Báo Lao Động thông tin, chị Nguyễn Quỳnh Hoa (nạn nhân, tên đã được thay đổi) là người đầu tư số tiền lên tới gần 16 tỉ đồng vào mô hình đầu tư tiền ảo này cho biết, lần đầu tiên chị tham dự hội thảo tiền ảo iFan là ngày 29.9.2017 ở Trung tâm tiệc cưới Capella (số 1, đường Ba Tháng Hai, phường 11, quận 10, TP.HCM).
Theo chị, hôm đó có cuộc nói chuyện của anh Diệp Khắc Cường, Vũ Hữu Lợi, Hồ Xuân Văn, Bùi Ngọc Mỹ (đều là thành viên ban lãnh đạo) giới thiệu đồng tiền này.
"Ngay buổi đó, họ đã tổ chức bán IFan với các mức giá ưu đãi từ 0,1-0,2 USD. Để tránh các nhà đầu tư ôm số lượng lớn IFan với giá thấp, ban lãnh đạo đã tiến hành bốc thăm, hoặc gọi tên ngẫu nhiên.
Tôi may mắn được chỉ định, nên quyết định mua 200.000 IFan với giá 0,1 USD. Chồng sắp cưới của tôi cũng được chọn, mua 200.000 IFan với giá 0,2 USD", chị Hoa nói.
|
Các nạn nhân của vụ đầu tư tiền ảo IFan. Ảnh: Báo Lao Động |
Khi được hỏi lý do khiến chị quyết định đầu tư số lượng lớn tiền ảo trong khi đồng tiền này chưa lên sàn quốc tế, nữ đại gia này cho hay: “Tôi tin vào anh Diệp Khắc Cường, anh ấy có tiếng tốt trong giới doanh nhân. Tôi tin anh ta nói được, làm được.
Những kế hoạch ban lãnh đạo trình bày về IFan rất thuyết phục. Ngoài ra, anh Cường thời điểm đó còn sở hữu app kết nối người hâm mộ với nghệ sĩ trong giới showbiz. Tôi rất thích điều này nên quyết định đầu tư”.
Chị Hoa dẫn lời của ông Diệp Khắc Cường, IFan khi được lên sàn, có thể đặt được vé máy bay, khách sạn với giá tốt, rẻ hơn 30-40% giá thị trường bên ngoài, hay đóng học phí ở những học viện dạy về công nghệ, thiết kế,... Họ hứa hẹn khi iFan lên sàn sẽ tạo ra hệ sinh thái kết nối mọi người.
Chị Hoa cho rằng, ban lãnh đạo không nói về vấn đề lãi suất, bởi chị đầu tư với tư cách doanh nhân. Ví dụ, chị mua đồng IFan với giá 0.1 USD, nhưng khi nó được niêm yết trên sàn, giá có thể tăng lên 5 USD, 6 USD. Họ hứa hẹn trong 3 tháng, nếu thực hiện đúng lộ trình, đến cuối tháng 12.2017, giá của iFan lên tới 5 USD. Lợi nhuận gấp 50 lần bình thường.
“Chúng tôi đợi đồng IFan lên sàn rồi bán ra, khi đó lợi nhuận rất tốt. Đồng IFan giống như bitcoin, nhưng bitcoin là tiền điện tử, đã được lên sàn quốc tế, còn IFan vẫn là tiền ảo vì chưa được lên sàn", chị Hoa cho biết.
Chia sẻ với Trí thức trẻ, bà Hoa cho biết, khi không còn liên lạc được với phía Công ty iFan bà rất buồn và thất vọng. Cả bà và chồng đều tin tưởng tuyệt đối vào ban lãnh đạo Công ty iFan, nhưng giờ mới nhận ra bị lừa.
Bà H và chồng đầu tư đến 16 tỷ đồng. Ngoài ra còn có bạn bè cũng đầu tư rất nhiều trong thương vụ đồng tiền ảo iFan.
Hiện bà H đang nghiên cứu mẫu đơn kiện gửi lên Cục Cảnh sát Kinh tế (C46, Bộ Công an) để làm rõ vụ việc hệ thống đa cấp tiền ảo iFan.
"Tôi nghĩ rằng, phía ban lãnh đạo đã có chủ mưu từ ban đầu để lừa mọi người. Tuy nhiên, nói đi phải nói lại tất cả cũng vì lòng tham, thấy họ đưa ra lãi suất quá hời, quá hấp dẫn như vậy.
Tôi tin giới chức trách sẽ điều tra, đòi lại công bằng cho chúng tôi trong vụ việc này", bà H chia sẻ.
Theo Hà Thu/ Vietq