Ông Võ Nhật Thăng từng biến Vietracimex thành “của riêng” như thế nào?

Google News

(Kiến Thức) - Tổng Công ty Vietracimex từng là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước (trực thuộc Bộ GTVT). Sau khi cổ phần hóa, ông Võ Nhật Thăng thâu tóm 93,37% cổ phần, lập rất nhiều công ty con, Song Vietracimex của ông bị kết luận "dính" nhiều sai phạm.
 

Thâu tóm 93,37% Vietracimex, “đẻ” hàng loạt công ty con
Tổng Công ty Vietracimex do ông Võ Nhật Thăng làm Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc và đại diện pháp luật - tiền thân là Tổng Công ty CP Thương mại Xây dựng. Đây là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước (trực thuộc Bộ GTVT). Ông Võ Nhật Thăng từng được cử là đại diện vốn Nhà nước tại đơn vị này.
Ong Vo Nhat Thang tung bien Vietracimex thanh
Ông Võ Nhật Thăng là chủ của Vietracimex. Ảnh internet.
Ông Thăng vốn là người rất kín tiếng trước báo giới. Tuy nhiên, đến thời điểm năm 2005, khi Vietracimex được cổ phần hóa và ông Thăng thâu tóm đến 93,37% cổ phần thì tên tuổi của ông mới được dư luận quan tâm.
Ngay sau khi cổ phần hóa, dưới thời ông Thăng, Vietracimex sở hữu 15 công ty thành viên, hoạt động đa ngành, đặc biệt là 4 lĩnh vực chính là Bất động sản; Sản xuất công nghiệp; Năng lượng và Thương mại dịch vụ.
Đáng chú ý, Vietracimex có tới 3 công ty con mang tên ông Thăng gồm: CTCP Nhật Thăng VNT6, CTCP Nhật Thăng VNT7, CTCP Nhật Thăng VNT10.
Bên cạnh đó còn hàng loạt các công ty khác như: CTCP Đầu tư xây dựng điện Long Hội (chủ đầu tư dự án thủy điện Đạ Dâng, tỉnh Lâm Đồng); CTCP Bột giấy VNT19 (sở hữu nhà máy bột giấy VNT19 tại Quảng Ngãi); CTCP Trung Đức; CTCP Vietracimex Hà Giang (chủ đầu tư dự án Thủy điện Bắc Mê); CTCP Điện Vietracimex Lào Cai; CTCP Thủy điện Mỹ Lý Nậm Mô; CTCP Năng lượng Hồng Phong 1; CTCP Năng lượng Hồng Phong 2 (chủ đầu tư dự án Nhà máy điện mặt trời Hồng Phong 1A, Hồng Phong 1B); CTCP BOT Vietracimex 8; CTCP Thương mại và Du lịch Ngôi sao Hạ Long (chủ đầu tư khách sạn 5 sao Ngôi sao Hạ Long trên đường Lê Thánh Tông – Tp. Hạ Long); CTCP Sân golf Hà Nội; CTCP Thương mại và XKLĐ Sao Vàng.
"Dính" hàng loạt sai phạm
Năm 2016, Thanh tra Chính phủ thông báo số 111/TB-TTCP về việc chấp hành chính sách, pháp luật tại Tổng CTCP Thương mại Xây dựng trong việc cổ phần hóa Tổng CTCP Thương mại Xây dựng và trách nhiệm người đại diện phần vốn Nhà nước tại các đơn vị được thành lập từ việc cổ phần hóa Tổng công ty theo Quyết định số 217/2004/QĐ-TTg ngày 31/12/2004 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, trách nhiệm lãnh đạo Bộ GTVT, cán bộ liên quan thời kỳ 2005-2006. Cụ thể, Bộ GTVT và các cơ quan liên quan làm trái yêu cầu đề án chuyển tất cả các công ty thành viên thành công ty con của Vietracimex; thiếu trách trong việc thực hiện đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước, để ông Võ Nhật Thăng làm trái quy định, nghĩa vụ người đại diện vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, tổ chức ĐHCĐ bất thường ngày 3/6/2006 đã chuyển công ty mẹ từ doanh nghiệp Nhà nước thành công ty cổ phần mà ông Thăng chiếm 93.37% vốn điều lệ. Sai phạm này ảnh hưởng nặng nề đến tiến trình cổ phần hóa tại Tổng Công ty Thương mại và Xây dựng, trái với mục đích, yêu cầu của đề án thí điểm được Thủ tướng phê duyệt.
