Ở Tây Nguyên, sầu riêng hiện đang là cây ăn trái cho hiệu quả kinh tế cao, có hộ thu nhập lên đến tiền tỷ mỗi năm. Chính vì vậy, bà con nông dân đang đổ xô vào trồng loại cây này.
Nếu không "phanh" kịp, chắc “cung” vượt “cầu”, và cuối cùng thì chính người nông dân chịu thua thiệt.
Người trồng sầu riêng như trảy hội
Do giá sầu riêng tăng mạnh, gần đây nông dân các tỉnh Tây Nguyên đầu tư vào trồng loại cây này khá nhiều. Do vậy ngoài cây cà phê, hồ tiêu, cao su, bơ… thì cây sầu riêng đang dần trở thành cây trồng chủ lực tại khu vực, mang lại giá trị kinh tế cao. Sầu riêng Tây Nguyên nổi tiếng nhất là được trồng tại Đăk Lăk với vị ngọt thanh, quả nhỏ nhưng múi chắc, thơm ngon và giá bán cao.
|
Tại các cơ sở kinh doanh cây giống ở xã Hòa Thắng, TP Buôn Ma Thuột luôn tấp nập kẻ mua, người bán |
Đây chính là nguyên nhân chính khiến nông dân đang lùng mua giống sầu riêng, trồng trước khi mùa mưa kết thúc. Có mặt tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh cây giống tại đường Nguyễn Lương Bằng, TP Buôn Ma Thuột (Đăk Lăk), chúng tôi chứng kiến cảnh người mua kẻ bán giống sầu riêng đông như trảy hội. Có người còn thuê cả xe tải chở hàng ngàn cây giống sầu riêng về nhà trồng.
Đang chọn lựa cây giống, chị Lê Thị Thanh là nông dân xã Hòa Đông, huyện Krông Păc cho biết: "Nhà mình có 8 sào cà phê xen hồ tiêu, tuy nhiên năm vừa rồi năng suất kém quá, hồ tiêu bị bệnh chết nhiều, hơn thế giá cả lại xuống. Trong khi bà con ở Krông Pắc đang trúng đậm sâu riêng. Mình dốc hết tiền mặt trong nhà, tính mua vài trăm cây về trồng kẻo hết mùa mưa. Khi nào sầu riêng tốt mình sẽ chặt bỏ cà phê và tiêu…".
Cũng như chị Thanh, cách đó không xa ông Bùi Ngọc Hùng ở xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn cũng đang chọn mua hơn 200 cây sầu riêng Ri6 về trồng. Ông Hùng cho biết: "Chúng tôi vẫn biết việc thay đổi cây trồng là khó nhất. Tuy nhiên, mỗi cây mỗi thời, nếu không thay đổi cây trồng cho phù hợp với thời thế thì lấy gì thu hoạch mỗi mùa vụ. Các anh cũng biết, hiện Tây Nguyên đang trúng đậm sầu riêng mà, biết đâu sau này hình thành vùng cây đặc sản sầu riêng tại đây thì tốt".
Theo khảo sát của chúng tôi tại các cơ sở sản xuất kinh doanh cây giống xã Hòa Thắng, TP Buôn Ma Thuột (nơi Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm Tây Nguyên đặt trụ sở) thì hiện nay cây sầu riêng giống có giá từ 85.000 - 120.000 đồng/cây, tùy theo từng giống. So với những năm trước, tăng từ 20.000 - 30.000 đồng/cây.
Để đáp ứng nhu cầu của bà con nông dân ở Tây Nguyên, các cơ sở kinh doanh cây giống thường đưa các giống như Dona, Monthong, Ri6… về bán. Đây là những loại giống được đánh giá là có chất lượng và năng suất cao hiện nay.
Không chỉ nông dân dân ở Đăk Lăk đua nhau trồng sầu riêng, mà tại các tỉnh như Đăk Nông, Lâm Đồng và Gia Lai… hiện nay bà con nông dân cũng đang có "thiện cảm" với giống cây trồng này. Họ mua về trồng thay thế các cây trồng khác như cà phê, cao su...
