Những thương hiệu vang bóng một thời nay làm ăn ra sao?

Google News

Nhiều thương hiệu xưa từng được xem là “ông lớn” trong các lĩnh vực kinh doanh nay lại phải vật lộn với những khó khăn về công nghệ và đối mặt cạnh tranh trên thị trường.

Sá xị Chương Dương, kem Thủy Tạ, giầy Thượng Đình, bóng đèn phích nước Rạng Đông hay cao su Sao Vàng… chỉ là một vài trong số nhiều thương hiệu Việt vang bóng một thời vẫn vận hành kinh doanh cho tới ngày nay.
 Sá xị Chương Dương từng thống lĩnh thị trường nước ngọt phía Nam. Ảnh: SCD.
Tuy nhiên, không nhiều doanh nghiệp còn giữ được vị thế của mình trên thị trường trước áp lực cạnh tranh từ các thương hiệu ngoại và công nghệ hiện đại.
Nhiều “ông vua” hết thời lâm vào cảnh lao đao
Mới đây nhất, Công ty cổ phần Nước giải khát Chương Dương (mã chứng khoán SCD), doanh nghiệp từng được mệnh danh là “vua” nước giải khát Sài Gòn đã công bố kết quả kinh doanh quý I với tình hình không mấy khả quan.
 Biến động cổ phiếu SCD 6 tháng gần đây. Nguồn: VnDirect.
Từng thống lĩnh thị trường nước ngọt phía Nam nhưng 3 tháng đầu năm 2018, “vua sá xị” chỉ thu về 74 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 25% so với cùng kỳ. Khoản lợi nhuận gộp gần 22 tỷ đồng, không đủ để bù đắp chi phí bán hàng 17 tỷ đồng và chi phí quản lý doanh nghiệp hơn 8 tỷ đồng. Đây cũng là nguyên nhân trực tiếp khiến công ty lỗ ròng hơn 410 triệu đồng sau quý I, trong khi cùng kỳ năm 2017 vẫn lãi 3,9 tỷ đồng.
Trước đó, Sá xị Chương Dương cũng đã phải báo lỗ ròng trong năm 2017 sau hơn một thập niên kinh doanh. Theo lãnh đạo công ty, ngoài việc doanh thu sụt giảm do kinh doanh bị thu hẹp thì chi phí phải bỏ ra để duy trì kênh bán hàng, đại lý… không giảm nhiều đã khiến kết quả kinh doanh lao dốc.
 
Một thương hiệu vang bóng một thời khác là săm, lốp Sao Vàng của Công ty cổ phần cao su Sao Vàng (mã chứng khoán SRC) cũng đang gặp không ít khó khăn.
Cụ thể, 3 tháng đầu năm Cao su Sao Vàng ghi nhận doanh thu tăng 2,5% đạt 217 tỷ đồng, nhưng, giá vật tư đầu vào tăng mạnh khiến lợi nhuận gộp thu về giảm gần 10%, chỉ đạt 38 tỷ.
Bên cạnh đó, chi phí lãi vay ngân hàng cùng các chi phí khác tăng trừ vào lợi nhuận gộp khiến công ty chỉ thu về 5 tỷ tiền lãi ròng, giảm hơn 60% so với cùng kỳ. Theo lãnh đạo công ty, chi phí tăng cao chủ yếu do tiền thuê đất tăng và công ty tăng cường đầu tư vào công tác thị trường thời gian qua.
Biến động cổ phiếu SRC gần đây. Nguồn: VnDirect.
Trong khi săm, lốp xe đạp, xe máy vẫn là nguồn thu chính thì công ty hiện cũng có khoản đầu tư trong mảng bất động sản trị giá 130 tỷ đồng, tương đương 26% vốn tại Công ty TNHH Sao Vàng - Hoành Sơn. Đây chính là liên doanh do Cao su Sao Vàng cùng 2 đối tác thành lập để phát triển dự án Tổ hợp Thương mại và Nhà ở Sao Vàng - Hoành Sơn tại số 231 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân. Tuy nhiên, dự án này vẫn đang trong giai đoạn lập hồ sơ pháp lý.
 
