Nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm gia súc, gia cầm luôn là mục tiêu hướng đến của ngành chăn nuôi của tỉnh Thừa Thiên Huế.
Nắm bắt nhu cầu và xu thế của thị trường trong tiêu thụ sản phẩm thịt bò chất lượng cao, năm qua, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh phối hợp với các ban ngành ứng dụng công nghệ cao vào lai tạo giống bò Wagyu trên địa bàn huyện A Lưới.
Nguồn tinh giống bò Wagyu do PGS.TS. Sử Thanh Long, Trưởng bộ môn Ngoại sản - Khoa Thú y thuộc Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã tặng 35 liều.
Thịt bò Wagyu được biết đến không chỉ chất lượng, thơm ngon mà còn có giá hàng triệu đồng/kg. Đây được xem là giải pháp chiến lược, góp phần thực hiện mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tăng thu nhập cho người chăn nuôi.
Mẹ và con bò lai Wagyu (Nhật Bản) được nhân tạo thành công tại huyện A Lưới (tỉnh Thừa Thiên Huế).
Theo đánh giá của người tiêu dùng, giá thịt bò Wagyu không quá đắt như bò Kobe nhập ngoại, nhưng chất lượng thơm ngon thì không có loại thịt bò nào bằng.
Nhiều người đã ăn thịt bò này một lần thì sẽ thích ăn mãi. Chất lượng thịt bò Wagyu bằng 70-80% chất lượng bò Kobe ở Nhật Bản, song giá thịt bò Wagyu bán ra chỉ bằng 60% so với mức giá thịt bò nhập từ Nhật Bản và Australia nên nhiều người vẫn thích mua về ăn và làm quà biếu.
Cả nước hiện chỉ có hai tỉnh, thành nuôi được bò Wagyu là Hà Nội và Lâm Đồng. Sản phẩm bò này tại Lâm Đồng chủ yếu tiêu thụ ở TP. Hồ Chí Minh. Vì thế giá thịt bò Wagyu vẫn ở mức cao, giá thịt thăn nội hơn 4,5 triệu đồng/kg, thăn ngoại 3,7 triệu đồng/kg.
TS. Nguyễn Văn Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh thông tin, đàn bò Wagyu được lai tạo dựa trên tinh bò Wagyu phối tinh nền HF, tạo ra thế hệ F1 có 50% máu Wagyu. Sau đó, dùng con cái sinh sản phối tiếp với tinh bò Wagyu để tạo ra con F2 có 75% máu Wagyu…
Các cơ sở nuôi bò này thường xuyên chải lông, massage, cho bò nghe nhạc để những vùng nhiều mỡ dưới da tan vào trong thịt, tạo thành lớp thịt xen mỡ đặc biệt chứa nhiều Omegar 3 tốt cho sức khỏe và đẹp da. Đây là một trong những thành công quan trọng trong việc lai tạo, nâng cao chất lượng đàn bò thịt nhằm phát huy tốt dư địa chăn nuôi bò A Lưới cũng như trên địa bàn tỉnh.
Tổng đàn bò của toàn tỉnh hiện có hơn 30 ngàn con. Với dân số khá đông thường xuyên có mặt sinh sống và làm việc, hiện TP. Huế đang là trung tâm tiêu thụ thực phẩm lớn nhất của vùng Bắc Trung bộ. Ước tính nhu cầu sử dụng thịt gia súc, gia cầm của thành phố khoảng 33 ngàn tấn/năm.
A Lưới, Phong Điền… có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển chăn nuôi bò thịt nhờ có diện tích tự nhiên rộng, nhiều vùng bãi ven sông để tận dụng trồng cỏ, ngô, cây họ đậu phục vụ thức ăn chăn nuôi bò. Có thể thấy dư địa cho chăn nuôi bò thịt của tỉnh còn rất lớn nếu được quan tâm đầu tư một cách bài bản, thỏa đáng.
Đối với bò thịt, những năm qua, ngành chăn nuôi đã đưa các giống bò năng suất, chất lượng cao vào lai tạo, nhân giống như Brahman, Droghmatterr, BBB, Charolai, Angus, Wagyu... Từ đó nâng khối lượng trung bình ở giai đoạn trưởng thành (24 tháng tuổi) từ 220 - 300kg/con (bò vàng) tăng lên 350 - 380kg/con (bò lai Sind).
Hiện, khối lượng của các giống bò lai chất lượng cao như BBB, Charolai, Angus, Wagyu đã tăng lên 480 - 650kg/con, tỷ lệ thịt nâng từ 43% lên 63%. Các giống bò mới mang lại hiệu quả kinh tế từ 3 - 6 triệu đồng/bê. Ngoài ra, hoạt động cải tạo đàn bò cái nền từ tinh bò Brahman, Senepol là tiền đề cho việc ứng dụng công nghệ cao vào lai tạo, sản xuất giống bò thịt trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.
Theo Triều Nhân/Báo Thừa Thiên Huế