Niềm vui thăm thú, đi thưởng ngoạn vui chơi đây đó bên ngoài biên giới của người Việt cũng đang tăng vọt, dựa theo số liệu thống kê trong 6 tháng đầu năm 2022 của các hãng hàng không.
Thế nhưng không phải chuyến đi du lịch nước ngoài nào cũng trọn vẹn, trên nhiều diễn đàn mạng xã hội Facebook đang xuất hiện vô số chia sẻ về những chuyện không vui liên quan đến việc lừa đảo khách du lịch Việt ở nước ngoài nhận được sự quan tâm lớn.
Từ câu chuyện chiếc điện thoại IPhone
Đầu tiên cần phải nói lại với nhau rằng, ở bất kể quốc gia nào phát triển ngành du lịch thì đa số người bản địa đều hết sức thân thiện, tốt bụng sẵn sàng giúp đỡ những vị khách ghé thăm đất nước mình trong ngành công nghiệp xanh. Thế nhưng cuộc sống không phải lúc nào cũng bình yên trọn vẹn, ứng xử giữa con người với con người luôn là vấn đề tồn tại.
Cách đây vài năm, trên nhiều tờ báo xuất hiện hình ảnh do người dân Singapore ghi lại cảnh một vị du khách được cho là người Việt Nam đã phải quỳ gối, khóc lóc tại một cửa hàng đồ điện tử tại Singapore, để xin chủ cửa hàng hoàn lại tiền mua chiếc iPhone mà anh ta đã thanh toán trước đó vài phút.
Theo thông tin từ tờ nhật báo Straits Times, anh này là một công nhân tại Việt Nam, với mức lương chỉ hơn 4 triệu/tháng. Anh và bạn gái đã đi du lịch tại Singapore, và anh quyết định mua một chiếc iPhone tặng bạn gái tại cửa hàng Mobile Air, khu Sim Lim Square. Khu vực này nổi tiếng là chợ bán lẻ đồ điện tử, công nghệ “thượng vàng hạ cám” tại Singapore, thu hút rất lớn khách du lịch tới đây mua sắm bởi có thể trả giá, mặc cả thay vì phải thanh toán đúng niêm yết như trong hầu hết các siêu thị điện tử khác tại đất nước này.
Không ít cửa hàng tại đây hoạt động theo mô hình giống như ngoài chợ, sẽ có vài nhân viên kê ghế ngồi trước cửa mời chào. Bất kể vị khách nào hỏi giá về một mặt hàng nào đó thường được chào đón thân thiện, báo giá rất dễ chịu nếu so sánh với mặt bằng chung toàn cầu. Đó là màn mở đầu.
Để tránh rủi ro, du khách cần tuân thủ những điều cần biết từ hướng dẫn viên.
Cửa hàng nêu trên đã báo giá chiếc iPhone đời mới với mức giá là 950 SGD, tức khoảng 16 triệu đồng. Vị khách người Việt đã đồng ý mua và trả bằng tiền mặt. Sau đó, nhân viên cửa hàng tiếp tục hỏi liệu anh có muốn mua thêm gói bảo hành hay không. Do có một số bất đồng ngôn ngữ, vị khách tưởng rằng gói bảo hành này được tặng kèm điện thoại và đồng ý. Hóa đơn, hợp đồng được in ra sau đó và anh đã ký. Đến lúc gần rời khỏi cửa hàng, các nhân viên của cửa hàng yêu cầu vị khách trả 1.500 SGD (25,5 triệu đồng), nếu không sẽ không được nhận điện thoại.
Đến lúc này vị khách vô cùng ngạc nhiên và yêu cầu trả lại điện thoại. Tuy nhiên các nhân viên của cửa hàng trên không đồng ý, cho biết anh sẽ bắt buộc phải mua chiếc điện thoại này với mức giá cộng gộp như đã thỏa thuận bằng giấy tờ. Do không biết phải xử lý thế nào, vị khách người Việt đã quỳ xuống, khóc lóc van nài nhân viên nhận lại máy. Tuy nhiên những nhân viên của cửa hàng lại cười nhạo anh, còn người qua đường không ai có ý định giúp đỡ.