Là người chủ cơ sở kinh doanh cây giống nhiều năm, anh Lê Đức Thắng ở đường Phạm Văn Đồng, TP Buôn Ma Thuột cho biết: "Chúng tôi là những người kinh doanh giống cây trồng, giống nào bán chạy thì nhập về nhiều. Nếu năm 2016, cơ sở chỉ bán được 2.000 cây, năm nay chưa hết mùa mưa đã bán tới 5.000 cây rồi, bình quân giá tăng lên khoảng 25.000/cây".
Khéo biến sầu riêng thành... sầu chung
Sầu riêng là cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, được trồng nhiều tại khu vực Tây Nguyên, đồng bằng Nam bộ... Trong đó, do có khí hậu đặc thù nên sầu riêng ở Tây Nguyên chín lệch vụ so với những vùng còn lại. Cũng nhờ sáng tạo của bà con, sầu riêng từ cây trồng xen canh trở thành cây ăn quả chủ lực, mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng, thậm chí hàng tỷ đồng cho nhiều hộ gia đình.
Hiện ở Tây Nguyên cây sầu riêng có diện tích tăng lên đáng kể, nhưng với tốc độ nhanh dần đều. Theo Sở NN-PTNT Đăk Lăk, hiện trên địa bàn tỉnh có khoảng gần 3.000 ha sầu riêng, tức tăng 300ha so với năm 2016. Cây sầu riêng tập trung chủ yếu tại các huyện Krông Păc, TP Buôn Ma Thuột, Cư M’gar, Ea Kar, Krông Buk, Cư Kuin…
|
Giống sầu riêng được đông đảo bà con nông dân ở Tây Nguyên mua về trồng |
Còn tại tỉnh Đăk Nông, diện tích sầu riêng hơn 1.000ha, trong đó, sầu riêng trồng tại Đắk Mil có diện tích và năng suất vượt trội bởi múi thơm ngon, cơm vàng, hạt lép. Riêng tỉnh Lâm Đồng cũng có hàng ngàn ha sầu riêng, trong đó huyện Đạ Huoai được coi là “thủ phủ” với 2.000ha, sản lượng trung bình 9 tấn/ha, chủ yếu trồng những giống cao cấp như Monthong, Ri6, Dona…
Theo các chuyên gia nông nghiệp, trồng sầu riêng đúng quy trình, sau 3 - 4 năm tuổi cho thu hoạch, 5 - 7 năm tuổi đạt năng suất ổn định. Hiện nay sầu riêng ở Tây Nguyên bán được giá, tuy nhiên khi diện tích sầu riêng đang tăng phi mã như hiện nay thì điều chắc chắn là vài năm nữa khi diện tích này cho quả thì bản thân trái sầu riêng sẽ mất giá, bởi lúc đó “cung” sẽ gấp bội “cầu”.
Ngoài ra, cây sầu riêng là loại cây khó tính, dễ sâu bệnh đòi hỏi người trồng phải nắm vững kỹ thuật và đầu tư mạnh vào chăm sóc, phòng bệnh. Nếu người dân chưa hiểu rõ về nó mà ồ ạt trồng nhiều dễ thất bại.
"Cơn bão" trồng sầu riêng tại Tây Nguyên đang tăng cấp gió, hiện gió mới rít, giật nhưng đến khi gió cấp 9, cấp 10, tăng lên cấp 11, 12 thì chắc chắn vựa sầu riêng Tây Nguyên sẽ chao đảo, sầu riêng biến thành nỗi sầu chung của cả một ngành hàng, giá sầu riêng khi đó sẽ rớt thảm hại, điệp khúc trồng chặt lại tái diễn. Vì vậy. người nông dân cần nghĩ kỹ trước khi đổ xô vào trồng loại cây này.
Niên vụ 2017 - 2018 bà con nông dân các tỉnh Tây Nguyên bước vào mùa thu hoạch sầu riêng với tâm lý phấn khởi khôn xiết bởi sầu riêng đang trúng đậm. Sầu riêng có giá trung bình từ 45.000 - 50.000 đồng/kg, cao hơn năm trước từ 5.000 - 7.000 đồng/kg, loại sầu riêng loại 1 có giá cao từ 47.000 - 52.000 đồng/kg (năm 2016 sầu riêng có giá từ 35.000 - 40.000 đồng/kg).
Theo Văn Thanh/NNVN