Nhìn lại vụ cổ phần hóa 12 năm đầy tai tiếng tại HACINCO

Google News

(Kiến Thức) - Gần 12 năm từ khi đấu giá cổ phần nhưng đến nay, việc cổ phần hoá tại Công ty đầu tư xây dựng số 2 Hà Nội (HACINCO) vẫn bị bỏ ngỏ vì nhiều lý do...

Liên quan đến vụ cổ phần hoá tai tiếng tại HACINCO, theo thông tin đăng tải trên Vneconomy, ngày 29/10/2004, UBND Tp.Hà Nội có Quyết định số 7252 về việc cho phép HACINCO thuộc Tổng công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội tiến hành cổ phần hóa và Quyết định số 6680 ngày 29/9/2005 về việc phê duyệt giá trị doanh nghiệp và phương án cổ phần hóa Hacinco.
Nội phê duyệt giá trị doanh nghiệp và phương án cổ phần hóa của HACINCO: Vốn điều lệ dự kiến là 50 tỉ đồng; cổ phần Nhà nước là 9,11%, cổ phiếu ưu đãi cho người lao động 11,18%, cổ phiếu bán đấu giá 79,71%.
Tháng 10/2005, Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Hà Nội đã bán thành công 3,7 triệu cổ phiếu, không bán hết 282 nghìn cổ phiếu, dẫn tới tháng 11/2005, UBND TP. Hà Nội ra quyết định điều chỉnh vốn điều lệ Hacinco xuống còn 47,1 tỉ đồng.
Ngày 1-2/12/2005, HACINCO đã tiến hành đại hội cổ đông lần đầu để thông qua điều lệ, phương án sản xuất kinh doanh sau cổ phần hoá và bầu hội đồng quản trị, ban kiểm soát công ty cổ phần. Tuy nhiên, quá trình cổ phần hoá HACINCO đã phải dừng lại vì vướng nhiều sai phạm như chuyển nợ thành vốn góp sai quy định, tính trùng số năm công tác của người lao động...
Nhin lai vu co phan hoa 12 nam day tai tieng tai HACINCO
 Làng sinh viên Hacinco - một dự án của Hacinco. Ảnh: Vneconomy.
Cụ thể, theo thông tin đăng tải trên báo Lao Động, sau phiên họp HĐQT “bất thành” vào tháng 12/2005, nhóm nhà đầu tư do bà Nguyễn Thị Chi làm đại diện (gồm 7 nhà đầu tư nắm giữ 34% vốn điều lệ) bắt đầu khiếu kiện các sai phạm trong cổ phần hóa HACINCO với 2 nội dung: Chuyển nợ thành vốn góp, tính trùng năm công tác của người lao động và yêu cầu gạt bỏ các nội dung trên để điều chỉnh giảm vốn điều lệ với mục đích nâng tỉ lệ nắm giữ HACINCO từ 34% lên trên 70%.
Trước những kiến nghị của nhóm cổ đông kể trên, hàng loạt cơ quan quản lý từ Thanh tra Thành phố, Thanh tra Chính phủ đã vào cuộc. Qua nhiều năm, nhiều cấp xử lý, ngày 1/9/2009, Thanh tra Chính phủ đã ra kết luận số 2125/KL-TTCP nêu rõ hướng xử lý: Giữ nguyên vốn điều lệ theo Quyết định số 7867/QĐ-UB là: 47,1 tỉ đồng; chuyển 397 triệu đồng từ cơ cấu vốn cổ đông mua ưu đãi sang vốn mua đấu giá (số lượng cổ phần ưu đãi đã bán cho cán bộ công nhân viên khi cổ phần hóa Khách sạn HACINCO năm 1998); công nhận kết quả Đại hội đồng cổ đông lần đầu ngày 2/12/2005 của HACINCO.
Sau đó, ngày 22/9/2009, Văn phòng Chính phủ có văn bản số 6561/VPCP-KNTN thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng: “Đồng ý nội dung kiến nghị nêu trong Kết luận thanh tra số 2125/KL-TTCP và giao Chủ tịch UBND TP. Hà Nội chỉ đạo các cơ quan, đơn vị và cá nhân có liên quan thực hiện các kiến nghị của Thanh tra Chính phủ”. Tuy nhiên khiếu kiện tiếp tục kéo dài, nhiều ý kiến trái chiều từ các sở, ban, ngành Hà Nội dẫn đến đình trệ trong việc giải quyết cổ phần hóa HACINCO.
Cuối năm 2016, Thường trực Thành ủy Hà Nội ra Thông báo số 514-TB/TU thống nhất với phương án xử lý theo Kết luận số 2125/KL-TTCP ngày 1/9/2009 của Thanh tra Chính phủ. Đến tháng 1/2017, UBND TP. Hà Nội có văn bản 440/UBND-KT chỉ đạo thực hiện triển khai CPH Hacinco theo Thông báo 514-TB/TU.
Tháng 2/2017, đại diện sở, ban, ngành và HACINCO đã tổ chức hội nghị nhà đầu tư đã tham gia mua cổ phần lần đầu của HACINCO để thông báo phương án triển khai cổ phần hóa.
Tuy nhiên, với kết luận trên của các cơ quan thẩm quyền, người lao động HACINCO không hiểu tại sao việc cổ phần hóa đến thời điểm này vẫn chưa đi vào hồi kết.
Trao đổi với báo chí về việc hàng trăm cán bộ công nhân viên của HACINCO đã mua cổ phần nhưng tới nay vẫn chưa nhận được cổ tức, ông Nguyễn Ngọc Quang - Chủ tịch Công đoàn HACINCO - chia sẻ, mong muốn các cơ quan chức năng nhất quán trong chỉ đạo giải quyết cổ phần hóa công ty, trả lời dứt điểm đơn thư kiến nghị của nhóm nhà đầu tư do bà Chi đại diện, không tiếp tục gây sức ép với các cơ quan chức năng dẫn đến tiếp tục đình trệ quá trình cổ phần hóa công ty, gây bức xúc cho hàng trăm cán bộ công nhân viên đã góp sức trong hơn 40 năm qua gây dựng công ty.
Hồng Liên (Tổng hợp)