Huyện Phù Mỹ, địa phương được mệnh danh là "thủ phủ" ớt của tỉnh Bình Định, có khoảng hơn 1.150 ha diện tích trồng ớt các loại. Do giá ớt trước Tết Nguyên đán vừa qua tăng cao với khoảng 150.000 đồng/kg nên nhiều người dân địa phương đã trồng thêm hơn 110 ha, nâng tổng diện tích trồng ớt lên khoảng 1.260 ha.
Ớt được phơi đỏ rực tại "thủ phủ" ớt ở Bình Định
Dù đang vào chính vụ thu hoạch nhưng nông dân trồng ớt ở huyện Phù Mỹ buồn thê thảm. Bởi lẽ, ớt chỉ thiên rớt giá chỉ còn 16.000 đồng/kg, giảm 14.000 đồng/kg so với đầu vụ; ớt chỉ địa đầu vụ có giá 33.000 đồng/kg, nay giảm xuống chỉ còn 3.500 đồng/kg - giảm gần 10 lần so với khoảng 1 tuần trước và 50 lần so với trước Tết.
"Trước Tết Nguyên đán, thương lái đến vườn tìm mua ớt với giá hơn 150.000 đồng/kg nhưng không có để bán vì chưa vào vụ chính. Qua Tết, giá ớt giảm xuống còn 30.000 đồng/kg, giá này coi như không có lời lãi gì. Từ ngày 1-4 đến nay, khi ớt chín rộ thì Trung Quốc ngưng nhập khẩu, khiến giá giảm mạnh, chỉ còn 3.500 đồng/kg. Ớt trồng đến 4 tháng mới thu hoạch mà bán 1 kg không mua nổi gói mì tôm thì không lỗ nặng mới là lạ" – chị Phạm Thị Nga (ngụ thôn Phú Hà, xã Mỹ Đức, huyện Phù Mỹ) than thở.
Theo những đại lý chuyên thu mua ớt trên địa bàn huyện Phù Mỹ cung ứng cho thị trường Trung Quốc, ngay từ đầu vụ năm nay, sức tiêu thụ của thị trường Trung Quốc rất yếu, giá mua lại thấp. Trong khi đó, diện tích ớt trồng tại địa phương lại tăng hơn so với mọi năm, cung vượt cầu kéo theo giá ớt lao dốc không phanh.
Nông dân huyện Phù Mỹ méo mặt vì giá ớt lao dốc thê thảm, khiến họ lỗ nặng
Ông Trần Minh Tuấn, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Phù Mỹ, cho biết từ nhiều năm qua, phần lớn ớt thu hoạch ở địa phương được nông dân bán cho các đại lý trên địa bàn để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, 1 tuần nay, phía Trung Quốc không nhập khẩu ớt nữa nên giá ớt giảm mạnh. Đây là bài toán nan giải từ nhiều năm qua nhưng chính quyền địa phương vẫn chưa tìm ra cách khắc phục.
Theo PV/ Người lao động