Những ngày cuối tháng Giêng tại xã Cẩm Hà và phường Thanh Hà (làng trồng quất thành phố Hội An, Quảng Nam), nơi được mệnh danh là thủ phủ quất miền Trung, lúc nào cũng nhộn nhịp xe ra vào chở những chậu "quất xác" từ khắp nơi về.
"Quất xác" là những chậu quất cảnh được người dân chưng Tết, sau khi chơi Tết xong sẽ bán hoặc cho lại nông dân chăm sóc. Không phải cây quất nào cũng được chọn, người nông dân chỉ chọn những cây phải đảm bảo rễ còn phát triển tốt, không héo úa và thân còn mượt mà.
Sau Tết, nhiều chủ vườn thu mua "quất xác" về chăm sóc để Tết năm sau bán tiếp (Ảnh: Ngô Linh).
Thông thường, người trồng quất sẽ mua quất giống được giâm dưới đất 1-3 năm, tùy nhu cầu chọn cây lớn hoặc nhỏ mới được trồng vào chậu. Tuy nhiên, cây giống ngày càng ít nên nông dân thường tận dụng "quất xác" sau khi người dân chơi Tết xong để mang về chăm sóc.
Ông Nguyễn Văn Bin (61 tuổi, thôn Bầu Ốc, xã Cẩm Hà) cho hay, việc thu mua "quất xác" thường kéo dài từ sau Tết đến hết tháng Giêng, qua tháng 2 xem như đã trễ, không còn kịp cho cây giữ sức.
Dự tính dịp Tết Nguyên đán năm sau, gia đình ông Bin sẽ cung ứng thị trường khoảng 500 chậu quất cảnh; trong đó hơn 50% là "quất xác", còn lại là quất trồng từ đất đưa vào chậu. Ông Bin cho hay giá "quất xác" năm nay giảm 30% so với năm ngoái.
"Một cây "quất xác" có giá 100.000-500.000 đồng (loại nhỏ đến trung), loại lớn 1-2 triệu đồng/cây, giá giảm là do dịp Tết vừa qua giá quất cảnh giảm. Để tiết kiệm chi phí thuê nhân công, cả gia đình được huy động chăm sóc quất", ông Bin chia sẻ.
Sau khi đưa "quất xác" về phải bấm bớt cành, trái còn sót lại (Ảnh: Ngô Linh).
Theo người dân địa phương, ưu điểm của "quất xác" là cây cứng hơn nên sức chống chịu với sâu rầy tốt hơn. Tuy nhiên, công cán bỏ ra cũng nhiều hơn. Ngoài cắt tỉa lá cành cũng phải xả hết đất cũ ra thay đất mới, nếu phát hiện rễ nào hư phải bấm bỏ để cây có thể trạng tốt nhất.
Ngoài thu mua "quất xác" về chăm sóc, nhiều chủ vườn còn nhận chăm sóc cây cho khách.
"Nhiều cây quất có thế rất đẹp, vừa ý khách thì họ sẽ nhờ mình chăm sóc để năm sau chơi tiếp. Hoặc các thương lái khi bán không hết quất trong dịp Tết vừa rồi cũng sẽ mang đến để chủ vườn chăm sóc hộ, năm sau họ quay lại trả công và đưa đi tiêu thụ, như vậy sẽ giảm đáng kể chi phí", ông Nguyễn Văn Chín (khối Trảng Sỏi, phường Thanh Hà) cho hay.
Kiểm tra bộ rễ, loại bỏ bớt rễ bị hư hại; sau đó rửa sạch bộ rễ và thân cây để tránh sâu bệnh, nấm mốc (Ảnh: Ngô Linh).
Việc chăm sóc cây quất sau Tết cũng tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động tại địa phương, từ việc bứng quất cho vào chậu, đến tỉa cành, cắt đọt để cây ra "lộc" mới…
Bà Nguyễn Thị Yến (54 tuổi, xã Cẩm Hà, thành phố Hội An) cho hay, từ mùng 10 tháng Giêng, chủ vườn sẽ gọi để thuê chăm sóc quất, tiền công mỗi ngày 200.000-300.000 đồng/người (tùy công đoạn).
Mọi người thường đi theo nhóm 2-3 người, sau khi hoàn thành vườn này sẽ nhận tiếp vườn khác. Các cây cảnh phải hoàn tất việc bấm tỉa cành trước tháng 2 để cây giữ sức nên công việc cũng tất bật hơn.
Theo Ngô Linh/Dân Trí