Lịch sử để lại
Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) vừa có công văn gửi đến các thương nhân xuất khẩu gạo thể hiện ý muốn để hai Tổng Công ty Lương thực độc quyền bán gạo.
Theo đó, nêu rõ: Tổng Công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1) và Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) là hai đầu mối được Chính phủ chỉ định, đang giao dịch hợp đồng tập trung với Bangladesh, Malaysia và chuẩn bị dự thầu mua gạo của Philippines.
VFA đề nghị, các thương nhân xuất khẩu gạo không được giao dịch, ký kết hợp đồng xuất khẩu gạo hoặc để bên mua tái xuất khẩu gạo vào thị trường có hợp đồng tập trung nêu trên trong thời gian từ ngày 6/6/2017 đến khi hai tổng công ty kết thúc giao dịch và ký kết hợp đồng.
VFA sẽ báo cáo Bộ Công Thương các trường hợp vi phạm được phát hiện để bộ này xem xét, xử lý theo quy định.
|
VFA muốn hai Tổng Công ty Lương thực độc quyền bán gạo vào thị trường tập trung. Ảnh minh họa |
Lý giải động thái của VFA, PGS.TS Nguyễn Văn Nam, nguyên Viện trưởng Viện Thương mại Việt Nam cho rằng, điều này là do lịch sử để lại.
Theo đó, trước đây có hiện tượng các doanh nghiệp đều cùng đăng ký đấu thầu rồi bỏ giá thấp, phá giá gạo Việt Nam. Những doanh nghiệp này có lượng gạo không nhiều, có khi chỉ vài ngàn tấn nhưng cũng tham gia đấu thầu.
Bởi thế, cách đây vài năm, Nhà nước phải có quy định cử hai đại diện nhưng rồi lại lấy hai Tổng Công ty Lương thực, tức hai doanh nghiệp quốc doanh.
"Đến lần này, Nhà nước không có ý kiến thì VFA nghĩ là vẫn làm theo kiểu cũ, vẫn để Vinafood 1, Vinafood 2 đại diện cho các doanh nghiệp Việt Nam đấu thầu để tránh cạnh tranh không lành mạnh.
Trong điều kiện mới này, tôi không rõ đã có doanh nghiệp nào ngoài Vinafood 1, Vinafood 2 xuất khẩu nổi trội, có uy tín không? Nếu có thì Nhà nước phải chỉ định lại doanh nghiệp đại diện.
Quyền chỉ định thuộc về Bộ Công thương, nếu không ai lên tiếng thì Vinafood 1, Vinafood 2 vẫn cho họ có cái quyền như xưa nên họ cứ làm.
Dù đây là hai doanh nghiệp được chỉ định từ trước nhưng Chính phủ cần xem xét lại tương quan lực lượng của các doanh nghiệp xuất khẩu gạo hiện nay đã có thay đổi gì chưa để chỉ định cho cân đối đại diện", PGS.TS Nguyễn Văn Nam chỉ rõ.
Mặt khác, theo nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại, trong trường hợp vẫn để Vinafood 1, Vinafood 2 làm thì trước khi đi đấu thấu, hai doanh nghiệp này phải họp tất cả các doanh nghiệp có khả năng xuất khẩu lại, thống nhất định hướng đấu thầu, giá cả, chất lượng gạo để Vinafood 1, Vinafood 2 đi đàm phán, đấu thầu.
"Hiện có nhiều doanh nghiệp tư nhân xuất khẩu gạo trực tiếp nên có rất nhiều kinh nghiệm. Trong khi đó Vinafood 1, Vinafood 2 không có gạo xuất, không trực tiếp đi mua của dân mà chỉ làm trung gian, biết hạt gạo trên giấy rồi ăn lãi.
Các doanh nghiệp đã có ý kiến từ lâu khi thấy Vinafood 1, Vinafood 2 không đại diện hết cho họ mà vẫn làm, về còn ăn "phết phẩy". Thế nhưng chưa ai làm gì để chấm dứt hoàn toàn tình trạng vì đây là hai đứa con đẻ của họ.
Tôi cho rằng Bộ Công thương nên chủ động đặt ra vấn đề, hoặc xem xét lại hệ thống doanh nghiệp xuất khẩu để chỉ định đại diện đấu thầu cho hợp lý, hoặc họp tất cả các doanh nghiệp xuất khẩu gạo để thống nhất cung cách đấu thầu, khung ra sao, chất lượng, giá cả...
Nếu không làm vậy, sẽ làm ảnh hưởng đến quyền lợi của các doanh nghiệp xuất khẩu gạo. Hệ quả là nó có thể làm cho tính cạnh tranh của gạo xuất khẩu Việt Nam kém đi vì Vinafood 1, Vinafood 2 chỉ biết làm sao cho họ có lợi chứ không biết đến lợi ích chung của người xuất khẩu gạo", ông Nam nhấn mạnh.
Cái khó của Việt Nam
Đưa ra hai giải pháp trước mắt nêu trên, PGS.TS Nguyễn Văn Nam cho rằng về lâu dài, Nhà nước nên đặt ra ngưỡng.
Ông chỉ ra thực tế, ở Việt Nam chưa có doanh nghiệp nào có thể gánh được lượng gạo xuất khẩu lên tới nửa triệu tấn. Doanh nghiệp Việt nhỏ, gạo không nhiều, nhưng khi đi đấu thầu thì chỉ biết lợi ích của mình mà không biết lợi ích của quốc gia.
Đây là điểm khác của Việt Nam với nhiều nước. Chẳng hạn, ở Nhật Bản, khi một doanh nghiệp kinh doanh, đấu thầu một mặt hàng nào đó thì doanh nghiệp thứ hai không cạnh tranh với doanh nghiệp đầu tiên đó nữa. Còn nếu họ định cùng làm thì sẽ bàn bạc, thống nhất với nhau. Tính cộng đồng, hiệp hội của doanh nghiệp Nhật Bản rất cao.
Trong khi đó, ở Việt Nam, tính tập thể rất kém. Một doanh nghiệp làm ăn được thì 2, 3 doanh nghiệp khác tìm cách dìm, cạnh tranh nhau quyết liệt.
"Cái khó của Việt Nam là chưa có doanh nghiệp nào đủ lớn để một mình gánh việc, mà các doanh nghiệp nhỏ thì thiếu tinh thần hợp tác, thiếu tinh thần cộng đồng", ông Nam chỉ rõ.
Bởi thế, muốn thay đổi, theo PGS.TS Nguyễn Văn Nam, Nhà nước có thể đặt ra trần hoặc sàn. Chẳng hạn, doanh nghiệp có thể tham gia đấu thầu nhưng tối thiếu giá phải thế nào, doanh nghiệp không được hạ thấp vô nguyên tắc.
Để làm được điều này, ông Nam lưu ý, cơ quan quản lý Nhà nước phải hết sức mạnh mẽ và sáng suốt.
Theo Thành Luân/Đất Việt