|
Tại Vietnam Airlines, mức tiền lương bình quân của phi công Việt Nam chỉ bằng 59% tiền lương của phi công nước ngoài. Ảnh: VNA.
|
Gần đây, ông Đặng Ngọc Hòa - Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) - đã có văn bản góp ý gửi Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội về việc lấy ý kiến dự thảo Tờ trình và Nghị định bổ sung Nghị định số 87/2021/NĐ-CP.
Theo đó, lãnh đạo Vietnam Airlines cho rằng Nghị định 20/2020 quy định khi xác định đơn giá tiền lương khoán năm 2020, Vietnam Airlines được tính bù chênh lệch tiền lương của phi công là người Việt Nam mà công ty trả thấp hơn so với phi công là người nước ngoài.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Vietnam Airlines không thỏa mãn điều kiện về lợi nhuận để được tính bổ sung phần chênh lệch tiền lương của phi công Việt Nam và phi công nước ngoài. Vì vậy, đã có sự chênh lệch khá lớn về mức tiền lương giữa hai nhóm phi công này của Vietnam Airlines (cùng chức danh, đội bay, thực hiện cùng nhiệm vụ) và với phi công của các hãng hàng không trong nước.
Vấn đề nói trên đã dẫn đến số phi công Việt Nam chấm dứt hợp đồng lao động với Vietnam Airlines giai đoạn 2018-2022 lên tới 154 người. Đến hết quý I năm nay, đã có thêm 8 phi công Việt Nam xin chấm dứt hợp đồng lao động với Vietnam Airlines.
Khi thị trường hàng không phục hồi hậu Covid-19, con số này tiếp tục tăng nếu Vietnam Airlines không có động thái tích cực giữ chân người lao động.
Lãnh đạo của Vietnam Airlines nhấn mạnh việc phi công xin thôi việc, chuyển nhà khai thác đặc biệt trong giai đoạn phục hồi hậu Covid-19 đe dọa nghiêm trọng đến kế hoạch phát triển đội tàu bay của hãng. Bởi vì, các phi công Việt Nam xin chấm dứt chủ yếu là những phi công giáo viên, lái chính có nhiều năm kinh nghiệm
Để đảm bảo giữ chân, thu hút lao động phi công Việt Nam, góp phần ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh của Vietnam Airlines, ông Đặng Ngọc Hòa khẳng định việc xây dựng cơ chế bù chênh lệch lương giữa phi công Việt Nam và nước ngoài bay cho Vietnam Airlines là cấp thiết.
Theo báo cáo của Vietnam Airlines, tổng số lao động làm việc cho hãng năm 2022 là 6.028 người. Trong đó bao gồm 4.417 người do hãng bay trả lương từ quỹ tiền lương theo đơn giá khoán (có 829 phi công Việt Nam; 3.581 tiếp viên và lao động gián tiếp) và 152 phi công nước ngoài ký hợp đồng với đối tác cung ứng nhân lực (Vietnam Airlines không trả lương trực tiếp).
Mức tiền lương bình quân của phi công Việt Nam là 85 triệu đồng/tháng/người, chỉ bằng 59% so với phi công nước ngoài, khoảng 145 triệu/tháng/người.
Hồi năm 2019, tiền lương của phi công Việt Nam là 135,4 triệu đồng/tháng/người, bằng 48% tiền lương của phi công nước ngoài là 281,68 triệu đồng/tháng.
Hiện hãng bay đã khôi phục toàn bộ mạng bay nội địa so với trước dịch và khai thác trở lại 90% số đường bay quốc tế. Trong quý đầu năm, Vietnam Airlines vận chuyển 5,1 triệu lượt hành khách, tăng 63% so với cùng kỳ. Trong đó, khách quốc tế đạt 1,4 triệu lượt, gấp 11,5 lần cùng kỳ năm ngoái và tương đương 60,9% năm 2019. Sản lượng khách nội địa tăng trên 23%, lên 3,7 triệu lượt.
Quý I vừa qua, Vietnam Airlines ghi nhận doanh thu đạt 23.640 tỷ đồng, tăng gấp đôi cùng kỳ năm 2022.
Đáng chú ý, đây là mức doanh thu cao nhất của hãng hàng không này kể từ quý I/2020 (khi dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát). Mức doanh thu kể trên cũng đã tiệm cận kết quả hãng ghi nhận được trong các quý kinh doanh năm 2019 - giai đoạn trước dịch.
Nhờ nguồn thu tăng mạnh, Vietnam Airlines ghi nhận mức lãi gộp đạt 1.959 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2022 lỗ gộp gần 1.600 tỷ đồng. Tương tự chỉ tiêu doanh thu, đây cũng là mức lãi gộp tích cực nhất mà hãng hàng không quốc gia ghi nhận được kể từ năm 2020 đến nay.
Theo Diệu Thanh/zingnews.vn