Bên cạnh đó, nhiều sản phẩm trong nước cũng tự đánh mất danh tiếng trước áp lực của thị trường...
|
Sabeco, thương hiệu rực rỡ một thời của người Việt nay đã thuộc về ông chủ ngoại. (Ảnh: Internet). |
"Bán mình"...
Tổng Công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) là thương hiệu của người Việt từ năm 1977. Trải qua nhiều biến động, Sabeco vẫn đứng vững và chiếm thị phần lớn về bia, rượu và nước giải khát với những sản phẩm nổi danh như bia 333, bia Sài Gòn xanh…
Tuy nhiên, thương hiệu Việt lớn ấy giờ đã thuộc về nhà đầu tư ngoại. Trước chủ trương thoái vốn Nhà nước khỏi Sabeco của Chính phủ, tháng 12/2017, Công ty TNHH Vietnam Beverage (công ty con của ThaiBev) của tỷ phú người Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi đã mua trọn 53,59% cổ phần Nhà nước bằng số tiền 4,8 tỷ USD.
Sau khi thâu tóm được Sabeco, ThaiBev đã đưa 3 người của họ vào hội đồng quản trị công ty này. Và sắp tới đây, tỷ phú người Thái sẽ sớm được hưởng trái ngọt khi Sabeco tạm ứng cổ tức 15% vào tháng 10/2018 và tạm ứng tiếp 20% vào tháng 12/2018. Như vậy, tổng tỷ lệ cổ tức lên tới 35%! Trong cơ cấu cổ đông của Sabeco hiện nay, Vietnam Beverage sở hữu 343,64 triệu cổ phiếu, tương ứng 53,59%. Như vậy, ThaiBev sẽ nhận khoảng 1.200 tỷ đồng từ Sabeco trong những tháng cuối năm nay.
Ngoài ra, trong 6 tháng năm 2018, Sabeco đạt được doanh thu thuần gần 17.000 tỷ đồng, tăng trường 8,5% so với cùng kỳ năm trước.
Tương tự, Phở 24 được biết là những thương hiệu thuần Việt và trong cuộc chiến thị trường, Highlands Coffee nhanh chóng thuộc về Phở 24.
Tuy nhiên, điều đáng nói, sau cuộc thâu tóm ấy, Highlands Coffee và Phở 24 lại nhanh chóng “bán mình” cho đại gia Jollibee Food Corp của Philippines. Đến nay, dù vẫn hoạt động trên thị trường nhưng cả hai không còn "vang bóng" như khi còn 100% thuần Việt.
|
Vì chạy theo đồng tiền, nhiều cơ sở kinh doanh đang giết chết danh tiếng của nông sản Việt. (Ảnh minh họa). |
... và, mất danh tiếng
Tây Nguyên được biết đến là khu vực trồng cây công nghiệp lớn của cả nước. Cũng vì thế, nhiều nông sản nơi đây đã tạo nên danh tiếng cho riêng mình và có chỗ đứng trong lòng người tiêu dùng.
Thế nhưng, một số sản phẩm nông sản danh tiếng của Tây Nguyên đang bị "giết chết" bởi một số cơ sở kinh doanh gian lận, lừa dối khách hàng. Điển hình, mới đây lực lượng chức năng TP. Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) đã bắt quả tang một vụ mạo danh thương hiệu khoai tây Đà Lạt bằng cách trộn đất đỏ vào khoai tây Trung Quốc để bán ra thị trường.
Quá trình kiểm tra tại cơ sở của bà Nguyễn Thị Kim Hiệp (số 340 Tự Phước, P.11, TP. Đà Lạt), cơ quan chức năng đã phát hiện một lượng lớn khoai tây trong tổng số 4 tấn khoai tây có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc đã được nhuộm đất Đà Lạt, cùng với các tang vật tại hiện trường là máy trộn, đất đỏ để "khoác áo", nhuộm màu cho khoai.
|
Lực lượng chức năng kiểm tra một cơ sở "hô biến" nông sản Trung Quốc thành nông sản Việt Nam. (Ảnh N.Đ.T). |
Theo lời khai của bà Hiệp, sau khi nhuộm đất, khoai tây sẽ được đóng gói và bán ra thị trường với giá 8.500 đồng/kg và mỗi tháng cơ sở của bà tung ra từ 6-12 tấn khoai tây "hồn Trung Hoa da Đà Lạt" về các chợ đầu mối tại TP.HCM để tiêu thụ.
Tương tự, lực lượng chức năng tỉnh Lâm Đồng thời gian qua cũng đã phát hiện và bắt giữ nhiều vụ cà rốt, tỏi... từ Trung Quốc về Đà Lạt gắn mác nông sản nội rồi bán ra thị trường.
Thực trạng nông sản ngoại, gắn "vỏ" nội như trên đã đẩy không ít nông dân lâm cảnh "dở khóc, dở cười" khi nhiều lần họ phải đổ bỏ hàng tấn rau, củ vì bị thu mua với giá quá thấp! Tuy nhiên, điều quan trọng hơn, danh tiếng nông sản ở vùng Tây Nguyên bao năm xây dựng có thể sụp đổ trong lòng người tiêu dùng khi các đơn vị kinh doanh "treo đầu dê, bán thịt chó", bất chấp tất cả để chạy theo lợi nhuận!
Theo Quang Bình/Người tiêu dùng