Dẫn dắt kinh tế Việt Nam qua thời kỳ khủng hoảng
Ông Phan Văn Khải được bầu làm Thủ tướng vào tháng 9/1997, giữa lúc xảy ra khủng hoảng tài chính châu Á bắt đầu từ tháng 7/1997 ở Thái Lan rồi nhanh chóng lan rộng ra khắp châu Á và thế giới. Ông được xem là người dẫn dắt kinh tế Việt Nam qua khủng hoảng, đạt tăng trưởng GDP trung bình 7% trong gần 9 năm lãnh đạo.
Do tác động của cuộc khủng hoảng, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đang ở mức cao trong thời kỳ 1995-1997, thì đến năm 1998, chỉ tăng 5,76%, năm 1999 chỉ tăng 4,77%. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký, nếu năm 1995 đạt trên 6,9 tỷ USD, năm 1996 đạt gần 10,2 tỷ USD, thì năm 1997 còn gần 5,6 tỷ USD. Năm 1996 lạm phát ở mức 4,5%, năm 1997 ở mức 3,6%, thì năm 1998 lên mức 9,2%.
|
Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải được xem là người dẫn dắt kinh tế Việt Nam qua khủng hoảng kinh tế. Ảnh: Baogiaothong. |
Đến năm 2000, tốc độ trưởng trưởng GDP của Việt Nam tăng trở lại con số 6,8% và giữ nguyên đà tăng tốc đó đến năm 2006-2007, lạm phát trong suốt giai đoạn đó luôn ổn định và ở dưới mức 10%/năm. GDP bình quân đầu người đạt mức 396 USD trong năm 2000. Đây được coi là một kết quả thực sự ấn tượng trong nhiệm kỳ của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải.
Mời độc giả xem video: Nguyên Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải từ trần. Nguồn: TTXVN.
Thông qua Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư
Trong năm 2000, thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 7, công cuộc cải cách hành chính trong bộ máy Nhà nước đã triển khai tích cực hơn trước. Kết quả rõ nhất là đã tiến hành những cải cách về thể chế kinh tế. Đáng chú ý, dưới thời nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư, cùng có hiệu lực từ 1/7/2006.
Sự kiện này đánh dấu chặng đường 20 năm thực hiện đường lối đổi mới. Từ đây, Việt Nam có một khung pháp luật về đầu tư, doanh nghiệp áp dụng thống nhất cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế.
Kinh tế tư nhân phát triển mạnh 2000-2005
Từ năm 2000 đến năm 2005 là thời điểm kinh tế tư nhân trong nước phát triển mạnh mẽ, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Đây cũng là thời điểm Việt Nam chuẩn bị gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) với những cam kết mạnh mẽ về mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ và tự do hóa hoạt động đầu tư.
Cũng dưới thời ông Phan Văn Khải, nhiều dự án công trình lớn được khởi công xây dựng như cầu Cần Thơ (năm 2004), Cầu Vĩnh Tuy (năm 2005, vốn đầu tư 3.500 tỷ đồng),...
Gặp gỡ, đánh dấu mốc mới trong quan hệ kinh tế với Mỹ
Ngày 21/6/2005, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đã có cuộc gặp lịch sử tại Nhà Trắng với Tổng thống nước chủ nhà George Bush, đánh dấu một thập kỷ hai nước bình thường hoá quan hệ.
|
Thủ tướng Phan Văn Khải gặp gỡ Tổng thống George W. Bush tại Nhà Trắng trong chuyến thăm lịch sử đến Mỹ năm 2005. Ảnh: Getty. |
Chuyến thăm Mỹ này của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đánh dấu một mốc mới trong quan hệ giữa hai quốc gia, nhất là trên lĩnh vực kinh tế, nhiều hợp đồng lớn đã được ký kết. Hiệp định thương mại Việt Nam - Mỹ được ký kết đưa Mỹ lên các nước hàng đầu về kim ngạch buôn bán hai chiều với Việt Nam (tăng lên 20 lần so với năm 1995).
Cũng trong chuyến thăm Mỹ năm 2005, Thủ tướng Phan Văn Khải gặp gỡ tỷ phú Bill Gates. Chính phủ Việt Nam và Microsoft đã ký hai bản ghi nhớ thoả thuận về việc đào tạo và phát triển các công ty công nghệ thông tin Việt Nam.
Ngay sau chuyến thăm chính thức Mỹ, Thủ tướng Phan Văn Khải thăm chính thức Canada. Những cam kết, những hiệp định và thỏa thuận hợp tác cấp cao mới, hợp tác giữa các địa phương và giữa các doanh nghiệp hai nước đã được ký kết nhân chuyến thăm này.
Hai chuyến thăm lịch sử này của Thủ tướng Phan Văn Khải giúp tăng cường quan hệ hợp tác về kinh tế thương mại, đầu tư, thu hút vốn viện trợ đầu tư phát triển vào Việt Nam.
Đàm phán gia nhập WTO
Năm 2006, sự kiện đàm phán gia nhập WTO thành công. Thêm nữa, chỉ số kinh tế vĩ mô của Việt Nam vượt trên sự mong đợi. Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam năm 2006 đạt con số kỷ lục 10,2 tỉ USD, mức thu hút vốn FDI cao nhất kể từ khi có Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam năm 1997 đến năm 2006.
Cam kết tài trợ vốn viện trợ phát triển chính thức (ODA) đạt mức 4,45 tỷ USD, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam đạt 22,1%.
WTO được coi là thành công mang đậm dấu ấn của Nguyên Thủ tướng Phan Van Khải, góp phần nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.
Hoàng Minh (tổng hợp)