Những thương vụ đổ bể của Shark Bình

Google News

Dù đã phát triển trên 20 dự án, chỉ một số thương vụ tiêu biểu của Shark Bình như Ngân Lượng, NextPay, Boxme còn hoạt động.

Trước khi tái cấu trúc, Công ty CP Tập đoàn NextTech được biết đến với tên gọi Công ty CP Giải pháp phần mềm Hòa Bình (Peacesoft). Sau khi thành lập vào năm 2001 với số vốn vỏn vẹn 2 triệu đồng, ông Nguyễn Hòa Bình vừa đảm nhiệm vai trò giám đốc, vừa là nhân viên duy nhất của công ty.

Peacesoft phát triển nhanh chóng ngay từ những ngày đầu và gặt hái một số thành quả nhất định, bao gồm việc trở thành một trong 2 doanh nghiệp Việt đầu tiên được quỹ đầu tư IDG Venture rót vốn. Tuy nhiên, dù triển khai nhiều thương vụ khác nhau trong suốt hơn 20 năm qua, số dự án thành công của Peacesoft không đáng kể.

Sở hữu sàn TMĐT Việt đầu tiên

Năm 2005, Peacesoft ra mắt Chợ Điện Tử (chodientu.vn), sàn thương mại điện tử (TMĐT) đầu tiên tại Việt Nam. Đây cũng là dự án có quy mô lớn nhất kể từ thời điểm công ty được thành lập.

Ba năm sau, Peacesoft đưa eBay vào thị trường Việt Nam, đồng thời thiết lập quan hệ đối tác với tập đoàn TMĐT quốc tế lớn nhất lúc bấy giờ.

Theo thỏa thuận, Chợ Điện Tử kết nạp eBay để chuyển đổi thành website đồng thương hiệu. Khu vực TMĐT nội địa của website cho phép giao dịch thương mại giữa người dùng Việt Nam trong khi cổng thương mại xuyên biên giới hỗ trợ xuất nhập khẩu thông qua thị trường TMĐT toàn cầu của eBay.

Sự ra đời của website đồng thương hiệu giúp Việt Nam trở thành thị trường thứ 40 của eBay. Năm 2011, tập đoàn quyết định đầu tư vào Peacesoft để đổi lấy 20% cổ phần.

Nhung thuong vu do be cua Shark Binh

Shark Bình nổi tiếng có công mang eBay về Việt Nam. Ảnh: BI.

Năm 2014, ông Nguyễn Hòa Bình chuyển đổi chiến lược kinh doanh từ E-Commerce (thương mại điện tử) sang D-Commerce (thương mại kỹ thuật số). Đây cũng là thời điểm doanh nghiệp trải qua quá trình tái cấu trúc và đổi tên thành NextTech.

Bước sang giai đoạn mới, NextTech ra mắt hàng loạt dự án đa dạng như giải pháp thanh toán di động mPoS, trang TMĐT xuyên biên giới WeShop, ví điện tử Vimo…

Theo báo cáo TMĐT Việt Nam trong năm 2015, dựa trên tổng doanh thu từ hoạt động cung cấp dịch vụ TMĐT như thu phí gian hàng, phí thành viên, quảng cáo, phí hoa hồng đơn hàng, Chợ Điện Tử là sàn TMĐT lớn thứ 2 cả nước, chỉ sau Lazada. Thậm chí, Shark Bình từng có tuyên bố sẵn sàng cạnh tranh sòng phẳng với Lazada tại thị trường Việt Nam.

Là nền tảng “made in Vietnam” tiên phong trong lĩnh vực TMĐT, Chợ Điện Tử đối mặt với không ít khó khăn, đặc biệt khi quá trình thanh toán trực tuyến còn tồn tại nhiều hạn chế. Đây được xem như lý do buộc công ty phải phát triển cổng thanh toán trực tuyến Ngân Lượng vào năm 2009 để giải quyết tình trạng này.

Tuy nhiên, trước sự cạnh tranh khốc liệt của hàng loạt nền tảng TMĐT khác như Lazada, Shopee, eBay tỏ ra hụt hơi, chia tay Chợ Điện Tử và rút khỏi Việt Nam. Đến năm 2019, bóng dáng của sàn cũng dần biến mất.

Chợ Điện Tử là dự án thành công nhưng cũng là một trong những thất bại lớn nhất của Shark Bình. Trên thực tế, một số dự án nằm trong hệ sinh thái Chợ Điện Tử đến nay vẫn còn hoạt động như Ngân Lượng, Boxme.

Các ứng dụng gọi xe “chết yểu”

NextTech sớm nắm bắt các xu hướng kinh tế số mới nổi tại Việt Nam. Sau TMĐT và thanh toán trực tuyến, doanh nghiệp tiến vào thị trường gọi xe công nghệ với hai nền tảng là FastGo và HeyU.

FastGo được ra mắt vào tháng 6/2018 với vốn điều lệ 2 tỷ đồng ngay thời điểm Uber rời Việt Nam. Ban đầu, hai cổ đông góp vốn chính là ông Nguyễn Hòa Bình và ông Nguyễn Hữu Tuất. Tháng 8/2018, FastGo nâng cơ cấu cổ đông lên 7 thành viên nhưng vốn điều lệ chỉ tăng hơn 400 triệu đồng, riêng Shark Bình đóng góp 1 tỷ đồng và nắm 41,6% tổng vốn.

Theo đăng ký thay đổi vào tháng 3/2020, vốn điều lệ của ứng dụng gọi xe được điều chỉnh lên gần 29 tỷ đồng.

