Ông Johnathan Hạnh Nguyễn muốn mở chuỗi cửa hàng miễn thuế tại Hà Nội

Google News

Cùng với chuỗi cửa hàng miễn thuế tại sân bay, Tập đoàn IPP bắt tay với Lotte Duty Free thực hiện kế hoạch xây dựng chuỗi cửa hàng miễn thuế dưới phố tại Hà Nội.
 

Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG) vừa ký kết hợp tác kinh doanh với Lotte Duty Free để phát triển chuỗi cửa hàng miễn thuế dưới phố (downtown duty free) thay vì tại các sân bay như hiện nay.
Theo đó, cửa hàng miễn thuế dưới phố đầu tiên tại Hà Nội sẽ được mở ở mặt bằng tầng 6 của Trung tâm Thương mại Tràng Tiền Plaza, dự kiến bắt đầu đi vào hoạt động trong giai đoạn cuối quý II và đầu quý III/2021.
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch IPPG cho biết, với tiềm năng phát triển lớn của ngành du lịch Việt Nam, tập đoàn và các đối tác liên doanh đang có kế hoạch mở thêm nhiều cửa hàng miễn thuế tại cả sân bay và dưới phố tại các thành phố lớn với mục tiêu đưa thêm khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.
Dự kiến, với việc mở thêm chuỗi cửa hàng miễn thuế dưới phố, các liên doanh của IPPG sẽ mang hơn 20 triệu khách du lịch nước ngoài mỗi năm tới Việt Nam sau khi dịch COVID-19 được khống chế.
“Từ khi khai thác cửa hàng miễn thuế Lotte Duty Free ở nhà ga quốc tế Cam Ranh, Lotte mang hơn 3 triệu khách/năm. Cộng với các cơ sở kinh doanh hàng miễn thuế hiện tại cùng cửa hàng miễn thuế dưới phố mở mới, mục tiêu 20 triệu khách/năm nằm trong tầm tay của chúng tôi”, ông Hạnh Nguyễn nhấn mạnh.
Ong Johnathan Hanh Nguyen muon mo chuoi cua hang mien thue tai Ha Noi
 Ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Tập đoàn IPP. (Ảnh: H.N)
Theo Chủ tịch Tập đoàn IPP, trước khi dịch bệnh diễn ra, du lịch Việt Nam đang ở giai đoạn phát triển nhanh với tốc độ tăng trưởng bình quân khách quốc tế trên 23%/năm cho giai đoạn 2016-2019.
Cùng với xu hướng phát triển cơ sở hạ tầng du lịch trong nước, ông Hạnh Nguyễn cho biết, tập đoàn đang có kế hoạch cùng các đối tác xin phép xây dựng các trung tâm tài chính lớn, các khu du lịch giải trí và đặc biệt là factory outlet (cửa hàng bán hàng tồn kho giảm giá).
Dự kiến các khu factory outlet này sẽ tiêu thụ 5-10 tỷ USD hàng hóa của EU và Mỹ mỗi năm. Điều này cũng giúp Việt Nam cân bằng cán cân thương mại với các nước.
“Tất cả khách du lịch khi đến 1 quốc gia đều hỏi 2 điều. Một là, cửa hàng miễn thuế ở đâu. Hai là, khu factory outlet ở đâu. Hiện nay, Hàn Quốc, Italy, Thụy Sỹ… đều tập trung vào phát triển các cửa hàng miễn thuế dưới phố hoặc factory outlet”, ông Hạnh Nguyễn nói.
Đặc biệt, hàng chục triệu khách nước ngoài khi vào Việt Nam không đi tay không mà mang theo tiền để chi tiêu. Với kế hoạch 20 triệu khách quốc tế đến Việt Nam thông qua chuỗi cửa hàng miễn thuế, nếu mỗi khách du lịch chi tiêu 100 USD, doanh số hàng bán là 2-3 tỷ USD.
Theo ông Hạnh Nguyễn, hiện nay, đối tác Lotte có bản thiết kế cửa hàng miễn thuế dưới phố để mở ở Hà Nội và sắp tới khi dịch bệnh được kiểm soát tốt tại các nước thì sẽ khai trương và đón du khách quốc tế.
Về lượng khách, vị doanh nhân được mệnh danh là "vua hàng hiệu" cho biết, Lotte sẽ tự mang khách quốc tế tới thông qua hơn 220 đại lý du lịch thành viên trên thế giới. Vì vậy, Hà Nội sẽ đón một lượng khách quốc tế rất lớn nhờ các cửa hàng miễn thuế dưới phố này.
Vị doanh nhân cũng chia sẻ thêm sự khác nhau giữa đầu tư cửa hàng miễn thuế ở sân bay và dưới phố. Theo đó, cửa hàng miễn thuế ở sân bay thường bị giới hạn về diện tích, mặt hàng, thời gian mua sắm của khách hàng… Tuy nhiên, với các cửa hàng miễn thuế dưới phố, doanh số luôn lớn hơn 5-10 lần.
"Ví dụ cửa hàng miễn thuế ở sân bay bán được 10 triệu USD thì các cửa hàng miễn thuế dưới phố phải bán được 50 triệu USD. Chưa kể lượng khách quốc tế tới các cửa hàng miễn thuế dưới phố sau đó sẽ chi tiêu tại các cửa hàng xung quanh", ông Hạnh Nguyễn cho hay.
Theo Zing