Đồ chơi là một phần không thể thiếu được trong cuộc sống của các em nhỏ, bởi chúng có vai trò thúc đẩy các cơ quan chức năng của bé phát triển và nhanh nhạy hơn. Vì vậy, ngay từ khi sơ sinh, trẻ em cần được va chạm, tiếp xúc và sở hữu những món đồ chơi an toàn, thông minh và phù hợp với lứa tuổi.
|
Ảnh minh họa: Internet. |
Tuy nhiên, những năm trở lại đây đã xảy ra nhiều trường hợp trẻ bị tai nạn do đồ chơi gây ra mặc dù đã có rất nhiều cảnh báo về giữ an toàn cho trẻ. Đặc biệt là với các bé dưới 3 tuổi khi nhận thức còn non nớt và chưa hoàn chỉnh. Trong số các tai nạn do đồ chơi gây ra thì nhiều nhất là việc nuốt phải đồ chơi, đồ chơi vượt quá độ tuổi và khả năng khiến bé bị thương trong khi sử dụng.
Do đó, để đảm bảo an toàn cho sự phát triển của trẻ, khi chọn đồ chơi cho trẻ em, các bậc phụ huynh cần lưu ý những tiêu chuẩn quốc tế sau:
1. Chất liệu làm đồ chơi an toàn
Theo quy định chung về đồ chơi cho trẻ em trong bảng những quy định cần lưu ý cho các bậc phụ huynh khi chọn mua đồ chơi cho trẻ để đảm bảo an toàn và thúc đẩy sự phát triển của trẻ khi chơi mà các quốc gia phát triển đã đưa ra, đồ chơi phải được làm bằng vật liệu an toàn, vật liệu không chứa độc.
|
Đồ chơi phải được làm bằng vật liệu an toàn, vật liệu nghệ thuật không chứa độc. Ảnh: Internet. |
Đồ chơi làm bằng vải nên được dán nhãn chống cháy hoặc không bắt lửa, đồ chơi nhồi bông phải được làm sạch. Đồ chơi phủ sơn không chứa chì. Ví dụ, bút chì màu và sơn nên có ASTM D-4236 trên bao bì nghĩa là đã đạt chuẩn của Hiệp hội Kiểm nghiệm và Vật liệu Mỹ.
Không nên chơi các đồ chơi cũ, thậm chí truyền tay từ bạn bè và gia đình, vì có thể chúng không đáp ứng được tiêu chuẩn an toàn hiện nay và các đồ chơi đó rất dễ trở thành mối nguy hiểm cho trẻ.
2. Tiếng ồn của đồ chơi
Khi chọn đồ chơi cho trẻ, phụ huynh nên chọn đồ chơi không được gây ra tiếng ồn quá lớn ảnh hưởng đến trẻ. Chẳng hạn như tiếng lắc, tiếng rít của một số đồ chơi hay tiếng nhạc, tiếng còi xe...những âm thanh này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tai của bé - có thể dẫn đến tổn thương thính giác.
3. Chọn đồ chơi theo lứa tuổi
Một điểm đặc biệt khác mà phụ huynh phải để tâm chính là quy định mua đồ chơi cho trẻ theo lứa tuổi.
|
Chọn đồ chơi phù hợp với lứa tuổi của trẻ. Ảnh: Internet. |
Cụ thể, đối với trẻ sơ sinh, mầm non và mẫu giáo, phụ huynh nên tránh các viên bi, tiền xu, quả bóng và các đồ chơi có hình tròn có kích thước đường kính nhỏ hơn 4.4cm vì chúng có thể mắc kẹt lại trong cổ họng, gây ngạt thở. Ngoài ra, phụ huynh cần chắc chắn rằng chúng không dễ vỡ hoặc dễ gãy khi bị nhai.
Với những đồ chơi vận hành bằng pin, phụ huynh nên chọn những đồ chơi mà trẻ không thể cậy mở nắp khe gắn pin. Bởi pin và những chất lỏng trong pin có thể gây ra những rủi ro nghiêm trọng, bao gồm cả gây nghẹt thở,chảy máu trong và bỏng hoá chất...
Với đồ chơi dùng để cưỡi, phụ huynh nên chọn loại có dây đai an toàn để đảm bảo an toàn cho bé. Thú nhồi bông cần phải được kiểm tra các bộ phận mắt, mũi, miệng ... xem có khả năng rời ra và bé nuốt phải hay không.
Đối với đồ chơi dành cho trẻ tiểu học khi chọn phụ huynh nên chọn những đồ chơi có đầy đủ thiết bị bảo hộ. Và khi cho trẻ sử dụng xe đạp, xe tay ga, ván trượt và giày trượt, phụ huynh nên cho bé đội mũ bảo hiểm và các vật dụng đảm bảo an toàn khác như bao cổ tay, bàn tay, cổ chân. Bánh xe cần được kiểm tra trước khi cho trẻ chơi và đảm bảo kết nối an toàn để không trở thành mối nguy hiểm cho trẻ khi sử dụng.
Các đồ chơi điện tử phải có nhãn UL. nghĩa là đáp ứng tiêu chuẩn an toàn của tổ chức hợp tác các phòng thí nghiệm.
4. Đồ chơi có xuất xứ rõ ràng
Tại thị trường Việt Nam hiện nay rất đang dạng về đồ chơi cho trẻ từ hàng nhập xịn cho đến hàng nhái có xuất xứ từ Trung Quốc (thường được làm bằng những chất liệu gây dị ứng hoặc sưng phù cho trẻ). Vì vậy, để đảm bảo an toàn cho trẻ phụ huynh nên chọn loại đồ chơi nhập khẩu, đồ chơi có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
Ví dụ, đối với trẻ sơ sinh cho đến 3 tuổi, những nhãn hàng đồ dùng và đồ chơi như NUK, Farlin, Chicco, Pigeon, Canpol, Sassy, Lamaze, Carters... là những nhãn hàng có uy tín. Đặc biệt những sản phẩm dành cho trẻ sơ sinh như bình sữa, gặm nướu... thông thường được ghi chú là BPA free ( không chứa chất BPA ).
Đối với trẻ trên 3 tuổi, phụ huynh có thể chọn những thương hiệu lắp ráp như Lego, Mega Bloks hay các đồ chơi gỗ Veesano, Winwin Toys hay các đồ chơi nhựa an toàn như Viking Toy, Barbie... Các dòng đồ chơi điện tử của VTech, Leapfrog ...
5. Luôn cập nhật thông tin
Mặt khác, phụ huynh cần thường xuyên cập nhật thông tin xem có hãng đồ chơi nào bị thu hồi hàng hóa do nhiễm độc hay những nguy hiểm khác không. Hoặc tìm hiểu xem thông tin về món đồ chơi của trẻ xem có “scandal” nào nổi tiếng không, có gây nguy hiểm gì cho trẻ hay không?
Bảo Ngọc (Tổng hợp)