Nuôi ong mật, cựu chiến binh Thái Bình thu 300 triệu mỗi năm

Google News

Cựu chiến binh Tô Hồng Sơn đã liên kết với nhiều hộ nuôi ong trên địa bàn huyện xây dựng sản phẩm mật ong Đông Hoàng thành sản phẩm OCOP, cung cấp sản phẩm chất lượng đến người tiêu dùng.

Cựu chiến binh Tô Hồng Sơn thôn Thanh Long, xã Đông Hoàng (Đông Hưng, Thái Bình) bắt đầu nuôi ong mật từ năm 1993 và hiện đã liên kết được 20 hộ thành viên tham gia sản xuất mật ong với tổng số hơn 200 tổ ong. Để đàn ong phát triển tốt, cựu chiến binh Tô Hồng Sơn trồng thêm nhiều cây ăn quả như ổi, nhãn, mít, chuối... vừa để đàn ong có thể phát triển tốt vừa có thêm thu nhập.
Ông Sơn chia sẻ: Nhiều người cho rằng nuôi ong nhàn nhã, vì người nuôi chỉ cần làm tổ cho chúng, ong sẽ tự tìm thức ăn, tự làm mật dâng sự ngọt ngào cho con người, nhưng thực tế không phải vậy. Mỗi con ong chỉ có thể bay bình quân phạm vi từ 2 - 3km để kiếm mật hoa mang về tổ, chính vì thế mỗi khi hết mùa hoa thì gia đình tôi phải thuê xe để đem các tổ ong đến khu vực rừng sú, vẹt trên địa bàn huyện Thái Thụy để ong có thể lấy mật tốt hơn, duy trì tốt sự phát triển của đàn.
Việc chăm sóc đàn ong cũng rất vất vả bởi vì vào mùa nguồn hoa cạn kiệt hoặc thay đổi thời tiết, theo bản năng tự nhiên đàn ong sẽ kéo đàn bay đi để tìm nơi có nguồn hoa mới. Ong cũng dễ mắc bệnh vào những thời điểm nhạy cảm như thế này. Khi ấy, người nuôi ong phải thấy được hiện tượng và có cách xử lý ngay, nếu không muốn “mất cả chì lẫn chài”.
Nuoi ong mat, cuu chien binh Thai Binh thu 300 trieu moi nam
Cựu chiến binh Tô Hồng Sơn (người ngoài cùng bên trái) đã liên kết với 20 hộ dân tham gia sản xuất nuôi ong mật đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Vậy mới nói nuôi con ong cần phải kiên trì, tỉ mỉ, nếu không sẽ khó thành công. Cũng chính vì vậy mà chỉ sau một, hai năm phát triển rầm rộ, tôi cũng phải vận động các hộ gia đình thành viên tăng hoặc giảm số lượng tổ ong phù hợp để bảo đảm được chất lượng mật ong tốt nhất.
Năm 2023, xã Đông Hoàng phấn đấu về đích nông thôn mới nâng cao nhưng gặp khó khăn bởi địa phương chưa có sản phẩm OCOP. CCB Tô Hồng Sơn đã mạnh dạn đứng ra xây dựng thương hiệu sản phẩm mật ong Đông Hoàng để làm sản phẩm OCOP của địa phương, góp phần giúp địa phương hoàn thành sớm các tiêu chí xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Ông Sơn kể lại: Khi sản phẩm mật ong của tôi được các cơ quan chức năng đem đi kiểm định về chất lượng thì tôi hoàn toàn yên tâm bởi lâu nay các hộ gia đình liên kết nuôi ong lấy mật với gia đình tôi luôn tuân thủ mọi quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm mà tôi đã đề ra. Các hộ liên kết được tôi đến tận nhà để thu mua mật ong với giá thành cao nên họ thực hiện rất nghiêm các cam kết về chất lượng sản phẩm.
Hiện nay, 20 thành viên tham gia sản xuất mật ong với gia đình tôi phân bố đều ở các địa phương trong tỉnh nhưng nhiều nhất là ở huyện Đông Hưng, Thái Thụy và Quỳnh Phụ. Mỗi năm, tôi xuất bán từ 600 - 700 lít mật ong với mức giá bình quân từ 250.000 - 300.000 đồng/lít tùy vào loại mật mà khách muốn mua. Sau khi trừ chi phí, mô hình tổng hợp của tôi thu về từ 250 - 300 triệu đồng/năm.
Để nâng tầm sản phẩm mật ong của mình thành sản phẩm OCOP, CCB Tô Hồng Sơn đã chủ động đăng ký thương hiệu sản phẩm mật ong Đông Hoàng với cơ quan chức năng; có mã QR để người tiêu dùng có thể kiểm tra xuất xứ sản phẩm. Ông cũng chủ động tìm các bạn hàng lớn, các siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch để quảng bá sản phẩm mà mình làm ra. Bên cạnh đó, các hộ thành viên được ông hướng dẫn kỹ thuật nuôi ong lấy mật; cách tách ong chúa ra khỏi đàn để làm tổ mới; cam kết bao tiêu sản phẩm giúp các hộ nuôi ong yên tâm sản xuất.
Ông Nhâm Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Đông Hoàng cho biết: CCB Tô Hồng Sơn là một trong những chi hội trưởng CCB gương mẫu trong phát triển kinh tế. Với cương vị là Phó Chủ tịch Hội CCB xã Đông Hoàng, ông luôn hăng hái tham gia, xây dựng phong trào phát triển; bản thân ông đã giúp nhiều hộ dân trong, ngoài xã làm giàu từ nghề nuôi ong mật và nâng tầm mật ong thành sản phẩm OCOP, giúp địa phương hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.
Từ cách làm của CCB Tô Hồng Sơn, MTTQ xã cùng các đoàn thể chính trị - xã hội thời gian tới sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên tham gia học tập, trao đổi kinh nghiệm nuôi ong, từ đó góp phần duy trì và phát triển nghề nuôi ong lấy mật ở Đông Hoàng.
Theo Tiến Đạt/Báo Thái Bình