Sau đó, cửa hàng Mobile Air đồng ý nhận lại chiếc iPhone 6 và trả cho cặp đôi 600 SGD. Tuy nhiên 2 vị khách du lịch không đồng ý, muốn đòi nốt khoản 350 SGD (khoảng gần 6 triệu) còn lại, nếu không sẽ báo cảnh sát. Các nhân viên cho biết nếu làm vậy, họ sẽ không có cơ hội nhận lại khoản tiền 600 SGD mà phía cửa hàng đề nghị.
Cuối cùng thì cặp đôi cũng gọi cảnh sát tới. Lúc này các nhân viên cửa hàng đưa ra những hợp đồng, hóa đơn đã có chữ ký của thanh niên người Việt, và đề nghị chỉ hoàn lại cho cặp đôi 70 SGD (hơn 1 triệu). Với sự can thiệp của Hội Bảo vệ người tiêu dùng, đề nghị này được nâng lên 400 SGD. Vị du khách cuối cùng cũng nhận lại số tiền này, vì anh cần phải về lại Việt Nam, và anh cũng không chắc hiệp hội kia có thể giúp anh lấy được số tiền còn lại.
Bên cạnh những hấp dẫn của du lịch ngoại, còn là những cạm bẫy dành cho du khách.
Hành động của cửa hàng Mobile Air tuy đúng về lý, nhưng lại nhận được sự không đồng tình từ phía cư dân mạng nước sở tại. Phần lớn người bình luận trên mạng cho rằng thái độ của cửa hàng là bắt chẹt người mua, thậm chí yêu cầu đóng cửa hàng này, bởi họ cho rằng cách mua bán này sẽ làm ảnh hưởng tới danh tiếng của đất nước Singapore.
Không ít cửa hàng điện tử tại Simlim Square hay trên con phố trung tâm Orchard Road thường sử dụng chiêu thức này để làm khó khách du lịch vãng lai. Có một điều chắc chắn rằng những mặt hàng đồ công nghệ ví dụ như thiết bị nổi tiếng thế giới là iPhone chẳng hạn, mặt hàng này đều có mức giá toàn cầu rất sát nhau, chênh lệch không đáng kể bởi tỷ giá, thuế từng quốc gia. Và miếng mồi đầu tiên để người ta sập bẫy chính là việc báo giá ban đầu cho khách rất rẻ, thanh toán ngay trước khi đi vào bước tiếp theo là khoản chi phí phát sinh để nhận được hàng.
Đến không ít những cạm bẫy chực sẵn
Anh Hoàng Tuấn Long sống ở Hà Nội, là một hướng dẫn viên du lịch khá nổi tiếng trong cộng đồng đam mê dịch chuyển cho biết thêm, anh luôn dặn dò rất kỹ cho những đoàn khách của mình các chiêu trò lừa đảo mà khách du lịch có thể gặp phải để đề phòng trong quá trình đi thăm quan nước ngoài. Thế nhưng anh chỉ có thể can thiệp, giúp đỡ khi khách đi theo đoàn, một số khác tự ý tách để đi chơi riêng và gặp rủi ro là điều khó tránh khỏi. Ngay sau khi đại dịch thoái lui, vô số chiêu trò lừa bịp mới trên đường phố đã xuất hiện tại một số quốc gia châu Âu.
Du lịch toàn cầu sau hơn 2 năm tạm dừng bởi ảnh hưởng của dịch bệnh đã bắt đầu chuyển động trở lại.
Có lần, 2 khách du lịch Việt trong đoàn của anh Long khi đang tham quan tại một địa điểm nổi tiếng tại London thì xuất hiện 3 “cảnh sát ngầm” mặc thường phục yêu cầu kiểm tra hành chính. Theo tường thuật của các nạn nhân thì những vị “cảnh sát” nói rằng họ nghi ngờ 2 người tàng trữ ma túy, tiền giả và kéo họ ra một góc khuất và đề nghị kiểm tra túi xách. Bằng tất cả sự hồn nhiên vô tội, nạn nhân tươi cười đồng ý. Việc kiểm tra diễn ra nhanh chóng, thế nhưng sau đó vài phút, bởi nghi ngờ nên 2 khách đã kiểm tra lại tài sản thì phát hiện bị rút lõi một khoản tiền mặt lớn. Chiêu trò này không mới, đã được cảnh báo nhiều trên mạng Internet thế nhưng không phải ai cũng biết để cảnh giác, đề phòng.
