Ngôi vị quán quân lợi nhuận trong 9 tháng đó chính là Vinhomes (VHM) với mức lãi khủng 16.337 tỷ đồng, vượt mốc trên 10.000 tỷ đồng và báo lãi gấp đôi so với doanh nghiệp lãi lớn ở vị trí thứ 2.
|
10 doanh nghiệp báo lãi lớn nhất trong 9T/2020 là ai? |
Là doanh nghiệp hoạt động mảng bất động sản, VHM ghi nhận doanh thu 9 tháng đạt hơn 49 nghìn tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 31% so với cùng kỳ năm trước và 16,3 nghìn tỷ đồng lợi nhuận, tăng 6,6%.
Động lực tăng trưởng chính đến từ việc bàn giao 3 đại dự án (Vinhomes Ocean Park, Grand Park và Smart City), Vinhomes Marina (Hải Phòng) và ghi nhận doanh thu bán tổ hợp văn phòng tại Vinhomes Metropolis. Do đó, doanh thu bán bất động sản đạt 46,8 nghìn tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm, tăng 33,8% so với cùng kỳ.
Tỷ suất lợi nhuận gộp giảm từ 46,1% trong 9 tháng 2019 xuống còn 37,5% trong 9 tháng 2020, khiến lợi nhuận gộp tăng trưởng chậm hơn so với doanh thu, chỉ tăng 6,6% so với cùng kỳ năm trước.
Nguyên nhân chính khiến tỷ suất lợi nhuận gộp của VHM giảm là do đóng góp từ mảng bán buôn giảm, doanh thu bán buôn tại Vinhomes Ocean Park chiếm 58% tổng doanh thu 9 tháng của VHM; tổ hợp văn phòng tại Vinhomes Metropolis có tỷ suất lợi nhuận thấp gần bằng 30%.
Vị trí thứ hai trong top những doanh nghiệp báo lãi lớn là Vinamilk (VNM) của nữ tướng Mai Kiều Liên. Được biết, lũy kế 9 tháng, Vinamilk báo doanh thu đạt 45.211 tỷ đồng, tăng 7,4% so với cùng kỳ, lợi nhuận trước thuế đạt hơn 10.846 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 8.999 tỷ đồng, tăng hơn 7,0%.
Riêng trong quý 3, Vinamilk ghi nhận doanh thu đạt 15.563 tỷ đồng, tăng 8,9%, lợi nhuận trước thuế đạt hơn 3.777 tỷ đồng và sau thuế đạt hơn 3.138 tỷ đồng, tăng 16%.
Ở vị trí tiếp theo đó chính là Hòa Phát (HPG) của “vua thép” Trần Đình Long. Chỉ sau 9 tháng, lợi nhuận của Hòa Phát đã bằng cả năm 2019. Thị phần thép Hòa Phát tiếp tục vượt trội ở vị trí dẫn đầu với 32,6%.
Cụ thể, trong 9 tháng, tập đoàn của ông Trần Đình Long ghi nhận doanh thu đạt 65.000 tỉ đồng và lợi nhuận lên tới 8.845 tỷ đồng, lần lượt tăng 40% và 56% so với cùng kỳ 2019.
Như vậy, lợi nhuận sau thuế 9 tháng của Hòa Phát đã đạt 98% kế hoạch năm. Và đây cũng là lần đầu tiên, cả doanh thu và lợi nhuận sau thuế 9 tháng 2020 đã vượt mức thực hiện năm 2019, cao nhất từ trước tới nay.
Theo lãnh đạo HPG, kết quả trên là nhờ hàng loạt chỉ tiêu kinh doanh tích cực trong các lĩnh vực kinh doanh, trong đó sắt thép và nông nghiệp đóng góp lớn nhất.
Trên bảng xếp hạng lợi nhuận, những vị trí còn lại lần lượt là PV Gas (GAS), Vingroup (VIC), VEAM (VEA), Novaland (NVL), Sabeco (SAB), Masan Consumer (MCH) và Thế giới Di động (MWG).
|
Nguồn: Tổng hợp. |
Lãi lớn nhưng đi lùi
Dù vẫn báo lãi lớn, tuy vậy một số ông lớn kể trên vẫn gặp khá nhiều khó khăn và báo lãi giảm so cùng kỳ. Theo đó, lãi ròng trong 9 tháng của GAS sụt giảm 31%; lãi ròng của VEA giảm 25%, lãi ròng của SAB giảm 20%.
Với GAS, do biến động giá dầu khiến tình hình kinh doanh của Công ty gặp khó trong quý 2. Tuy vậy đến quý 3, GAS ghi nhận lợi nhuận khởi sắc với 2.023 tỷ đồng lãi ròng.
Luỹ kế 9 tháng, doanh thu thuần của GAS ở mức 48.625 tỷ đồng, giảm 16% so cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ cũng giảm 31% về mức 6.129 tỷ đồng. Theo GAS, các chỉ tiêu tài chính thấp hơn so với cùng kỳ năm 2019 chủ yếu do sản lượng khí thương phẩm giảm khoảng 10%, giá dầu Brent trung bình giảm 39%, giá dầu FO trung bình giảm 40%, giá trung bình của LPG cũng giảm 10%.
Còn tại VEAM, kết quả kinh doanh của Tổng công ty phụ thuộc chủ yếu vào khoản lợi nhuận tại công ty liên doanh liên kết, đáng kể nhất là liên doanh với Honda Việt Nam. Tuy nhiên do dịch bệnh, chi mua sắm bị sụt giảm nên nguồn thu này bị hạn hẹp, theo đó từ đầu năm đến nay lãi ròng của VEAM theo đó giảm.
Lũy kế 9 tháng, doanh thu thuần đạt 2.668 tỷ đồng, giảm 20,4% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế giảm 25% xuống 3.853 tỷ đồng và hoàn thành 57% kế hoạch cả năm.
Điểm tích cực ở VEAM đó chính là gia tăng nắm giữ tiền trong thời điểm này. Theo đó, tại thời điểm 30/9, VEAM có 17.672 tỷ đồng tiền và tương đương tiền, tiền gửi, tăng 3.000 tỷ đồng so với 30/6.
Doanh nghiệp tăng nắm giữ tương đương tiền thêm gần 4.500 tỷ đồng trong khi giảm tiền gửi. Đây vẫn là một trong những doanh nghiệp nhiều tiền nhất trên sàn chứng khoán, chiếm đến 56% tổng tài sản.
Với Sabeco, lũy kế 9 tháng, Sabeco đạt gần 20.096 tỷ đồng doanh thu thuần và lãi ròng 3.403 tỷ đồng, lần lượt giảm 29% và 20% so với cùng kỳ.
Ban lãnh đạo Sabeco ghi nhận sự phục hồi tích cực trong tiêu thụ bia trong nước trong quý 3/2020 sau khi ngành bia bị ảnh hưởng bởi Nghị định 100 và dịch COVID-19 vào đầu năm 2020.
Tuy nhiên, đà phục hồi tiếp theo vẫn có thể chịu ảnh hưởng của các khó khăn kinh tế tiềm năng, bao gồm bão lụt vừa qua tại miền Trung. Tuy nhiên, sự hiện diện của Sabeco tại khu vực này là khá hạn chế.
Anh Nhi