Cùng hoàn cảnh, Công ty cổ phần Giầy Thượng Đình (mã chứng khoán GTD) hiện cũng đang lầm vào cảnh thua lỗ sau một năm lên sàn chứng khoán.
Theo đó, năm 2017, Giầy Thượng Đình ghi nhận khoản lỗ gần 14 tỷ đồng, tăng đột biến so với năm trước dù doanh thu và lợi nhuận gộp vẫn tăng trưởng. Nguyên nhân chính do khoản chi phí quản lý doanh nghiệp tăng lên hơn 38 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước chỉ ghi nhận hơn 17 tỷ đồng.
Trong khi đó, niêm yết trên sàn chứng khoán được gần 1 năm nhưng cổ phiếu GTD của Giầy Thượng Đình gần như mất thanh khoản. Từ mức giá 44.000 đồng/cổ phiếu ban đầu, hiện nay GTD chỉ còn được giao dịch với giá 10.000 đồng/cổ phiếu, quy mô vốn hóa bị thu hẹp còn chưa tới 100 tỷ đồng.
Tuy nhiên, Giầy Thượng Đình lại đang nắm giữ danh mục bất động sản rất lớn tại thủ đô. Công ty đang nắm giữ nhiều nhà xưởng nằm trên các khu đất vàng tại Hà Nội trong đó có khu đất hơn 36.000 m2 tại quận Thanh Xuân.
 Bên trong nhà máy Giầy Thượng Đình. Ảnh: GTD.Vẫn còn những điểm sáng
Trong thập niên 70-80 của thế kỳ trước, Diêm Thống Nhất từng được coi là niềm tự hào của ngành công nghiệp nhẹ và sản phẩm diêm Thống Nhất chiếm lĩnh gần như 100% thị phần đánh lửa tại Việt Nam. Tuy nhiên, sản phẩm diêm ngày càng ít được sử dụng, khi các công cụ đánh lửa hiện đại xuất hiện.
Dẫu vậy, kết quả kinh doanh của Công ty cổ phần Diêm Thống Nhất (mã chứng khoán DTN) cũng chưa năm nào phải báo lỗ. Năm 2017, doanh nghiệp này đã ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng trở lại sau 4 năm sụt giảm liên tiếp.
Cụ thể, năm 2017, Diêm Thống Nhất ghi nhận 116 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 2% và báo lãi ròng hơn 2 tỷ đồng, tăng 23% so với năm trước đó.
 Diêm Thống Nhất đang dần chuyển hướng kinh doanh từ sản xuất diêm sang bật lửa. Ảnh: QT.
Để thay thế diêm lỗi thời, Diêm Thống Nhất đã chuyển hướng kinh doanh sang sản xuất, phân phối bật lửa. Từ năm 2014, ngay năm đầu tiên ra mắt bật lửa Thống Nhất đã đạt số lương tiêu thụ 1,65 triệu chiếc. Liên tục 2 năm 2015 và 2016 doanh số tăng lần lượt 5,2 triệu chiếc và 8,5 triệu chiếc.
Một thương hiệu khác từ thời bao cấp là những chiếc bóng đèn, phích nước do Công ty cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông (mã chứng khoán RAL) sản xuất vẫn đang sống khỏe giữa áp lực cạnh tranh của thị trường.
Rạng Đông vừa trải qua năm 2017 đầy thành công với việc thu về 3.270 tỷ doanh thu thuần, tăng trưởng 11% so với năm 2016. Khoản lợi nhuận sau thuế đạt trên 214 tỷ đồng, tăng 46% giúp EPS (lợi nhuận ròng trên mỗi cổ phiếu) của công ty đạt 18.611 đồng, năm trong nhóm những doanh nghiệp có EPS cao nhất thị trường chúng khoán.
 
Trong quý I/2018, Rạng Đông tiếp tục ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan khi thu về 909 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 3% và báo lãi ròng 49 tỷ đồng.
Cũng sống khỏe nhờ thương hiệu xưa là Công ty cổ phần Lương thực thực phẩm Colusa - Miliket với thương hiệu mỳ 2 tôm nổi tiếng. Từng độc quyền thị trường mỳ gói vào những năm 70-80 của thế kỷ trước, nhưng sự xuất hiện của các đối thủ nhiều tiền đã khiến thị phần của Miliket ngày càng thu hẹp. Tuy vậy, chưa năm nào công ty phải báo lỗ từ hoạt động kinh doanh, trong nhiều năm liên tiếp “mỳ 2 tôm” vẫn duy trì hoạt động và báo lãi đều đặn hàng chục tỷ đồng.
Nhờ việc tập trung vào thị trường nông thôn, người thu nhập thấp và phân phối sản phẩm cho các quán lẩu, hàng ăn năm 2017 vừa qua, “mỳ 2 tôm” thu về 553 tỷ đồng doanh thu thuần và báo lãi ròng sau thuế gần 23 tỷ đồng, tăng 15% so với năm trước. Đây cũng là kết quả tốt nhất của Miliket trong 4 năm trở lại đây.
Theo Hoàng Thanh/Zing