Một sáng đầu tháng 3, khi dịch Covid-19 bùng phát, ai cũng cảm thấy lo lắng bất an, có người ví “như ngồi trên chảo dầu sôi”, một số cán bộ cao cấp của Tập đoàn Mường Thanh xin phép qua gặp báo cáo Chủ tịch Tập đoàn Lê Thanh Thản về tình hình thiệt hại nặng nề trong các hoạt động kinh doanh của Tập đoàn do hậu quả của Covid-19. Bản báo cáo khiến nhiều người lặng đi vì con số thiệt hại quá lớn và để lại nhiều hệ lụy. Cùng trong cảnh ngộ này, nhiều doanh nghiệp bạn đã phải đóng cửa, ngừng sản xuất, phải sa thải hàng loạt nhân viên... nhằm cắt lỗ.
Mường Thanh với hơn 250.000 lao động rải hầu khắp các tỉnh thành cả nước, cũng đứng trước những khó khăn thách thức đó. Đây là giai đoạn ngành du lịch vô cùng khó khăn, Mường Thanh là Tập đoàn có chuỗi khách sạn tư nhân cao cấp lớn nhất Đông Nam Á, sở hữu gần 60 khách sạn và dự án khách sạn trải dài khắp Việt Nam và Lào, Mường Thanh đã trở thành một trong những thương hiệu nổi tiếng đại diện cho ngành lưu trú Việt Nam...
Vậy mà cả tháng nay nhiều người đã nơm nớp nghĩ đến cảnh sẽ mất việc làm, bao nhiêu nỗi lo cơm áo xen lẫn dịch bệnh corona rình rập khiến không ít người mất ăn mất ngủ. Các cán bộ cao cấp của Tập đoàn muốn xin ý kiến Chủ tịch có nên cắt giảm bớt nhân viên để giảm bớt chi phí trong giai đoạn quá khó khăn này.
|
Doanh nhân Lê Thanh Thản (giữa) |
Cả phòng họp im lặng chờ đợi. Bác Chủ tịch cũng im lặng. Ông nhìn xung quanh mỗi người một lượt, rồi ông nói, chất giọng xứ Nghệ trầm ấm xua tan cả bầu không khi đang căng thẳng:
- Không ai phải nghỉ việc cả. Cả nước chống dịch, mình cũng chống dịch. Lúc thuận lợi thì kêu gọi quân bên dưới làm hết lòng hết dạ, lúc gặp khó khăn lại đẩy họ ra là cớ làm sao? Các chú cứ xác định mình sẽ no đói có nhau nhé! Yên trí về làm nhiệm vụ đi!
Câu nói của bác Lê Thanh Thản tưởng thật nhẹ mà rất nặng, nặng chính ở tấm lòng “no đói có nhau”. Trước khi trở thành đại gia, ông Thản từng là một chiến sỹ trải qua nhiều chiến trường khốc liệt, ông đã chứng kiến biết bao đồng đội ngã xuống hy sinh vì độc lập tự do dân tộc; hết chiến tranh, trở về quê, thành anh cán bộ địa phương, lại là con trai của ông Chủ nhiệm Hợp tác xã, nhưng anh Thản một lần nữa dũng cảm xung phong đi miền núi, lên với Lai Châu khai phá phát triển cho vùng đồng bào dân tộc đang vô vàn nghèo đói gian khó.
Tôi đã từng gặp nhiều đồng đội chiến trường xưa với ông nay là các vị Tướng, là những thương binh, cựu binh láp lánh huân chương đầy ngực, được ông Thản trân trọng mời đến tham dự Lễ khai trương các khách sạn cao cấp 4-5 sao của Mường Thanh. Tôi cũng đã được nghe chuyện của một chiến sỹ Công an Lai Châu trong một lần đi dự khai trương khách sạn Mường Thanh, kể chuyện năm xưa về một lần (trong rất nhiều lần) qua chơi nhà anh Thản, anh rủ: “Tớ mới tậu ô tô. Đi với tớ”. Không ngờ đó là chiếc ô tô tải nhỏ. Anh Thản chở anh bạn Công an ra bờ sông, phát cho bạn cái xẻng: “Cậu xúc với tớ xe cát”. Hai anh em cứ thế xúc đầy xe cát, rồi về...
Tấm lòng “No đói có nhau” ấy của bác Lê Thanh Thản, tôi tin đã được hun đúc và giữ gìn trong cả cuộc đời hơn 70 năm trải qua mưa bom bão đạn chiến trường, trải qua những tháng ngày mưa rừng thác lũ... để trở thành cái Tâm và cái Tầm của một người dám đương đầu khó khăn, khám phá, phát triển cái mới, trong khó khăn tột cùng vẫn thể hiện tình yêu thương con người vô bờ bến. Thử hình dung xem, trong số 250.000 lao động đó nếu có một số nhân viên bị sa thải trong đợt này thì họ biết đi đâu về đâu? Bố mẹ, vợ con họ sinh sống bằng cái gì? Liệu có người nào vì sa cơ mà sa ngã, mà vi phạm pháp luật không? Tấm lòng ấy của bác Thản không chỉ làm ấm lòng hơn 250.000 gia đình người lao động, đã có thể yên tâm tích cực tham gia cùng với toàn xã hội phòng chống dịch bệnh, mà còn đem lại niềm tin yêu cho xã hội.
Tôi bỗng nhớ những lời thơ Lê Thanh Thản sáng tác, đã trở thành bài hát rất đỗi thân thuộc ở các khách sạn cao cấp Mường Thanh: “Bình minh núi hạt sương se nỗi nhớ/ Bỗng vọng về câu hát Người ơi... Người ở.../ Anh không biết hát câu mạn thuyền gối tựa/ Để mà hẹn em đừng đứng, đừng ngồi/ Em đốt lòng anh bằng nửa vời câu hát/Anh xin làm sợi tơ vàng mượt/ Nối cõi lòng chia sẻ ở hai nơi/ Em sẽ hiểu tận cùng câu hát Người ở... Người ơi...”. Lê Thanh Thản còn có bài thơ tự vịnh về “Đời doanh nhân”: “Đêm thao thức ngày đánh trần/ Lắm khi vỡ mộng lấm lưng bạn cười”. Hay nhất có lẽ là câu kết của bài thơ: “Có đi xa mới mong gần/ Có sẻ chia mới biết mình lớn khôn”. Có lẽ bởi Lê Thanh Thản có một tâm hồn đầy thơ và một tấm lòng sẻ chia như vậy nên ông thật nặng ân tình “No đói có nhau”.
Theo Trần Thu Hằng/Tầm nhìn