Mới đây, Tổng cục Hải quan đã có thông cáo báo chí về vụ việc của Công ty cổ phần tập đoàn (CTCP) Asanzo của ông Phạm Văn Tam.
Cụ thể, Tổng cục Hải quan cho biết, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 5546/VPCP-V.I ngày 24/6/2019 về việc kiểm tra, xác minh thông tin báo chí phản ánh, Tổng cục Hải quan đã tiến hành kiểm tra sau thông quan tại một số công ty có liên quan và kiểm tra hoạt động nhập khẩu, xuất khẩu của cty Asanzo.
Theo nội dung kết luận, Tổng cục Hải quan chỉ rõ, từ ngày 01/01/2017 đến 30/6/2019, Công ty CP Tập đoàn Asanzo có quan hệ mua hàng với 58 công ty trong đó có 9 công ty mang tên “Asanzo”.
|
Ông Phạm Văn Tam đã phải dừng mọi hoạt động của Asanzo vì áp lực kinh tế. |
Qua tra cứu trên Cổng thông tin của Tổng cục Thuế và kết quả xác minh tại UBND phường nơi đăng ký địa chỉ trụ sở hoặc địa điểm nơi thuê văn phòng cho thấy, có 14 công ty bỏ trốn, 4 công ty không tồn tại địa chỉ theo đăng ký kinh doanh, 7 công ty đã ngừng hoạt động, 1 công ty không hoạt động tại địa chỉ đăng ký kinh doanh, 32 công ty đang hoạt động.
Về kết quả kiểm tra hoạt động xuất nhập khẩu của Cty CP Asanzo, Tổng cục Hải quan thông báo, từ 20/10/2016 đến 30/6/2019, Cty làm thủ tục hải quan nhập khẩu 26 tờ khai hải quan, tổng kim ngạch nhập khẩu 171.636.719 đồng; mặt hàng nhập khẩu để làm hàng mẫu (không thanh toán) gồm bảng mạch điện tử lắp ráp ti vi, cáp tín hiệu, lo go bằng kim loại, tấm LCD mẫu, bo mạch điện tử xử lý tín hiệu ti vi;…Trên tờ khai hải quan khai hàng hóa có xuất xứ Trung Quốc.
Trao đổi với Dân Việt, ông Phạm Văn Tam cho biết, đối với các cty có mối quan hệ làm ăn cùng Asanzo, việc xác minh cần đánh giá đang hoạt động hay dừng, có nợ thuế hay vi phạm gì không? Việc sử dụng từ “bỏ trốn” là không đúng và có thể gây hiểu nhầm.
“Ngay từ đầu chúng tôi đã khẳng định, đó chỉ là những công ty đối tác, họ làm ăn xong nghỉ thì là chuyện của người ta. Đồng ý là việc xác minh không thấy họ hoạt động nữa thì là do nghỉ thôi, quan trọng là kiểm tra xem họ có nợ thuế hay không? Nếu các cty đang hoạt động lại nghỉ mà nợ thuế mới có thể gọi là bỏ trốn, ở đây chỉ là không làm nữa thôi sao lại quy kết như vậy?” ông Tam bức xúc.
Ngoài ra, ông Tam thông tin thêm, việc Tổng cục Hải quan đưa ra kết luận không hướng đến những nội dung chính như DN có vi phạm các quy định sau thông quan, có buôn lậu, trốn thuế hay không? Khiến những nghi vấn liên quan đến thương hiệu Asanzo chưa được sáng tỏ, có thể gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng.
“Việc của hải quan là kiểm tra hàng hóa sau thông quan, có phải hàng lậu, có trốn thuế hay không? Chúng tôi đã làm việc về vấn đề hàng hóa sau thông quan suốt 2 tháng trời và nhận được kết luận là không có dấu hiệu vi phạm.
Kết luận đã gửi cho DN, chúng tôi đã rất mừng và hy vọng hải quan sẽ công bố kết luận đó. Nhưng sau đó, phía Tổng cục Hải quan lại đưa ra những thông tin như vậy trong khi những kết luận chính về Asanzo là không vi phạm lại không công bố.” ông Tam nói.
Cũng theo ông Phạm Văn Tam, trong thời gian tới, tập đoàn Asanzo sẽ tổ chức họp báo, đính chính thông tin để người tiêu dùng nắm rõ toàn bộ kết quả của các đoàn thanh tra, kiểm tra cty trong thời gian vừa qua.
Trước đó, ông Phạm Văn Tam, đã viết tâm thư gửi lên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc cơ quan chức năng chậm trễ đưa ra kết luận thanh tra sản phẩm mang thương hiệu Asanzo khiến doanh nghiệp lâm vào tình trạng túng quẫn.
Đến ngày 30.08.2019 là thời hạn mà Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo phải có kết luận thanh tra về cáo buộc gian lận xuất xứ sản phẩm của Công ty Cổ phần (CTCP) Tập đoàn Asanzo nhưng các cơ quan chức năng liên quan vẫn chưa công bố. Sau đó, trước sức ép về kinh tế, ông Phạm Văn Tam ra văn bản công bố tạm dừng mọi hoạt động của Asanzo.
Chiều 4/9 ông Phạm Đình Thi - Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) cho biết, hiện vẫn chưa có kết luận. "Hiện nay Bộ Tài chính thực hiện đầy đủ nội dung theo chỉ đạo của Thủ tướng", ông Thi nói.
Thứ trưởng Công Thương, ông Đỗ Thắng Hải thông tin, đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính - cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo 389 thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ quyền hạn, chức trách được giao.
Để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho DN, đồng thời cũng là cơ quan có chức năng cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá xuất khẩu, VCCI cũng đã đề nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành liên quan nhanh chóng có kết luận cụ thể vụ việc để tạo điều kiện thuận lợi cho DN hoạt động.
*Title do Kiến Thức biên tập lại
Theo Thanh Phong/Dân Việt