Tôi vẫn thích gọi ông Ba Cát là lão ngư tri nước thay vì tri điền cho đúng pháp. Vì dân miền Tây quen miệng với "con nước".
Năm nay nhìn con nước đỏ kẹo phù sa vào những ngày đầu tháng 6, ông biết mình sẽ bội thu cá bống trứng mà hai ba năm trước hầu như không có hoặc có rất ít.
Ngày xưa cá tôm nhiều, ghe xuồng nhiều. Việc đánh bắt cũng đơn giản. Khi con nước son đổ về là cứ một người chèo ghe, hai ba người dùng rổ hớt cá. Ghe hớt cá nhiều nên con sông Trường Tiền ở huyện Phong Điền "đỏ đèn hết trơn", ông Trần Văn Cát nhớ lại. Bây giờ, ông Ba Cát, 63 tuổi, quanh năm sống ở một cái chòi dưới chân cầu Trường Tiền, khi thấy dòng nước đỏ kẹo đổ về, ông và một đứa nhỏ, bơi ghe ra giữa dòng, buông neo, và thay vì dùng rổ, ông hớt cá bằng vợt cán dài.
|
Lão ngư Ba Cát. |
Ba Cát làm nghề "đâm hà bá" từ những năm 19 – 20 tuổi đến nay, nên trở thành phong vũ biểu sống của miệt vườn nơi ông sống. Ông nói: "Mấy cha làm vườn thường tới hỏi tui năm nay con nước ra sao. Tui nói: ‘Hễ tao nói lớn là lớn’. Năm nay lớn". Nhưng, cũng giống như tôi mù tịt về cá bống trứng, ông Bửu Việt, chủ quán ven sông, ra chợ trễ mua nhằm cá bống trứng hiếm muộn/đực, về đãi khách và than: "Năm nay cá bống không có trứng!". Đỗ Khuê cười hả hả: "Mai tui đưa ông (tác giả) đi gặp ông Ba Cát hầu chuyện về cá bống trứng". Duyên đã cho tôi được gặp lão ngư tri nước và sáng mắt ra hơn ông bạn Việt một mức.
Thông tin mới nhất trên Google về mùa cá bống trứng là của tờ Ấp Bắc vào năm 2013, các tờ khác như Người Lao Động năm 2012. Đến nay đầu tháng 6 âm 2017 mới có thể gọi lại là mùa. Ngày hớt nhiều nhất vừa rồi của ông Ba Cát là 15kg. Có nơi nghe nói đánh bằng lưới nhặt bắt cả trăm ký.
Hôm 27-7, ông cân cho bạn hàng 50.000 đồng/kg cá hiếm muộn/đực và 100.000 đồng/kg cá trứng. Sáng 28-7, mới 8 giờ, chợ Phong Điền – nơi có nguồn cá hớt từ sông Trường Tiền lên – đã không còn cá bống trứng, theo lời kể của David Tý, tay máy quay của Đỗ Khuê, trùm của chuyên mục Cần Thơ Phố trên truyền hình Cần Thơ. Nhưng nơi rổ của người bán còn để một bọc cá bống trứng. Thắc mắc thì được giải thích của cô bán bánh cuốn đầu kia đã mua rồi. David Tý phải đến ăn một dĩa bánh cuốn và năn nỉ để lại cho một nửa số cá vì có khách và cũng cần chụp hình làm tin về mùa cá. Chị bánh cuốn đồng ý; thương người miền Tây chỗ đó! Tôi nghĩ: cha Bửu Việt ở gần bệnh viện Phụ sản, nên mua nhằm cá bống ở chợ… hiếm muộn.
Ba Cát coi bộ vui vẻ vì trúng mùa, nói: "Năm nay mà nước son không về thì chỉ còn nước đi móc bọc". Thấy tôi trợn mắt không hiểu, Đỗ Khuê giải thích: "Đi lượm bịch nilông mà sống". Với Ba Cát màu đỏ đẹp không phải là màu son môi mà là màu nước mênh mang phù sa.
"Cá bống trứng làm gì nhậu ngon nhất?". Ba Cát: "Chiên cuốn rau vườn là ngon nhất". Trong bàn nhậu ở quán bà Chín Hồng – đệ nhất danh phụ khéo tay Cần Thơ, khi ăn con cá không trứng đối chiếu với con cá có trứng, Đỗ Khuê phán: "Đúng là bống trứng ngon hơn không trứng tới… 50.000 đồng". Con cá béo thơm như chở cả hương vị sông nước miền Tây mùa nước về.
Nước đỏ quạch, theo lời kể của Ba Cát, làm cho con cá bống bị cay mắt nổi lên, bám với lá, với rác. Nên cứ thế neo ghe ngang dòng sông mà hớt. Hớt rồi về lựa không trứng với có trứng riêng ra. Kêu người tới cân. Ngộ một điều là cá bắt được chỉ cần rải mỏng chúng ra cái xề hoặc cái thau, chúng có thể sống đến hai, ba ngày. Rộng nước là cá chết liền.
Từ đó Ba Cát cho rằng con cá mùa khô sống trong những cái hang ẩm ướt, đến mùa nước lớn, bị bùn phù sa làm cay mắt và ngộp nước mới nổi lên nương theo rác rến mà trôi. Tôi nghĩ ông có lý vì trong bộ cá bống nhiều con như thòi lòi vẫn sống nửa cạn nửa nước.
Trải nghiệm của Ba Cát được viện Nghiên cứu thuỷ sản đặt mua nhật ký bắt cá của ông hai tháng một lần. Theo Ba Cát, tỷ lệ cá bống có trứng tháng 6 chưa cao thì tỷ lệ cá mang trứng tháng 7 sẽ cao hơn, đạt đỉnh, sau đó không còn nữa. Và năm nay viễn cảnh "đi móc bọc" của Ba Cát coi bộ rất xa, khi con nước mấy ngày rằm tháng 6 và những con nước tháng 7 đầy hứa hẹn.
Theo Ngữ Yên/TGTT