Công ty cổ phần Tập đoàn Trí Nam là doanh nghiệp nằm trong danh sách các đơn vị chậm đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) tháng 9/2024.
Cụ thể, VietnamFinace dẫn danh sách được BHXH TP Hà Nội công bố, đến hết ngày 30/9/2024, Công ty cổ phần Tập đoàn Trí Nam chậm đóng BHXH 2 tháng với số tiền lên đến 427 triệu đồng.
|
Tập đoàn Trí Nam đang triển khai dịch vụ xe đạp công cộng TNGo tại Hà Nội. (Ảnh minh họa). |
Về Công ty cổ phần Tập đoàn Trí Nam, được biết, doanh nghiệp thành lập vào năm 2009, có trụ sở tại Hà Nội. Tính đến cuối tháng 5/2024, Tập đoàn Trí Nam có tổng cộng 76 lao động với vốn điều lệ đăng ký là 150 tỷ đồng. Người đại diện pháp luật của doanh nghiệp là ông Nguyễn Mạnh Trường, sinh năm 1982.
Doanh nghiệp này chuyên cung cấp các giải pháp công nghệ thông tin, bao gồm hệ thống giao thông thông minh (ITS), thu phí tự động không dừng (ETC), giáo dục thông minh và các dịch vụ công nghệ liên quan. Công ty còn tham gia triển khai hệ thống thông tin quản lý và dữ liệu quốc gia dân cư.
Trong lĩnh vực an toàn giao thông, Trí Nam còn tham gia tư vấn và triển khai hệ thống giám sát an toàn giao thông đường bộ bằng hình ảnh trên các tuyến quốc lộ như QL5, QL70. Ngoài ra, công ty đã tiên phong trong việc cung cấp các giải pháp thu phí tự động không dừng (ETC), thu phí một dừng (MTC) và thu phí hỗn hợp (ETC & MTC) tại hơn 10 trạm thu phí với hơn 100 làn thu phí trên toàn quốc. Các dự án tiêu biểu bao gồm các trạm thu phí tại Pháp Vân - Cầu Giẽ, Hà Nội - Hải Phòng, Toàn Mỹ 14, Hoàng Mai, Tân Đệ, Mỹ Lộc, Yên Lệnh,...
Công ty cũng đóng vai trò tư vấn và cung cấp các hệ thống giám sát phức hợp cho dự án Long Thành - Dầu Giây, bao gồm hệ thống CCTV, VDS, WIM, WOS, cùng các hệ thống bộ đàm, tổng đài nội bộ và truyền dẫn.
Tập đoàn Trí Nam đang triển khai dịch vụ xe đạp công cộng TNGo tại Hà Nội, với hơn 700 chiếc xe đạp ở 88 điểm thuê của 6 quận nội thành. Tập đoàn cho biết, mức đầu tư ban đầu của dự án lên tới hơn 6,4 tỷ đồng, trong khi doanh thu chỉ đạt hơn 3,7 tỷ đồng sau 1 năm vận hành. Trước khi ra mắt Hà Nội, Tập đoàn Trí Nam từng triển khai dịch vụ này tại nhiều tỉnh thành phố, như: TP HCM(500 xe), Vũng Tàu (100 xe), Quy Nhơn, Đà Nẵng (300 xe) và Hải Phòng (500 xe).
Xe đạp được sử dụng cho dự án có 2 loại xe đạp truyền thống và xe điện 2 bánh. Chi phí cho mỗi lượt 30 phút là 5.000 đồng đối với xe đạp cơ và 10.000 đồng đối với xe đạp điện. Người dân thuê xe cả ngày sẽ trả mức giá 60.000 đồng với xe đạp cơ và 120.000 đồng với xe đạp điện. Hệ thống vé có vé theo tháng, quý và năm; thanh toán bằng ứng dụng ngân hàng, ví điện tử.
Khánh Hoài (tổng hợp)