Khoảng cuối năm 2020, đầu năm 2021, hoa lan đột biến được thổi giá với mức cao không tưởng đã thu hút sự quan tâm của nhiều người. Trên mạng xã hội liên tục xuất hiện những thương vụ giao dịch lan đột biến hàng chục tỷ đồng, thậm chí hàng trăm tỷ đồng được cho là dàn dựng.
Trước lợi nhuận không tưởng, hàng ngàn người đã đua nhau đầu tư vào trồng lan đột biến, trao đổi, mua bán hoa lan đột biến.
Nhiều nhà đầu tư thừa nhận hiện "bong bóng" lan đột biến đã nổ tung, khiến nhiều người phải ôm nợ ngập đầu vì đầu tư vào những chậu lan bị thổi giá.
Anh N.V.T (phường Ea Tam, TP Buôn Ma Thuột) cho biết, đầu năm 2021 thấy nhiều người đổ xô mua lan đột biến, anh đã bỏ hơn 100 triệu đồng xây dựng giàn lan rồi cầm cố sổ đỏ ngôi nhà đang ở cho ngân hàng, lấy tiền đầu tư vào hoa lan đột biến.
Tuy nhiên, chỉ trong vài tháng, giá lan đột biến tụt dốc không phanh, khiến anh T không kịp trở tay, không đẩy được hàng đi. Người anh T lúc nào cũng như ngồi trên đống lửa vì không biết xoay xở như thế nào để trả nợ.
Anh T kể lan đột biến 5 cánh trắng HO được anh mua hồi tháng 3/2021 với giá 5 triệu đồng/cm, giờ đây anh rao bán 600 ngàn đồng/cm nhưng chẳng ai mua.
Không riêng gì anh T mà nhiều người cũng gặp tình trạng nợ nần bởi lúc mua vào giá cao nhưng giờ bán đi lại không ai mua hoặc giá giảm xuống gần chục lần lúc ban đầu.
|
Một sự kiện chuyển nhượng hoa lan đột biến hàng chục tỷ đồng lúc "thời hoàng kim" |
Ở một nhóm mua bán lan đột biến với 256,1K thành viên cũng xuất hiện nhan nhản những tin rao bán lan nhưng không ai mua.
Một người viết: "Hôm qua em có đăng bán kie 5 ctpt (5 cánh trắng Phú Thọ - pv )giá 10tr. Mầm gốc đã mở lá phi ngọn như tên mà không ai mua. Nay em xin phép không bán nữa ạ".
Không chỉ vậy nhiều nạn nhân lên mạng tố bị nhà vườn lừa hay bán hoa sai giống rồi bỏ trốn. Thậm chí những việc này công an đã từng vào cuộc điều tra và bắt giữ người liên quan.
Một trong những nạn nhân bị lừa lên hội nhóm bóc phốt những người lừa đảo bán lan đột biến cho biết: "Từ cuối tháng 10 đến đầu tháng 11 âm lịch năm 2020, tôi có mua hoa phong lan đột biến từ các nhà vườn ở Chương Mỹ, Hoài Đức nhưng sau đó khi tôi phát hiện những cây an đột biến mua phải sai nguồn gốc đã liên lạc với chủ các vườn bán lan nhưng không được".
Người này cũng mong rằng vườn nào đã mua cây của anh mong mọi người giữ cây lại vườn đến khi cây nở hoa, xem cây đúng hay sai. Nếu có thể sau này anh sẽ khắc phục dần dần vì anh cũng là người bị hại thôi. Hiện anh cũng lực bất tòng tâm. Anh đã đi chuộc quá nhiều tiền cây, giờ không còn khả năng đi chuộc lại nữa bởi đã phải vay mượn, cắm cố khắp nơi nên rất muốn lấy được danh dự và uy tín.
Nhận định trước hiện tượng trên, ông Đặng Đình Vượng-UV Ban Thường vụ Hội SVC Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội LV& SVC tỉnh Phú Thọ cho rằng đây là hệ quả tất yếu xảy ra bởi trước đó ông cũng dự đoán được sẽ có nhiều người vỡ nợ, lừa đảo vì lan đột biến.
Trong thời điểm diễn ra những giao dịch lớn từ lan đột biến, Hội LV& SVC tỉnh Phú Thọ cũng có những hội thảo về đánh giá, cảnh báo người chơi hết sức chú ý để trở về cái chơi đích thực, có văn hóa, có nhu cầu nhưng ở mức độ nhất định.
Đặc biệt thời gian đó cũng có những nạn nhân bị lừa đảo như ở Nghệ An, Phú Thọ, cơ quan chức năng cũng vào cuộc xử lý một vài vụ điển hình nhưng vẫn có những người không tỉnh táo lao vào đầu tư, thậm chí gắn keo vào lan để lừa đảo.
"Hiện nay khi hết tiền đầu tư nên trên các diễn đàn ít xuất hiện những giao dịch, đặc biệt vụ việc hai anh em mua lan đột biến mua bán than lậu bị bắt và bị điều tra về hành vi rửa tiền cũng có ảnh hưởng đến những thương vụ mua bán lan đột biến. Việc bắt hai anh em người này như chặn được đầu nậu, khi không có nguồn tiền đổ vào thì sẽ không có giao dịch nữa" -ông Đặng Đình Vượng nói.
Theo Phó Chủ tịch Hội LV& SVC tỉnh Phú Thọ, mặc dù đã cảnh báo nhưng nhiều trường hợp vẫn bị lừa là do lòng tham khi thấy lợi nhuận lớn nên đã không kiềm chế được.
Theo Đất Việt