Dư luận đang xôn xao trước những "lùm xùm" đấu tố liên quan đến ghế nóng Chủ tịch HĐQT của Ngân hàng Eximbank. Ngay sau khi ông Lê Minh Quốc bị miễn nhiệm và bà Lương Thị Cẩm Tú (thành viên HĐQT Eximbank) được bầu làm Chủ tịch HĐQT Eximbank nhiệm kỳ VI (2015 - 2020) thì ông Quốc lập tức lên tiếng "tố rằng", quy trình bầu Chủ tịch HĐQT Eximbank không đúng luật. Phiên họp ngày 22/3 của nhóm thành viên HĐQT Eximbank không có giá trị pháp lý do đó những nghị quyết ban hành tại phiên họp không có hiệu lực pháp luật.
|
Ông Lê Minh Quốc cho rằng việc bầu tân chủ tịch HĐQT là sai điều lệ Eximbank và trái pháp luật?. Ảnh: Dân Việt. |
Theo ông Quốc, trước đó, ngày 11/03/2019, ông đã có đơn xin cứu xét, phản ánh tình hình bất ổn trong thành viên HĐQT Eximbank và các sai phạm của nhóm thành viên HĐQT gửi Ngân hàng Nhà nước xin can thiệp “khẩn cấp và triệt để nhằm bảo vệ sự nghiêm minh của pháp luật, giúp ổn định hoạt động của Eximbank nói riêng và đảm bảo an ninh tiền tệ quốc gia nói chung...
Sau đó ít lâu, ngày 19/3, ông Quốc nhận được email từ Văn phòng Hội đồng quản trị gửi tài liệu kèm thư triệu tập phiên họp hội đồng quản trị ngày 22/3 (thư triệu tập đề ngày 15/3 và do 5 thành viên HĐQT ký). Ngày 20/3, ông Quốc có văn bản yêu cầu không thực hiện cuộc họp vào ngày 22/3 do nhóm 5 thành viên HĐQT triệu tập. Tuy nhiên, cuộc họp này vẫn diễn ra và bà Tú vẫn được bầu giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT.
Tuy nhiên, đáp lại lời cáo buộc này, Eximbank đã lên tiếng phủ nhận. Eximbank cho rằng, ngày 22/3 vừa qua, Nghị quyết số 112/2019/EIB/NQ-HĐQT về việc bổ nhiệm bà Tú giữ chức Chủ tịch HĐQT Eximbank nhiệm kỳ VI (2015 – 2020) thay ông Quốc đã được sự tín nhiệm và thống nhất cao của HĐQT. Số lượng thành viên HĐQT tham dự các phiên họp trước đó và phiên họp 22/3 đều đúng quy định của pháp luật. Trong đó có sự đồng thuận của 2 thành viên HĐQT đại diện cho cổ đông Sumitomo Mitsui Banking Corporation - cổ đông chiến lược của Eximbank.
Liên quan đến vấn đề này, trả lời trên Tiền Phong, đại diện cơ quan thanh tra NHNN cho biết, theo quy định của ngân hàng, việc thay chủ tịch hay thành viên HĐQT sẽ báo cáo NHNN trong 7 ngày. Chỉ có vị trí tổng giám đốc là người điều hành hoạt động trực tiếp của ngân hàng mới phải do NHNN phê chuẩn về chuyên môn, đạo đức và không vi phạm pháp luật.
Thanh tra NHNN đã yêu cầu ngân hàng Eximbank làm rõ vụ việc và báo cáo bằng văn bản lên NHNN. Ai làm sai sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Đây không phải là lần đầu Eximbank bị vướng vào những cuộc tranh giành quyền lực gây nóng dư luận. Theo Dân Việt, tại thời điểm 2015, thị trường xuất hiện tin đồn Eximbank sẽ sáp nhập với Ngân hàng Nam Á Bank (NamABank). Theo đó, tại Đại hội Đại cổ đông năm 2015, NamABank đã cử người tham gia ứng cử vào thành viên HĐQT của Eximbank, khiến cho mâu thuẫn nổi lên giữa các nhóm cổ đông của nhà băng này.
|
Tranh cãi "nảy lửa" tại một cuộc họp của Eximbank. Ảnh: VNN. |
Sau Đại hội Đại cổ đông 2015, ông Lê Hùng Dũng đã rút khỏi ghế chủ tịch HĐQT, vấn đề chiếc ghế quyền lực nhất này đã “nóng” hơn bao giờ hết. Mâu thuẫn giữa các nhóm cổ đông càng đẩy lên đỉnh điểm khi chọn thêm người vào quản trị.
Trong các ĐHCĐ trước nữa, các nhân sự ứng cử bổ sung vào HĐQT nhiệm kỳ 2015-2020 đều không được. Cuộc tranh giành ghế vào HĐQT Eximbank lan mạnh khi ĐHCĐ năm 2016 không thành công cũng bởi xung đột lợi ích các nhóm cổ đông. Tình hình chỉ tạm thời êm dịu khi ĐHCĐ năm 2017, đa số các tờ trình đã được thông qua.
Đến đại hội 2018, cựu CEO của NamABank là bà Lương Thị Cẩm Tú là ứng cử viên duy nhất trong danh sách bổ sung được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận tham gia HĐQT Eximbank.
|
Bà Lương Thị Cẩm Tú. Ảnh: Internet. |
Trong khi đó, bộ máy lãnh đạo của Eximbank giảm 8 phó TGĐ. Ban điều hành chỉ còn 7 người thay vì 15 thành viên như trước đây.
Không ít ý kiến đã cho rằng, cuộc chiến tranh giành quyền lực khiến nội bộ Eximbank luôn bất ổn. Tình hình này phần nào ảnh hưởng đến quá trình phát triển của ngân hàng.
Thế Hoàng (tổng hợp)