Mới đây, doanh nhân Ngô Nhật Phương (chồng ca sĩ Trang Nhung) được dư luận chú ý khi có mặt tại phiên tòa xét xử Công ty VN Pharma buôn bán thuốc ung thư giả với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
Trong phiên xử, VKS bất ngờ kiến nghị điều tra tổ chức, cá nhân có dấu hiệu làm lộ bí mật nhà nước và nhắc đến ông Ngô Nhật Phương. Cuối phiên xét xử, liên quan nội dung nghi vấn ông Ngô Nhật Phương làm “lộ bí mật Nhà nước”, HĐXX đã quyết định chuyển các tài liệu trên cho cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an giải quyết theo thẩm quyền.
Đáng chú ý, ông Ngô Nhật Phương hiện là cổ đông và Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dược phẩm Trung ương I (Pharbaco). Dư luận quan tâm, Pharbaco – một thương hiệu dược phẩm có truyền thống lâu đời bậc nhất ở Việt Nam đã về tay doanh nhân Ngô Nhật Phương thế nào?
Theo tìm hiểu, Pharbaco tiền thân là Xí nghiệp Dược phẩm I thành lập năm 1954, trực thuộc Liên hiệp các xí nghiệp dược Việt Nam (nay là Tổng công ty Dược Việt Nam). Cuối tháng 1/2007, Công ty được chuyển đổi thành công ty cổ phần.
Thời điểm cuối năm 2015, Pharbaco có quy mô vốn điều lệ 73,5 tỷ đồng. Trong đó, cổ đông Nhà nước - Tổng công ty Dược Việt Nam nắm giữ 77,55% vốn điều lệ. Tổng giám đốc khi đó do người đại diện phần vốn nhà nước là ông Đinh Xuân Hấn nắm giữ.
|
Doanh nhân Ngô Nhật Phương. |
Tuy nhiên, thời điểm đó, con số trên vẫn khá khiêm tốn và HĐQT Pharbaco không ít lần đặt vấn đề tìm kiếm nhà đầu tư để gia tăng nguồn nội lực. Ngay từ trong báo cáo thường niên năm 2014, ban lãnh đạo Pharbaco đã thể hiện sẽ đàm phán với các nhà đầu tư chiến lược có năng lực tài chính, khả năng quản trị, khả năng phát triển sản phẩm, thị trường trong và người nước. Đồng thời, đề nghị đại hội cổ đông ủy quyền cho HĐQT tiếp tục đàm phán, lựa chọn phương án, đối tác để phát hành cổ phần tăng vốn. Sau đó, vào năm 2015, Ban lãnh đạo Pharbaco đã thể hiện quyết tâm bằng 3/5 nghị quyết của HĐQT về vấn đề này với mục tiêu tăng vốn từ 73,5 tỷ đồng lên 180 tỷ đồng, đồng thời, thông qua phương án lựa chọn nhà đầu tư chiến lược.
Ông Ngô Nhật Phương bắt đầu xuất hiện tại Pharbaco vào năm 2016 sau khi công ty này phát hành thành công 10,65 triệu cổ phần phổ thông cho cổ đông chiến lược Công ty CP Appollo - doanh nghiệp do ông Ngô Nhật Phương sáng lập và giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT. Từ đó, Appollo trở thành chủ sở hữu mới của Pharbaco với tỷ lệ 59,17%, trong khi vốn Nhà nước, thông qua Vinapharm chỉ còn vỏn vẹn 31,6%, dưới cả ngưỡng phủ quyết 36% theo Điều lệ công ty.
Tuy nhiên, đến đầu tháng 7/2017, doanh nhân Ngô Nhật Phương cho biết đã lỗ 140 tỷ đồng trong thương vụ này và chuyển nhượng toàn bộ cổ phần trong Pharbaco cho CTCP Sài Gòn Pharma, Công ty TNHH Dược phẩm Huy Cường, một đối tác nước ngoài và 9 cổ đông khác tại Việt Nam.
Sau một đợt tăng vốn điều lệ khác, tính đến 30/6/2019, Appollo đã giảm tỷ lệ sở hữu xuống còn 26,62% tại Pharbaco.
Ba nhà đầu tư là Công ty TNHH Dược phẩm Huy Cường, CTCP Sài Gòn Pharma và Công ty TNHH Reliv Pharma tháng 3/2017 đã chia nhau mua trọn 22 triệu cổ phần phát hành riêng lẻ của Pharbaco và cùng với Appollo của ông Ngô Nhật Phương nắm tổng cộng 76,6% cổ phần công ty con của Vinapharm.
Hiện, Chủ tịch Appollo Ngô Nhật Phương cũng đang đảm nhiệm cương vị Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Pharbaco. Các cổ đông lớn khác của Pharbaco còn có Công ty CP Sài Gòn Pharma (35,3%), Công ty TNHH Reliv Pharma (7,2%) và Công ty TNHH Dược phẩm Huy Cường (12,5%).
Cuối năm 2018, Đại Hội đồng cổ đông Pharbaco tiếp tục thông qua phương án phát hành 55 triệu cổ phần để tăng vốn lên 950 tỷ đồng. Trong đó Appollo đăng ký mua 34,12 triệu cổ phần, hai đối tác quen thuộc là Dược phẩm Huy Cường và Sài Gòn Pharma muốn mua lần lượt 5 triệu cổ phần và 10,88 triệu cổ phần, trong khi CTCP Đầu tư Thương mại Hương Quê - một pháp nhân có liên hệ cũng mua 5 triệu cổ phần. Kế hoạch tăng vốn được thay đổi chút ít khi theo danh sách được ĐHĐCĐ thường niên năm 2019 ngày 25/6 thông qua không còn nhà đầu tư Dược phẩm Huy Cường, số vốn dự kiến huy động cũng giảm về còn 500 tỷ đồng.
Sau khi được tư nhân hóa gần như hoàn toàn, doanh thu của Pharbaco tăng trưởng nhanh chóng, từ 637 tỷ đồng năm 2016 lên gấp đôi - 1.215 tỷ đồng năm 2018. Dù vậy, hiệu quả hoạt động, thông qua tỷ suất lợi nhuận trên vốn thậm chí còn thấp hơn nhiều so với thời kỳ trước, khi chỉ lãi sau thuế vỏn vẹn 300 triệu đồng năm 2016, 3,1 tỷ đồng năm 2017, 3,3 tỷ đồng năm 2018 trước khi về còn 400 triệu đồng nửa đầu năm 2019.
Hải Ninh