Từ thất bại liên tiếp...
|
Anh Tường bên trang trại lợn của Hợp tác xã do mình làm Giám đốc ở Cấn Hữu, huyện Quốc Oai (Hà Nội). |
Tốt nghiệp cấp 3, do gia đình không có điều kiện nên anh Nguyễn Đình Tường không học lên cao hơn mà ở nhà làm kinh tế phụ giúp bố mẹ. Những ngày sau đó, anh Tường phải tìm làm đủ nghề để kiếm sống từ nghề buôn lúa, gạo, phân đạm...Đến năm 2000, nhận thấy thị trường nuôi gà siêu trứng, lợn công nghiệp phát triển mạnh, anh gom góp và mượn thêm tiền bạc đầu tư chăn nuôi.
Tin liên quan Lạ mà hay: Cho 80.000 con gà chạy bộ trên cát, kiếm tiền tỷ tậu xe hơiỒ ạt đua nhau xây nhà dụ chim yến, cứ nuôi là có tiền tỷ
Anh Tường quyết định xây trang trại và mua giống lợn để mong làm giàu. "Đúng vào thời điểm đó, các đợt dịch bệnh trên lợn liên tục hoành hành, nào là lở mồm long móng rồi bệnh tai xanh, giá lợn liên tếp rớt thảm khiến cho gia đình tôi bị thiệt hại nặng nề, kiệt quệ...", anh Tường kể. Sau thất bại, những ngày sau đó cuộc sống, sinh hoạt và công việc của gia đình anh Tường bị đảo lộn nhiều bởi nhìn đâu cũng là nợ nần chồng chất...
"Thất bại với lợn, tôi lại đi buôn lung tung, đến năm 2012, dồn được tý vốn, vay mượn thêm tôi lại liều đầu tư chăn nuôi thử nghiệm giống gà Ai Cập. Nhưng được đôi lứa rồi cũng gặp thất bại luôn. Sau 2 lần thất bại với lợn, gà càng khiến cho gia đình tôi thêm điêu đứng, mất phương hướng...", anh Tướng nhớ lại.
|
Anh Tường dẫn đoàn công tác của Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đi thăm quan trang trại của đơn vị mình ngày 12.4. |
Đến nghị lực đứng dậy và làm Giám đốc
Tưởng chuyện làm ăn, khát vọng làm giàu coi như đã "chấm hết" với mình, nhưng năm 2014, từ gợi ý của lãnh đạo Trung tâm phát triển chăn nuôi Hà Nội, anh Tường như "chết đuối vớ được cọc" và anh đã nhận lời đăng ký tham gia mô hình chăn nuôi lợn sinh học.
Khởi điểm gia đình anh Tường được hỗ trợ 30 con lợn giống, cùng với đó, Trung tâm phát triển chăn nuôi Hà Nội cử cán bộ xuống tận gia đình tập huấn kỹ thuật chăn nuôi lợn theo hướng an toàn sinh học cho anh.
Và từ thời điểm đó đến nay, gia đình anh Tường làm ăn như diều gặp gió. Lúc nào trong trang trại của anh cũng luôn có nuôi từ 130-150 con lợn, gồm cả lợn thịt và lợn bố mẹ. Nhận thấy, thị trường tiêu thụ thịt lợn an toàn sinh học thuận lợi, năm 2015, anh Tường quyệt định thành lập Hợp tác xã (HTX) Chăn nuôi và dịch vụ Đồng Tâm do mình làm Giám đốc. Đến nay, HTX Đồng Tâm của anh đã có 10 thành viên, trong đó, 7 thành viên chuyên về chăn nuôi lợn an toàn sinh học, cung cấp thịt lợn sạch ra thị trường, 3 thành viên còn lại chuyên lo khâu đóng gói, giết mổ và vận chuyển thịt lợn thành phẩm đến các cửa hàng, siêu thị...
Hiện tại, HTX của anh Tường không chỉ xuất thịt thô ra thị trường, mà còn có dây chuyền chế biến thịt lợn thành các món ăn nhanh như: xúc xích, nem, giò, chả... Sau đó sản phẩm sẽ được đóng gói và bảo quản ở nhiệt độ mát hoặc cấp đông đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm- ATVSTP. "Nhờ đầu tư thêm chế biến, chúng tôi đã chủ động được sản phẩm và có đầu ra ổn định cho các siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch tại các tỉnh, thành phố-Đây cũng là 1 trong những lý do quan trọng để chúng tôi duy trì chăn nuôi, vượt qua cơn bão giá lợn thấp kéo dài kỷ lục hơn 1 năm qua. Mấy hôm nay giá lợn tăng khá nhanh, người chăn nuôi lợn an toàn sinh học như các hộ trong Hợp tác xã cũng có thêm đồng lợi nhuận...", anh Trường chia sẻ.
Chia sẻ về hiệu quả của mô hình chăn nuôi lợn an toàn sinh học, anh Tường cho hay: “Ngay từ khi chăn nuôi chúng tôi đã xác định phải làm bài bản. Ví như lợn con sau khi tách mẹ sẽ được cho tập ăn bằng cám công nghiệp, khi lợn đạt khoảng 20 -25kg sẽ được tiêm vacxin đầy đủ. Đến giai đoạn tiếp theo, lợn sẽ được cho ăn cám sinh học đến khi đủ cân nặng sẽ xuất chuồng đảm bảo không chỉ tránh được dịch bệnh mà chất lượng thịt lợn luôn thơm, ngon nhất có thể và đặc biệt là không có tồn dư kháng sinh trong thịt”.
"Nếu như nuôi lợn nuôi bằng cám công nghiệp gây ô nhiễm môi trường, mất vệ sinh chuồng trại thì nuôi lợn bằng cám sinh học lại hoàn toàn ngược lại. Nhờ mô hình mới này mà chúng tôi giảm thiểu được 70 – 80% mùi hôi trong chuồng trại, cũng như đảm bảo vệ sinh môi trường xung quanh khu chăn nuôi", ông Tương chia sẻ thêm.
Dù gặp nhiều thuận lợi nhưng Hợp tác xã Đồng Tâm vẫn còn những khó khăn. Trước thực trạng thị trường tiêu thụ biến động như hiện nay, anh Tường và các thành viên trong HTX của mình rất mong muốn các cơ quan chức năng và các đơn vị doanh nghiệp quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện cho hộ chăn nuôi để hình thành chuỗi liên kết từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm thịt lợn chất lượng cao...
Theo Triệu Tá/Dân Việt