Kết luận thanh tra cho thấy ngay sau khi Thủ tướng có Quyết định 217/2004 phê duyệt Đề án thí điểm cổ phần hóa Tổng công ty Thương mại và Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính và Tổng công ty Thương mại và Xây dựng đã nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ, yêu cầu của đề án để chuyển tổng công ty này thành công ty cổ phần theo mô hình mẹ - con từ ngày 1/1/2006.
Theo đó, ông Võ Nhật Thăng mắc hàng loạt sai phạm liên quan thời kỳ điều hành Vietracimex. Trên cương vị người đại diện phần vốn nhà nước tại Công ty mẹ, kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietracimex, ông Thăng có nhiều hành vi trái pháp luật như: làm trái quyền, nghĩa vụ của người đại diện vốn nhà nước tại doanh nghiệp và tổ chức Đại hội cổ đông bất thường ngày 3/6/2006. Đặc biệt là việc chuyển công ty mẹ trong mô hình “mẹ-con” từ DNNN trở thành CTCP mà ông Thăng có vốn góp chiếm tỷ lệ 93,37% trong vốn điều lệ.
Ong Vo Nhat Thang tung bien Vietracimex thanh
 Ông Võ Nhật Thăng chiếm 93,37% vốn điều lệ Vietracimex. Ảnh minh họa: Internet.
Qua ĐHCĐ trái pháp luật, ông Võ Nhật Thăng đã nhiều lần tăng vốn. Theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, tại thời điểm 31/12/2013, tổng số tiền ông Thăng góp vào Vietracimex là 5,165 tỉ đồng, chiếm 93.37% vốn điều lệ.
Liên quan những sai phạm của ông Võ Nhật Thăng còn có Tổng Công ty Đầu tư & Kinh doanh Vốn Nhà nước (SCIC). SCIC đã tiếp nhận phần vốn Nhà nước không đúng thực tế từ Bộ GTVT, thiếu trách nhiệm đối với quyền và nghĩa vụ của đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại Vietracimex suốt thời gian dài. Trách nhiệm này thuộc về lãnh đạo của SCIC thời kỳ 2006-2009.
Thanh tra chính phủ cho rằng, đây là sai phạm có tính bước ngoặt, làm cho tiến trình thực hiện cổ phần hóa Tổng công ty Thương mại và Xây dựng bị đảo ngược, trái với mục đích, yêu cầu của đề án thí điểm được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Thanh tra Chính phủ yêu cầu xử lý nghiêm
Liên quan các sai phạm của ông Võ Nhật Thăng và các cơ quan ban ngành liên quan, thời điểm 2016, Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài chính và SCIC tiến hành kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, cá nhân với các hành vi vi phạm pháp luật tại thời kỳ cụ thể. Đồng thời xem xét sửa đổi, bổ sung những bất cập trong việc phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong quy trình thực hiện cổ phần hóa và tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước.
Giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ đạo các Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh không đúng quy định đối với 9 công ty liên quan Vietracimex. Đồng thời xem xét trách nhiệm, điều chỉnh cấp lại theo đúng quy định của luật pháp.
Thanh tra Chính phủ cũng kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Tài chính xem xét lại việc tăng vốn điều lệ Tổng công ty cổ phần Thương mại Xây dựng, nếu sai phạm pháp luật, gây thất thoát vốn Nhà nước sẽ xử lý nghiêm minh.
Đặc biệt, cần rà soát về việc quản lý và hiệu quả đầu tư vốn tại Vietracimex, cơ cấu lại khoản đầu tư này theo quy định của pháp luật và chủ trương của Chính phủ để phát huy hiệu quả vốn nhà nước. Nếu xác định có sự thất thoát vốn nhà nước tại Vietracimex thì kiến nghị xử lý theo quy định của pháp luật.
Thế Hoàng