Một khảo sát của Anphabe - doanh nghiệp trong lĩnh vực tư vấn giải pháp tuyển dụng và nhân sự tại Việt Nam mới đây cho thấy, tỷ lệ nghỉ việc ở nhân sự cấp cao, lương tốt gia tăng liên tục trong vòng 3 năm qua và có thể lên đến 24% trong năm 2019, mức đáng báo động .
Ở các cấp bậc cao như Trưởng nhóm, Quản lý, Giám đốc… lương càng cao thì dự định nghỉ việc càng nhiều, nhất là thuộc 4 phòng ban quan trọng gồm Tiếp thị, Tiếp thị bán hàng, IT và Tài chính.
“Thực tế này chứng minh, không hẳn cứ lương cao hay chức tốt là nhân viên sẽ nỗ lực và trung thành với công ty”, Anphabe cho hay.
|
Tỷ lệ "chảy máu" nhân sự tại các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng đáng báo động. Ảnh minh hoạ |
Tỷ lệ nghỉ việc ở nhóm trẻ (thế hệ 9X) cao hơn hẳn so với các nhóm tuổi khác. Đáng nói là, ngay cả khi “hài lòng” về môi trường làm việc, thì vẫn có hơn 17% dự tính nghỉ việc trong vòng một năm tới.
Nhân viên thâm niên dưới 2 năm có khả năng nghỉ việc cao nhất, đặc biệt ở cấp Quản lý & Giám đốc – tỉ lệ cao hơn hẳn các mức thâm niên khác. Phân tích trên mức lương, nhóm nhân viên có lương trên 80 triệu, trung bình cứ 2 người sẽ có 1 người manh nha nghỉ việc.
“Nhóm nhân sự thất thoát đáng tiếc (nhân viên dù đang có ý định nghỉ việc nhưng nỗ lực vẫn cao) đang nhảy vọt đáng lo ngại, gấp 3 lần so với năm 2018”, khảo sát chỉ ra.
Cũng theo đơn vị khảo sát, việc nhân viên ra đi sẽ tạo ra những “tổn thất” không ngờ tới cho doanh nghiệp. Cụ thể, đơn vị tuyển dụng ít nhất phải mất 15-20% lương năm của vị trí đó để tìm một người thay thế.
Media player poster frame
Theo nghiên cúu của tổ chức Quản trị nhân sự Quốc tế SHRM, để người mới quen việc như người cũ (chưa cần cống hiến quá xuất sắc) có thể mất gần nửa năm lương.
“Còn nếu người ra đi là người giỏi và có nỗ lực cao, “thất thoát” sẽ cao hơn nhiều: các kiến thức và mối quan hệ bị mất đi, chi phí đào tạo người mới cao,… Tổng các chi phí này lên tới 1-2 năm lương của người ra đi và dẫn tới gánh nặng chi phí khổng lồ cho DN”, Anphabe đưa ra cảnh báo.
Anphabe cũng chỉ ra 4 xu hướng khiến tình trạng “những người ra đi” ngày càng nghiêm trọng như làm việc khác ngành không còn là rào cản lớn, bến đỗ của “những người ra đi” không chỉ bó hẹp trong các công ty cùng ngành, mà còn có thêm nhiều lựa chọn ở các ngành mới, đang phát triển nhanh.
Top 5 ngành được người đang đi làm đánh giá là hấp dẫn nhất (ngoài ngành/đơn vị họ đang làm) bao gồm: ẩm thực & nghỉ dưỡng, ngân hàng, bất động sản/kiến trúc/thiết kế, Bán lẻ/bán sỉ/thương mại, dịch vụ tài chính. Tính trong năm 2018 đã thu hút rất nhanh nhân sự ngoài ngành.
Ngoài ra, số lượng doanh nghiệp mới đăng ký tăng lên nhanh chóng (chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2019 đã có hơn 80.000 doanh nghiệp) dẫn tới tình trạng họ sẽ phải đi “săn” nhân tài từ những công ty hiện tại.
“32% người đi làm tại các doanh nghiệp lớn chia sẻ mong muốn khởi nghiệp trong tương lai. Vì thế, ngày càng có nhiều người nghỉ việc để đi làm cho những công ty star-up hoặc tự khởi nghiệp riêng”, Aphabe cho biết.
Theo Phụ Nữ TP.HCM