Xót con ốc núi đặc chủng dần dà cạn kiệt trong môi trường tự nhiên, tại Tây Ninh đã mọc lên một trang trại nuôi ốc núi sinh sản nhằm bảo tồn và phát triển thương phẩm.
Chủ nhân của trang trại nuôi ốc núi sinh sản dưới chân núi Bà Đen này là anh Ngô Trần Ngọc Quốc (thị xã Hoà Thành).
Nông dân "nóc nhà Nam bộ" nuôi ốc núi sinh sản
Theo anh Quốc, nuôi ốc núi sinh sản không khó, không cần đòi hỏi nhiều kỹ thuật, diện tích đất lớn, nhưng người nuôi phải hiểu tập tính của ốc núi.
"Lúc mới nuôi ốc núi sinh sản, tôi cứ nghĩ đơn giản cho ốc ăn thức ăn công nghiệp là ốc sẽ nhanh sinh sôi.
Thực tế, không phải như vậy, trong môi trường thiên nhiên, cơ thể ốc núi ở thể lạnh nên ốc núi tìm ăn lá thuốc để cân bằng nhiệt độ thể trạng. Từ đây, khi ốc núi gặp môi trường phù hợp mới sinh sôi phát triển", anh Quốc chia sẻ.
Anh Quốc cho biết thêm, ốc núi rất kén ăn. Loại ốc này chỉ ăn lá của các loại cây thuốc nam, nếu cho chúng ăn các loại rau, củ, quả, chúng vẫn ăn nhưng sau đó chết dần. Nguyên nhân những loại rau, củ, quả có tính hàn, khiến chúng bị lạnh bụng mà chết.
Ngoài ra, nếu nuôi ốc núi sinh sản phải tạo môi trường nuôi với nhiệt độ, độ ẩm gần giống nhất với môi trường thiên nhiên. Cần phải bổ sung khoáng chất để vỏ ốc dày lên, tránh ốc chết.
"Trong tự nhiên, hàm lượng khoáng chất trên núi Bà Đen rất cao, nên vỏ ốc khá dày giúp ốc chống chịu bất lợi của thiên nhiên", anh Quốc bộc bạch.
Hiện, anh Quốc đang chuyển sang nuôi ốc núi sinh sản bằng thực phẩm chức năng nhằm tạo ra sản phẩm ốc núi đặc trưng phục vụ du khách khi đến Tây Ninh.
Nuôi ốc núi sinh sản ở "siêu đô thị"
Khai thác giá trị của ốc núi, thời gian gần đây, trên đường Võ Văn Kiệt (quận 5, TP.HCM), anh Trần Kiến Văn đã tổ chức nuôi ốc núi sinh sản.
Theo đó, nếu anh Quốc mở trại nuôi ốc núi sinh sản bài bản, thì anh Văn tận dụng một góc nhà nhỏ bé để nuôi ốc núi. Và nếu anh Quốc nuôi ốc núi sinh sản trong những hồ xi măng, thì anh Văn nuôi ốc núi trong những cái rổ nhựa được xếp chồng lên nhau.
Theo anh Văn, cứ mỗi rổ nhựa (kích thước 40x50cm) anh nuôi 10kg ốc núi. Để tạo môi trường ẩm ướt nuôi ốc núi sinh sản, mỗi ngày anh Văn tưới nước từ rổ nhựa trên cao để nước chảy dần xuống những rổ nhựa nuôi ốc núi sinh sản bên dưới.
Từ chỗ chỉ nuôi thử chỉ 2-3kg ốc núi, thấy ốc sinh sản tốt, anh Văn nâng dần số lượng rổ nuôi lên. Giờ thì anh nuôi ốc núi sinh sản với hàng chục rổ nhựa.
Anh Văn nuôi ốc núi sinh sản trong những rổ nhựa.
Nghe nói, ở trên núi, ốc núi ăn các loại lá cây dược liệu nên có hương vị thuốc bắc, anh Văn rau tần dày lá cho ốc núi ăn. Ăn lá rau tần chừng 1 tuần, thịt ốc núi đã thoảng vị đặc trưng của loại thuốc nam này.
"Nuôi ốc núi sinh sản lâu ngày, tôi nhận ra chất lượng thịt ốc núi phụ thuộc nhiều vào loại thức ăn.
Ốc núi ăn loại lá cây nào thì khi chế biến, thịt ốc sẽ thoang thoảng hương vị đó", anh Văn bộc bạch.
Thao anh Văn, so với ốc núi tự nhiên, ốc núi nuôi chậm lớn hơn. Nếu ngoài tự nhiên, ốc núi cần 5 tháng để trưởng thành thì ốc nuôi cần thêm 1-2 tháng nữa.
Và vì nuôi nhốt lồng, con ốc núi bị stress sẽ ít ăn hơn. Đây cũng là lý do khiến ốc nuôi chậm lớn hơn so với ốc phát triển ngoài tự nhiên.
Ngoài ra, ốc núi ít khi bị dịch bệnh. Không nên nuôi ốc núi sinh sản với mật độ dày trong thùng nhựa, ốc dễ bị chết ngộp. Hiện, trung bình mỗi tháng anh Văn bán 100-120kg ốc núi.
"Người nuôi bỏ ra số vốn khoảng 200.000 đồng để mua 1kg ốc giống. Sau 3 tháng nuôi, giá trị ốc núi tăng lên 2,5 lần. Khi ốc núi đạt khoảng 25 con/kg là xuất bán", anh Văn chia sẻ.
Do thức ăn của ốc núi là thảo dược, như cây mã tiền, lá vông, lá nàng hai… nên thịt ốc núi rất ngon và bổ dưỡng. Phần thịt ốc núi khá đầy, giòn, dai, vị ngọt thanh, có độ đạm cao, hương vị thuốc quý. Ốc núi được chế biến nhiều món thơm ngon. Thị trường rất ưa chuộng sản phẩm ốc núi.
Một thời, giá ốc núi Bà Đen lên đến cả triệu đồng/kg. Tuy hiện nay, sản phẩm ốc núi thương phẩm đã giảm sút, nhưng giá ốc núi vẫn ở tầm 200.000-400.000 đồng/kg.
Theo Trần Đáng/Dân Việt