Ở các vùng quê, lá chuối, lá tre, lá sắn là những loại lá ít có giá trị, nhiều nơi vứt đầy vườn nhưng chính những loại lá này lại có thể mang về hàng triệu đô cho Việt Nam khi xuất khẩu sang nước ngoài.
Lá tre
Đối với nhiều người, cây tre là loại cây khá thân thuộc, thân của nó để làm nhà, đan lát hoặc lấy măng làm thực phẩm nhưng những chiếc lá tre to bản lại được xuất khẩu sang nước ngoài để làm bánh với giá từ 250-350 nghìn đồng/kg.
Bán lá tre với giá 330.000 đồng/kg, chị Trần Thị Trang, trú tại huyện Na Hang (Tuyên Quang) cho biết, đây là lá của một số giống tre lá to như bương, diễn, bát độ…
Lá tre có giá lên tới 350 nghìn đồng/kg.
Trước đây, loại tre này chủ yếu mọc tự nhiên trên rừng hoặc được người dân trồng trong vườn nhà để lấy măng, lá của nó rụng đầy rừng hoặc để làm củi đun. Tuy nhiên, những năm gần đây, kinh tế phát triển, nhiều người đã thu mua lá tre để bán cho những người có nhu cầu.
Lá tre xuất khẩu phải là loại lá to, là giống tre bát độ hoặc bương, chiều ngang khoảng 8,5cm trở lên, chiều dài từ 40cm trở lên và phải có màu xanh tươi, không được rách.
Sau khi mua về, lá tre được rửa sạch, nẹp thành nẹp dài cho đỡ cong, vênh rồi hong nắng. Khi lá đã se bề mặt được bỏ ra, nẹp lại một lần nữa rồi cho vào lò sấy, sau đó phân loại, ép phẳng và mang bán.
Lá chuối
Loại lá tiếp theo là lá chuối. Cây chuối được trồng phổ biến ở nước ta để lấy quả ăn hoặc bán. Thân chuối hoặc lá chuối thông thường bị bỏ đi hoặc được tận dụng làm thức ăn cho vật nuôi trong nhà. Lá chuối nếu bán cho các cửa hàng làm bánh chưng, bánh tét, bánh giò hoặc gói xôi cũng chỉ có giá từ 15-20 nghìn đồng/kg.
Lá chuối có giá hàng trăm nghìn đồng/kg. (Ảnh chụp màn hình).
Thế nhưng, trên các sàn thương mại điện tử nước ngoài như Amazon, Alibaba, Etsy, lá chuối tươi được bán với giá từ 450-550 nghìn đồng/kg từ 1-2 lá.
Được biết, lá chuối Việt Nam dùng để xuất khẩu phải là lá chuối tây, có bề ngang rộng 30cm trở lên, lá liền mảnh, không bị rách. Sau khi xử lý, khử khuẩn, lá chuối được đóng gói, xuất khẩu.
Lá sắn
Cây sắn là loại cây được trồng để lấy củ sử dụng làm lương thực, thức ăn chăn nuôi hoặc chế biến làm tinh bột sắn; Thân cây sắn được sử dụng để làm giống, làm nấm, làm củi; Lá sắn được một số nơi làm thức ăn cho người, cho vật nuôi.
Lá sắn nhà trồng có giá gần 700 nghìn đồng/pound. (Ảnh chụp màn hình).
Thông thường, củ sắn là bộ phận có giá trị nhất của cây sắn, được bán với giá từ 5-10 nghìn đồng/kg củ tươi. Lá sắn và thân sắn đa phần được người dân vứt bỏ. Thế nhưng, ít ai ngờ rằng, trên các trang thương mại điện tử, lá sắn được rao bán với giá lên đến hàng trăm nghìn đồng/kg.
Thậm chí, trên một sàn thương mại điện tử, lá sắn tươi được rao bán với giá 688 nghìn đồng/pound, tương đương với 453,6 gram. Đã có hơn 6.000 đơn hàng được bán ra với hơn 770 lượt phản hồi tích cực.
Theo Bản tin thị trường nông, lâm, thuỷ sản của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) tính toán từ số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu các loại lá của Việt Nam trong tháng 8/2022 đạt 1,122 triệu USD.
Tính chung 8 tháng đầu năm 2022, Việt Nam thu được 6,059 triệu USD nhờ xuất khẩu lá chuối, lá sắn, lá diễn, lá khoai lang… tăng 4,4% so với cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu lá sắn thu về 1,6 triệu USD; lá khoai lang thu về 0,52 triệu USD; lá tre đạt 1,1 triệu USD; lá chuối là 0,84 triệu USD; lá diễn là 0,35 triệu USD; các loại lá khác đạt 1,66 triệu USD.
Theo Hồng Cảnh/Người đưa tin