Để cạnh tranh với những thương hiệu khác, trong đó có Grab, FastGo tuyên bố không tăng giá cước xe vào giờ cao điểm. Bên cạnh đó, tài xế đối tác không phải chịu phí chiết khấu, thay vào đó chỉ phải trả khoản phí sử dụng dịch vụ dựa trên doanh thu không quá 30.000 đồng/ngày.

Nhung thuong vu do be cua Shark Binh-Hinh-2

Nhung thuong vu do be cua Shark Binh-Hinh-3

Hai ứng dụng gọi xe FastGo và HeyU. Ảnh: FastGo.

Trong 6 tháng ra mắt, ứng dụng đã có 40.000 tài xế. Cuối năm 2018, FastGo nhảy vào thị trường Myanmar và nhanh chóng có 100.000 khách hàng cùng 4.000 tài xế sau 2 tháng hoạt động.

Theo kế hoạch, FastGo dự định mở rộng dịch vụ ra 8 thành phố lớn trong năm 2018 và toàn quốc vào 2019. Công ty cũng đặt mục tiêu có 5-10 triệu người dùng đến năm 2021.

Song, quy mô của FastGo bắt đầu có dấu hiệu chững lại vào cuối năm 2019. Sau 8 tháng, ứng dụng chỉ có thêm 20.000 tài xế thay vì con số 40.000 tài xế ghi nhận trong 6 tháng đầu.

Dù tham gia bất cứ lĩnh vực nào, NextTech đều né tránh cuộc chiến đốt tiền lấy thị phần. Trong quá khứ, Shark Bình từng khẳng định không đốt tiền cho Chợ Điện Tử để cạnh tranh thị phần TMĐT tại Việt Nam.

Bản thân CEO Nguyễn Hữu Tuất cũng nhấn mạnh FastGo có hướng đi riêng và không đốt tiền như các hãng xe khác. Đây là điều dễ hiểu khi tiềm lực của FastGo không mạnh như những đối thủ cùng ngành như Grab, GoViet (nay là Gojek) hay be.

Từ giai đoạn này, sự hiện diện cũng như thị phần của FastGo suy giảm rõ rệt. Theo dữ liệu nửa đầu năm 2020 của ABI Research, FastGo chỉ chiếm gần 0,7% thị phần nội địa trong khi 3 ứng dụng kể trên chiếm tới 99,3%.

THỊ PHẦN ỨNG DỤNG GỌI XE CÔNG NGHỆ NỬA ĐẦU NĂM 2020
Nguồn: ABI Research
Nhãn Grab Gojek be Khác
Thị phần % 74.6 12.3 12.4 0.7

Ông Nguyễn Thanh Sơn - thành viên nắm 2,703% cổ phần của FastGo - sau này thừa nhận FastGo là thương vụ thất bại. Theo ông Sơn, lĩnh vực gọi xe là cuộc chơi đốt tiền, dành cho các doanh nghiệp mạnh về tài chính chứ không đơn thuần là giải quyết yếu tố công nghệ.

Giữa năm 2021, FastGo chính thức dừng cập nhật, chấm dứt 3 năm ra mắt thị trường. CTCP FastGo Việt Nam nay chuyển sang xây dựng ứng dụng mới trong mảng thuê xe tự lái với tên gọi XeGo.

Một sản phẩm khác được NextTech đầu tư là HeyU (tiền thân là Săn Ship) cũng rơi vào cảnh “sớm nở chóng tàn”. HeyU là ứng dụng giao hàng trong nội thành Hà Nội và TP.HCM theo mô hình kết nối với các chủ cửa hàng và shipper tự do.

Năm 2018, HeyU huy động thành công 500.000 USD từ Shark Bình thông qua vòng hạt giống. Tính riêng năm 2020 tại Hà Nội, HeyU cho biết có hơn 25.000 tài xế trở thành đối tác.

Dù vẫn hoạt động song cho đến nay, người dùng hiếm khi nhìn thấy các shipper khoác trang phục HeyU di chuyển trên đường. Thay vào đó, phân khúc giao hàng nay là sân chơi của những ứng dụng như Ahamove, Grab, Gojek, be.

Dự án blockchain bị tố lừa đảo

Thời gian gần đây, Shark Nguyễn Hòa Bình còn tham gia đầu tư vào một số dự án blockchain như VNDT, AntEx, Enrex. Tuy nhiên, những dự án này không những chưa thành công mà còn vướng lùm xùm làm giá.

Với AntEx, ông Bình cùng 2 lãnh đạo khác của NextTech đứng ra đảm nhiệm vai trò cố vấn trong khi tập đoàn là nhà đầu tư cho WePay (công ty phát triển giải pháp AntEx và VNDT). Dự án này cũng gây xôn xao khi được công ty của Shark Bình rót 2,5 triệu USD.

Nhung thuong vu do be cua Shark Binh-Hinh-4

Thị giá ANTEX bốc hơi 99% giá trị. Ảnh: CoinMarketCap.

Sau khi lên sàn, AntEx bị bán tháo liên tục với khối lượng lớn. Theo CoinMarketCap, giá token của AntEx (ANTEX) đang được giao dịch ở mức 0,00001714 USD/đồng, tức đã giảm 99% so với đỉnh. Vốn hóa của ANTEX thu hẹp về 170.261 USD.

Lý giải nguyên nhân này, đại diện WePay cho biết token giảm có thể do nhà đầu tư vòng sớm chốt lời, lượng token hạn chế và tác động từ thị trường nói chung.

Dẫu vậy, các nhà đầu tư cáo buộc đội nhóm phát triển dự án đã rút thanh khoản để xả lên người chơi. Lịch sử giao dịch cũng cho thấy xuất hiện nhiều đợt chốt lời hàng triệu USD.

Theo Minh Khánh/Zing