Đến xã Xuân Lộc (huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa) không khó để bắt gặp hình ảnh các chị, các cô và cả các em nhỏ tay thoăn thoắt, cười nói rôm rả với nghề làm nón lá.
Theo người dân địa phương, nghề làm nón lá ở xã Xuân Lộc đã có từ lâu. Bao đời nay, người dân nơi đây luôn giữ nghề, vừa để kiếm thêm thu nhập trong lúc nông nhàn, vừa bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống mà người xưa để lại.
Bà Phạm Thị Thơm, thôn Yên Trinh, xã Xuân Lộc, huyện Triệu Sơn đã có thâm niên gần 60 năm làm nón lá. Bà cho biết, làm nón lá vất vả nhưng thu nhập không cao. Trước đây cả làng Yên Trinh ai cũng làm nón, hiện món nghề này dần mai một.
Theo bà Thơm, nghề làm nón lá không biết có từ bao giờ, chỉ biết khi lớn lên, những người phụ nữ trong làng đều được bố mẹ dạy cách làm nón lá. Nón lá được làm thủ công, trải qua nhiều công đoạn như làm lá, tạo khung, dán lá, khâu vành.
Đặc thù công việc sử dụng kim khâu, nhiều người thợ làm nón thường xuyên bị mũi kim đâm vào tay.
"Để tạo nên một chiếc nón hoàn chỉnh phải trải qua rất nhiều công đoạn. Nhiều hôm làm nón đến bật cả máu. Do hay sử dụng kim khâu nên chúng tôi mất cả vân tay", bà Thơm chia sẻ.
Nguyên liệu chủ yếu là các loại lá khác nhau như: lá cọ, lá buông, rơm, tre, lá hồ, lá dứa, lá dừa. Người dân xã Xuân Lộc thường sử dụng loại lá dừa nước để làm nón.
Lá dừa nước được những người thợ tỉ mỉ dùng bàn là để làm thẳng, cắt gọn.
Công đoạn làm nan nón (vành nón) cũng rất tỉ mỉ. Thông thường, nan nón được làm bằng tre, nứa. Mỗi chiếc nón sử dụng 14-16 chiếc nan.
Sau khi làm khung, thợ làm nón dùng kim xâu từ 24 đến 35 chiếc lá lại với nhau, xếp đều trên khuôn nón. Sau đó dùng dây cột chặt lá nón rồi khâu lại.
Do các công đoạn được làm thủ công nên trung bình mỗi người làm được 2-3 chiếc nón/ngày, thu nhập khoảng 100.000-120.000 đồng.
Để giữ làng nghề truyền thống, xã Xuân Lộc đã thành lập Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Xuân Lộc. Hiện có 12 thành viên của hợp tác xã tham gia sản xuất, làm nón lá.
Bà Lê Thị Linh, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Xuân Lộc, cho biết, mỗi năm đơn vị xuất bán ra thị trường khoảng 35.000 chiếc nón lá. Thị trường tiêu thụ chủ yếu là các tỉnh phía Bắc và trong tỉnh Thanh Hóa.
"Hợp tác xã đang liên kết với các xã lân cận tập trung sản xuất nón lá. Trong tương lai, hợp tác xã sẽ thành lập các kênh bán hàng trên nền tảng thương mại điện tử để đa dạng hóa thị trường tiêu thụ", bà Linh cho biết thêm.
Theo Thanh Tùng / Dân Trí