Sáng nay, 21/4, Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank) tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2018. Đây là đại hội đầu tiên sau khi HDBank lên sàn, và cũng là đại hội đầu tiên có sự tham gia của nhóm cổ đông nước ngoài đại diện cho nhóm cổ đông sở hữu hơn 25% vốn của ngân hàng này.
Trình bày ngay thời điểm bắt đầu đại hội, bà Lê Thị Băng Tâm – Chủ tịch HĐQT HDBank, cho biết ngân hàng đã hoàn tất niêm yết cổ phiếu. Mục tiêu hiện tại là tiếp tục hoạt động mua bán, sáp nhập (M&A), tìm đối tác chiến lược, nhằm đưa HDBank trở thành một trong những ngân hàng TMCP hàng đầu tại Việt Nam về quy mô.
“HDBank đã xem xét việc kết hợp các ưu thế của Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PGBank) và Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex, PLX), cùng với năng lực nội tại và M&A của HDBank để tạo thêm sức mạnh cho sự phát triển. Sau thời gian chuẩn bị, HĐQT HDBank trình cổ đông thông qua việc sáp nhập PGBank vào HDBank, và Đề án sáp nhập hai ngân hàng", bà Tâm cho hay.
|
Tương quan tình hình kinh doanh giữa HDBank và PG Bank. |
Việc sáp nhập PGBank vào HDBank được thực hiện thông qua phương thức hoán đổi cổ phiếu. Theo đó, HDBank sẽ phát hành cổ phiếu và sử dụng số cổ phiếu này để hoán đổi lấy toàn bộ số cổ phiếu đang lưu hành của PGBank.
Ước tính và lượng hóa những lợi ích mang lại từ việc sáp nhập, hai ngân hàng sẽ trình ĐHĐCĐ chấp thuận tỷ lệ hoán đổi là 1:0.621 (1 cổ phiếu PGBank đổi lấy 0.621 cổ phiếu HDBank).
Thời gian hoán đổi dự kiến là tháng 7 tới, sau khi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) chấp thuận.
Sau khi hoán đổi cổ phiếu cho toàn bộ cổ đông của PGBank theo tỷ lệ hoán đổi được xác định, số cổ phần mới phát hành còn lại này sẽ trở thành cổ phần phổ thông, có kèm điều kiện mua lại và được chào bán cho các cổ đông hiện hữu của HDBank với giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Số cổ phần này sẽ được HDBank (sau sáp nhập) mua lại làm cổ phiếu quỹ, với giá mua lại tối đa là 13.000 đồng/cổ phiếu.
Về phía PGBank, toàn bộ số cổ phần được hoán đổi đã xác định sẽ bị phong tỏa, đồng thời chỉ được chuyển nhượng 30% sau 6 tháng. Tiếp tục 70% còn lại sẽ chuyển nhượng sau 12 tháng kể từ ngày sáp nhập chính thức.
Nói về lợi ích của việc sáp nhập, Phó Chủ tịch HĐQT HDBank Nguyễn Thị Phương Thảo, cho hay việc sáp nhập sẽ giúp cho HDBank tiếp cận hệ sinh thái với khối lượng trên 20 triệu khách hàng cùng 4.000 điểm bán lẻ của Petrolimex. HDBank có thể gia tăng thêm sản phẩm cho Petrolimex như sản phẩm phái sinh. PGBank có kế hoạch, tham vọng trở thành ngân hàng bán lẻ phù hợp với chiến lược HDBank, như cung cấp dịch vụ tài chính tiêu dùng, SME, thương gia thương lái, bảo hiểm, các hoạt động quốc tế rộng rãi.
Nhiều cổ đông lo ngại tình hình nợ xấu của PGBank có thể gây khó khăn cho HDBank trong việc xử lý. Tuy nhiên, lãnh đạo HDBank cho rằng nợ xấu của PGBank có thể kiểm soát được.
Hiện PG Bank có 600 tỷ đồng nợ xấu, số dư nợ bán cho VAMC là 2.200 tỷ đồng. Ngân hàng đã trích lập 850 tỷ đồng, thu nợ VAMC khoảng 200 tỷ đồng. Tất cả khoản nợ xấu này đều có tài sản đảm bảo là bất động sản, ước tính bán thu về tối thiểu khoảng 70% nợ VAMC, tương đương 1.400-1.500 tỷ đồng.
“PGBank là ngân hàng tương đối sạch, bởi có cổ đông lớn là Nhà nước. Nợ xấu PGBank khá tích cực, đảm bảo cân đối được với nợ xấu HDBank, ít nhất là tốt hơn hiện tại”, bà Thảo cho biết.
2018 là năm HDBank thực hiện chiến lược 5 năm 2017-2021. Ngân hàng cùng Công ty tài chính HDB Saison tiếp tục chiến lược ngân hàng bán lẻ và SME. Mục tiêu lợi nhuận trước thuế 3.921 tỷ đồng, tăng trên 62% so với kết quả năm 2017.
Tổng tài sản cuối năm 2018 dự kiến 242.865 tỷ đồng, tăng 28%. Tổng huy động 222.184 tỷ đồng, tăng 30%; nợ xấu dưới 2%.
Dựa trên kết quả kinh doanh năm 2017, HĐQT ngân hàng trình cổ đông tỷ lệ chia cổ tức bằng tiền mặt 15%. Mức thù lao, phụ cấp chuyên trách của HĐQT, Ban Kiểm soát (BKS) năm 2018 là 15 tỷ đồng, tính vào chi phí hoạt động năm 2018.
Năm nay, HDBank dự kiến tăng vốn điều lệ từ 9.800 tỷ đồng lên mức 11.972 tỷ đồng, thông qua việc chia 196 triệu cổ phiếu thưởng cho cổ đông (tỷ lệ 20%) và chào bán 20 triệu cổ phiếu theo chương trình ESOP.
Theo Bình Nguyên/Zing