Kiểm toán Nhà nước vừa có báo cáo kết quả công tác kiểm toán năm 2020 tới Quốc hội trước thềm kỳ họp thứ 10.
Về kết quả kiểm toán một loạt các doanh nghiệp, Tổng Công ty, Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện nhiều tồn tại liên quan đến sử dụng quản lý đất đai. Cụ thể, một số đơn vị còn nhiều diện tích đất chưa sử dụng, sử dụng không hiệu quả, không đúng mục đích, bị lấn chiếm, tranh chấp.
Đó là Tổng Công ty dầu Việt Nam (PVOIL) sử dụng 12,02 ha đất nông nghiệp, đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp vào mục đích kinh doanh xăng dầu; PVOIL Thái Bình có 5,80 ha đất đang để trống, chưa hoặc không sử dụng…
|
Một cửa hàng xăng dầu của PVOIL. (Ảnh: Internet). |
Theo báo cáo tài chính, trong quý 1/2020, "ông lớn" PVOIL báo lỗ kỷ lục 423 tỷ đồng, dù năm 2019 kinh doanh cực tốt với khoản lời cả năm đạt 230 tỷ đồng. Tổng Công ty lỗ lũy kế tính đến cuối tháng 3 là 1.167 tỷ đồng.
Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, sản lượng kinh doanh xăng dầu 5 tháng đầu năm của PVOIL giảm 14% so kế hoạch, riêng tháng 4 giảm 20% khi Chính phủ thực hiện biện pháp cách ly toàn xã hội.
PVOIL đặt mục tiêu chia cổ tức năm nay tỷ lệ 2% nhưng không chia cổ tức cho năm 2019. Nguyên nhân bởi lợi nhuận sau thuế chưa phân phối sau khi bù đắp khoản lỗ của năm trước chỉ còn là 98 tỷ đồng, tương đương 0,9% vốn điều lệ, trong khi tình hình sản xuất kinh doanh trong năm 2020 đang gặp rất nhiều khó khăn.
Vì vậy, Hội đồng quản trị đề nghị phương án giữ lại toàn bộ lợi nhuận sau thuế chuyển sang năm sau để dự phòng trong tình hình khó khăn nêu trên.
Trong quý 2, doanh thu của Tổng Công ty giảm 46% xuống 11.653 tỷ đồng, giá vốn giảm sâu hơn nên lãi gộp còn giảm 18% xuống 781 tỷ đồng. Biên lãi gộp tăng từ 4,4% lên 6,7%.
Về hoạt động tài chính, doanh thu tăng 15% lên 99 tỷ đồng và chi phí giảm 27% xuống 54 tỷ đồng. Mặt khác, chi phí bán hàng và chi phí quản lý cùng giảm 21% xuống lần lượt 379 tỷ đồng và 179 tỷ đồng.
Lãi sau thuế hợp nhất giảm 21% xuống 183 tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế cổ đông Công ty mẹ đạt 177 tỷ đồng, tăng 9%.
Lũy kế 6 tháng, PVOIL ghi nhận doanh thu giảm 24% xuống 29.338 tỷ đồng và vẫn lỗ ròng 246 tỷ đồng do quý đầu năm lỗ kỷ lục 423 tỷ đồng.
Tại thời điểm ngày 30/6/2020, Tổng Công ty có 1.828 tỷ đồng tiền và tương đương tiền, giảm hơn 1.000 tỷ so với đầu năm. Khoản đầu tư tài chính ngắn hạn tăng thêm 533 tỷ đồng lên 5.910 tỷ đồng.
Đáng nói, khoản phải thu của doanh nghiệp giảm hơn 3.400 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm, chủ yếu giảm phải thu khách hàng ngắn hạn và phải thu khác.
Khánh Hoài (tổng hợp)