trưởng khoảng 6%.
Đáng chú ý, Thông tư số 12/2024/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng đã tạo cú hích cho vay tiêu dùng. Vay tiêu dùng các khoản nhỏ lẻ dưới 100 triệu không cần phương án kinh doanh khả thi giúp người dân vay vốn thuận lợi hơn. Hiện vay tiêu dùng: mua nhà, sinh hoạt... chiếm 21% dư nợ nền kinh tế, khoảng hơn 3 triệu tỷ đồng. Tốc độ tăng cho vay tiêu dùng như vậy là rất tích cực.
Cũng theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, chủ trương của Đảng và Nhà nước là đẩy cho vay tín dụng để phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên, nền kinh tế thị trường tiêu dùng quyết định sản xuất, do vậy muốn kích cầu nền kinh tế phải đẩy mạnh tiêu dùng. Nhiều năm qua, NHNN đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại (NHTM) đẩy mạnh cho vay tiêu dùng. Bản thân các NHTM cũng đã chuyển hướng cho vay tiêu dùng rất tích cực, nên mới có hơn 20% tổng dư nợ nền kinh tế cho vay tiêu dùng. 5-7 năm về trước, phần này rất nhỏ.
Quan điểm ngày xưa, các ngân hàng chủ yếu cho vay sản xuất, vay kinh doanh, cho doanh nghiệp vay những món lớn, chứ ít cho người dân vay đi học, chữa bệnh, cưới xin, ma chay, cưới hỏi... Nhưng giờ tất cả các khoản vay tiêu dùng này đều được mở ra, cho nên hàng loạt các công ty cho vay tài chính của các ngân hàng thương mại đã thành lập và tổ chức hoạt động cho vay tiêu dùng. Kết quả rất tích cực đối với người dân và cả nền kinh tế.
Tuy nhiên cũng có những mặt trái cần phải điều chỉnh. Một số công ty tài chính cho vay tiêu dùng có hình thức đòi nợ không phù hợp, lãi suất cho vay còn quá cao... thì những năm vừa qua NHNN cũng đã có hành lang pháp lý để chấn chỉnh, xiết lại hoạt động, tránh ảnh hưởng tới uy tín của các công ty tài chính tiêu dùng và những ngân hàng thương mại có công ty tài chính tiêu dùng là công ty con của mình.
Mặt khác cũng phải tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận với nguồn vốn tiêu dùng này. Bởi vì ngoài người nghèo, những người thoát nghèo, những người cận nghèo, vùng sâu vùng xa... cũng rất cần những khoản cho vay nhỏ lẻ mà tài chính vi mô chưa giải quyết hết được nhu cầu này. Do vậy NHNN đã chỉ đạo các ngân hàng Agribank, LienVietbank... và một loạt các ngân hàng đẩy mạnh cho vay tiêu dùng. Kể cả các ngân hàng lớn chuyên phân khúc cho vay các tập đoàn, doanh nghiệp như Vietcombank, Vietinbank, BIDV... cũng chuyển hướng sang cho vay tiêu dùng rất nhiều. Cơ chế chính sách vẫn đang từng bước tháo gỡ để làm sao cho vay nhưng vẫn phải đảm bảo vốn an toàn lành mạnh. Đây là bài toán buộc các NHTM phải cân nhắc, tính toán, hài hòa.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú cũng khẳng định, khó khăn của các công ty tài chính cũng đã được NHNN rà soát, chấn chỉnh, ban hành các quy định cách đây 2 năm. Sắp tới NHNN vẫn tiếp tục coi đây là một lĩnh vực quan trọng để tháo gỡ thêm, tạo điều kiện cho tăng trưởng tín dụng.
Thông tư 06/2023/TT-NHNN có hiệu lực tạo điều kiện cho doanh nghiệp hay cá nhân vay trả nợ các ngân hàng khác cũng là một trong những chính sách rất thuận lợi, minh bạch. Trên thị trường có hàng trăm tổ chức tín dụng trong và ngoài nước, cho phép người dân có thể lựa chọn bất kỳ tổ chức tín dụng nào có chất lượng tốt, lãi suất hợp lý, thấp hơn thì vay. Đang vay lãi suất cao mà chỗ kia lãi suất thấp hơn, điều kiện thuận lợi hơn thì mạnh dạn chuyển đổi.
Phó Thống đốc NHNN khẳng định, người vay được thụ hưởng chính sách thuận lợi, tác động thị trường cũng tích cực. Các ngân hàng thương mại cũng phải cạnh tranh điều chỉnh lãi suất hợp lý hơn. Đôi chỗ còn một số ngân hàng thương mại muốn giữ khách nên có thể chưa tạo điều kiện thuận lợi lắm cho khách trả nợ hoặc đi vay ngân hàng khác nhưng chỉ mang tính chất cục bộ của một số NHTM chứ cơ chế chính sách NHNN ban hành là có tính ưu việt thị trường, tạo sự cạnh tranh, minh bạch cho quan hệ tín dụng hiện nay.
Tuyết Vân