Chị Nguyễn Thị Kim Ca, ấp Bến Tượng, xã Lai Hưng, huyện Bàu Bàng (tỉnh Bình Dương) bắt đầu trồng hoa lan Mokara từ năm 2011 với quy mô nhỏ. Sau nhiều năm tích lũy kinh nghiệm và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chị Ca đã mở rộng diện tích vườn hoa lan lên 5.000m2 với khoảng 30.000 gốc lan.
Những năm gần đây phong trào trồng hoa lan cắt cành được các hộ nông dân tại nhiều địa phương đầu tư phát triển, việc trồng lan Mokara của chị Nguyễn Thị Kim Ca cũng trong xu hướng đó.
Điều đáng nói ở đây chính là tinh thần vượt khó, đam mê với nghề trồng lan của chị.
Sau dịch bệnh Covid-19, tình hình kinh tế khó khăn chung, rất nhiều vườn lan trên địa bàn xã không duy trì được, nhưng vườn lan của chị Ca vẫn luôn cho thu nhập ổn định.
|
Chị Nguyễn Thị Kim Ca, nông dân ấp Bến Tượng, xã Lai Hưng, huyện Bàu Bàng (tỉnh Bình Dương) bên vườn hoa lan Mokara của gia đình. |
Đến thăm vườn lan Mokara chị Ca đúng vào thời điểm nắng nóng, toàn vườn được che 2 tầng lưới, mỗi tầng lưới có khoảng cách phù hợp để tạo độ thông thoáng.
Chị Ca cho biết: “Chỉ cần 2 tuần không chăm sóc là vườn lan sẽ hỏng hết, lan cần được chăm sóc mỗi ngày, liên tục. Với thời tiết khắc nghiệt như hiện nay, mỗi nhà vườn có cách xử lý riêng để hạn chế nắng nóng.
Ngoài sử dụng lưới che, hệ thống tưới tự động, chúng tôi rải xơ dừa dưới gốc cây để giữ ẩm, sử dụng phân sinh học hữu cơ, hạn chế thuốc xịt cỏ để giảm thiểu tác động tới môi trường”.
Theo chị Ca, xơ dừa có thời gian phân hủy dài hơn vỏ trấu và vỏ đậu. Sử dụng xơ dừa làm chất giữ ẩm cho cây sẽ giúp giảm chi phí nhân công chăm sóc, chi phí vật tư nông nghiệp.
Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và chăm sóc tỉ mỉ, vườn lan Mokara của chị Ca luôn cho hoa đẹp và nở quanh năm. Lúc đỉnh điểm, trừ hết chi phí phân bón, điện, nước, mỗi năm chị thu về khoảng 300 - 400 triệu đồng.
Cơ duyên để chị Ca đến với mô hình trồng lan Mokara cắt cành bắt đầu từ dịp tham gia hội nhóm trồng hoa lan. Sẵn có niềm đam mê làm nông nghiệp, chị Ca đã “tập tành” làm theo và cho thu nhập khá.
Năm 2016, chị được tiếp cận nguồn vốn chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị - nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh giai đoạn 2016- 2020. Nhờ đó, chị đã mạnh dạn mở rộng diện tích.
|
Sử dụng xơ dừa làm chất giữ ẩm cho cây lan Mokara sẽ giúp giảm chi phí nhân công chăm sóc, vật tư nông nghiệp. Mô hình trồng lan Mokara của chị Ca ở ấp Bến Tượng, xã Lai Hưng, huyện Bàu Bàng (tỉnh Bình Dương). |
Thời gian đầu, chị cũng gặp không ít khó khăn về thị trường tiêu thụ. Sau này, nhiều đại lý hoa, công ty chuyên cung cấp hoa biết tới và đặt hàng nên thị trường tiêu thụ khá ổn định.
hị Ca cho biết thêm: “Thời điểm này kinh tế khó khăn giá cả không còn được như trước, may mắn vườn không bị tồn ứ hàng, cắt đến đâu bán hết đến đó. Tôi không phải thuê đất và được sự hỗ trợ kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc của những người đi trước trong hội nhóm chơi lan nên vườn lan duy trì tốt”.
Ông Huỳnh Thành Công, Chủ tịch Hội Nông dân xã Lai Hưng, cho biết vườn lan của chị Ca là điển hình cho việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt.
Yếu tố để chị Ca thành công với mô hình này đó là chị đã mạnh dạn đầu tư về quy mô, tiếp cận được nguồn vốn đúng thời điểm, được sự hỗ trợ từ những người có kinh nghiệm trong hội chơi hoa lan. Mô hình của chị cũng góp phần tạo việc làm thời vụ cho lao động địa phương.
Để hỗ trợ nông dân trong sản xuất nông nghiệp, xã phối hợp các phòng ban của huyện, tỉnh tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, chăm sóc vườn cây.
Thông qua các lớp học giúp nông dân kết nối với các đơn vị sản xuất phân bón, giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp đang thực hiện có hiệu quả tại địa phương. Tạo điều kiện cho các hộ có nhu cầu tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi khi đủ điều kiện được vay.
Cũng theo ông Công, hiện nay nông nghiệp đô thị trên địa bàn xã đang phát triển rất tốt, có rất nhiều mô hình sản phẩm đạt chất lượng cao, sản lượng tốt.
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của người nông dân vẫn là thị trường đầu ra. Hy vọng, cơ quan chức năng, ban ngành có thẩm quyền quan tâm hỗ trợ, có giải pháp để nông dân yên tâm sản xuất, nâng cao đời sống.
Trao đổi với pv, ông Huỳnh Thành Công, Chủ tịch Hội Nông dân xã Lai Hưng, huyện Bàu Bàng (tỉnh Bình Dương) cho biết: “Hiện nay nông nghiệp đô thị trên địa bàn xã đang phát triển rất tốt, có rất nhiều mô hình sản phẩm đạt chất lượng cao, sản lượng tốt. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của người nông dân vẫn là thị trường đầu ra. Hy vọng, cơ quan chức năng, ban ngành có thẩm quyền quan tâm hỗ trợ, có giải pháp để nông dân yên tâm sản xuất, nâng cao đời sống”.
Theo Tiến Hạnh (Báo Bình Dương)