Những đối tác bán bản quyền World Cup cho Việt Nam qua các năm

Google News

Ngoài Infront Sport & Media, Việt Nam từng làm việc với nhiều doanh nghiệp khác như Dentsu Alpha và MP & Silva để đưa bản quyền phát sóng World Cup về nước.

Theo một nghiên cứu độc lập của KirchSport và Sport Marketing Surveys, lượng người theo dõi World Cup ngày càng tăng. Những người hâm mộ môn thể thao vua sẵn sàng thay đổi thói quen và giờ giấc hàng ngày để dõi theo trái bóng. Do đó, đối với Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA), bản quyền World Cup là một con gà đẻ trứng vàng.
Thực tế, tổ chức này không trực tiếp bán bản quyền phát sóng World Cup cho các nhà đài trên thế giới. FIFA thông qua một số công ty hoặc tổ chức, như Liên hiệp Phát sóng châu Âu, Liên hiệp Phát sóng châu Phi, International Media Content, Inter-Sports Marketing, M-League, Dentsu, RS International Broadcasting & Sports Management và MP & Silva...
Tùy từng năm, những công ty và tổ chức sẽ giành trách nhiệm quảng bá và bán bản quyền phát sóng sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh của FIFA, theo hình thức thầu khoán theo vùng.
Thị trường Việt Nam cũng không ngoại lệ.
 Đối với FIFA, World Cup là con gà đẻ trứng vàng. Ảnh: FIFA.Infront Sports & Media.
Mới đây, VTV vừa chốt giá mua bản quyền phát sóng World Cup 2018 với công ty Infront Sports & Media sau 2 năm đàm phán. Thương vụ này trị giá khoảng 14-15 triệu USD.
Con số này cao gấp đôi mức giá cách đây 4 năm, và cao gấp gần 7 lần mức giá cách đây 8 năm.
Giải thích lý do chậm trễ, VTV cho biết nhà đài thương lượng bản quyền với khoảng 10 triệu USD. Tuy nhiên, đối tác vẫn giữ nguyên quan điểm về giá cả.
Thực tế, đây không phải lần đầu tiên Việt Nam làm việc với doanh nghiệp này liên quan đến giải bóng đá lớn nhất hành tinh. Cụ thể, FIFA từng giao trách nhiệm độc quyền về tiếp thị và bán quyền phát sóng World Cup diễn ra tại Đức vào năm 2006 cho Infront.
Vào thời điểm năm 2006, trước khi bán lại quyền phát sóng cho các nhà đài trong nước, FPT đã làm việc với doanh nghiệp này với mức giá 2 triệu USD, để mang về quyền phát sóng 64 trận đấu, lễ khai mạc, bế mạc, bốc thăm, trao giải và 16 chương trình trước World Cup kể từ tháng 7/2006 đến tháng 2/2007.
Bản hợp đồng này có nhiều lợi ích hơn mùa giải 4 năm trước đó, và chỉ đắt hơn khoảng 1 triệu USD.
Ngoài World Cup 2018, trên trang chủ, Infront tuyên bố họ vẫn là đại diện bản quyền truyền thông cho FIFA tại 26 quốc gia và vùng lãnh thổ châu Á (gồm Việt Nam), trong sự kiện World Cup 2022. Điều này có nghĩa, VTV hoặc một đơn vị nào đó sẽ tiếp tục gặp lại doanh nghiệp này trên bàn đàm phán bản quyền World Cup trong tương lai.
 
Những doanh nghiệp khác
Ngoài Infront, Việt Nam từng làm việc với nhiều công ty khác về vụ bản quyền World Cup. Điển hình là công ty Dentsu Alpha của Nhật, đại lý quảng cáo đứng thứ 5 thế giới về doanh thu.
Công ty này là đơn vị phân phối bản quyền World Cup 2010 tại thị trường Việt Nam. Lúc ấy, FPT rút lui sau một mùa sở hữu bản quyền phát sóng. VTV tham gia đàm phán và mang về bản quyền với giá 2,7 triệu USD, tăng khoảng 700 triệu so với 4 năm trước đó.
Tuy nhiên, đến World Cup 2014, Dentsu lại để tuột thị trường 90 triệu dân vào tay Công ty MP & Silva, khi ra giá thấp hơn đối thủ 2 triệu USD. Ngay lập tức, tập đoàn truyền thông đến từ Italy quyết định nâng mức thách giá các nhà đài ở Việt Nam lên mức 10 triệu USD.
Song, vì sẵn mối quan hệ từ trước (MP & Silva là đối tác chính của K+ trong nhiều năm) nên VTV đã thành công mặc cả xuống mức giá 7 triệu USD. Thương vụ được chốt sớm một tháng trước ngày trái bóng bắt đầu lăn.
Mức giá này cao gấp đôi so với cách đấy 4 năm nhưng đây vẫn bị coi là thất bại lớn trong đàm phán của MP & Silva. Do đó, FIFA quyết định không hợp tác với công ty này tại thị trường Việt Nam trong World Cup 2018.
Theo Kim Ngân/Zing