Hướng dẫn viên Hoàng Tuấn Long cũng cho biết thêm, có cả những tình huống lừa đảo “mềm mại” hơn đối với những vị khách ưa khám phá văn hóa bản địa. Ví dụ có những khoảng thời gian buổi tối, khách trong đoàn đi chơi quán bar. Trong quán bar sẽ có một cô Tây dễ thương ra bàn làm quen, hỏi thăm, cười giả lả với khách. Một lúc sau dường như cô ta có biểu hiện say, đi vào toilet rồi quay lại bàn khoe chiến tích là vừa nhặt được chiếc đồng hồ Rolex trong quán. Bằng cách tỏ vẻ không quan tâm cũng như không có kiến thức về chiếc đồng hồ, cô ta thuyết phục khách du lịch do đồ nhặt được là đồng hồ nam nên có thể bán rẻ lại ở mức giá quy đổi khoảng hơn 10 triệu đồng, tiền mặt. Đa số tâm lý khách du lịch đều có niềm tin vào sự thân thiện, thật thà người bản địa cũng như giá trị của thương hiệu của đồ vật nơi xứ ngoại nêu trên nên vui vẻ đồng ý. Sự thật rằng đó chỉ là đồng hồ nhái có giá ngoài chợ đen xấp xỉ vài trăm ngàn đồng.
Hoặc khách đang rảo bước trên phố trung tâm, sẽ có một chiếc ôtô tấp vào, người trong xe vẫy khách du lịch gạ bán máy tính xách tay cao cấp giá rẻ. Không ít người tò mò, hiểu biết về máy móc, tham rẻ đòi xem máy, kiểm tra cấu hình cẩn thận. Máy xịn, hoàn hảo không có gì để chê. Họ bắt đầu trả giá với nhau, tất nhiên là tiền mặt ở mức giá chỉ 20-30% giá trị. Sau vài giây đắn đo, người bán ngồi trên ôtô đồng ý nhận tiền. Họ tươi cười đề nghị giúp đỡ rằng sẽ cất giúp chiếc máy vào túi đựng cho cẩn thận. Do đối tượng lừa đảo ngồi trong xe, nên khi đưa lại túi laptop là thao tác đổi túi khác giống y hệt để dưới chân, bên trong đựng vật vô dụng to nặng tương đương.
Chủ cửa hàng Mobile Air ở tầng 1 Sim Lim Square (Singapore) nơi từng bị khiếu nại 14 lần trong vòng 3 tháng vì những hành vi bắt chẹt khách hàng.
Mới đây khi câu chuyện về 2 nghệ sĩ người Việt vướng mắc pháp luật tại Tây Ban Nha khi đi du lịch. Một thành viên trong diễn đàn du lịch châu Âu chia sẻ rằng chiêu trò lừa đảo, cướp giật đối với khách ham của lạ thi thoảng vẫn xảy ra với nhiều kịch bản khác nhau nhưng kết quả giống nhau. Ví dụ như tại những khu vực mua bán đồ xa xỉ sẽ có vài tay ma cô ăn mặc lịch sự tiếp cận khách du lịch nam giới. Đưa danh thiếp, nhấm nháy với khách nếu cần “dịch vụ đặc biệt” xin đừng ngần ngại, sẽ được phục vụ đầy đủ, thậm chí còn giơ điện thoại cho xem hình ảnh. Khách có thể chọn dịch vụ xe hơi hạng sang đón tận khách sạn. Khi ấy sẽ có 2 kịch bản xảy ra, một là khi đón khách chúng chở ra khu vực vắng người dùng vũ lực đe dọa cướp tài sản. Hai là đưa gái lên phòng của khách như bình thường, “xong việc” đám ma cô sẽ đòi số tiền lớn bằng việc vu vạ khách có hành vi hiếp dâm người quen của họ.
Cuộc sống luôn dịch chuyển và ứng xử giữa con người với con người cũng liên tục có những thay đổi, tử tế lẫn ma mãnh. Đi du lịch đây đó là thói quen tốt, để có cơ hội thưởng ngoạn cảnh đẹp, tiếp cận những nền văn hóa khác nhau. Và để tránh gặp rủi ro không đáng có, trước hết cần chấp hành tốt những lời dặn dò của hướng dẫn viên, cất kỹ lòng tham cũng như những ham muốn tầm thường khác để chuyến đi trọn vẹn, tránh sa vòng lao lý nơi đất khách quê người.