Khách lo mở thẻ tín dụng hại nhiều hơn lợi
Trường hợp của ông P.H.A (Quảng Ninh), một khách hàng của Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) được phản ánh thời gian gần đây liên quan đến nợ phát sinh từ thẻ tín dụng khiến không ít người dân trên các diễn đàn xã hội khuyên nhau trả lại thẻ tín dụng, hủy thẻ tín dụng hoặc hạn chế mở hoặc sử dụng thẻ tín dụng.
Ông H.A cho rằng mình không tiêu thẻ tín dụng nên đã không thanh toán và sau 11 năm nợ xấu từ 8,5 triệu đồng lên tới hơn 8,8 tỷ đồng .
Ngọc Lan (Hà Nội) nói chưa từng có thẻ tín dụng mà chỉ cân nhắc do nhiều bạn bè khuyên sử dụng. Tuy nhiên, sau sự việc được phản ánh trên báo chí, cô cho biết có thể sẽ không mở thẻ tín dụng nữa.
"Cơ hội chi tiêu chưa thấy đâu nhưng tôi đã thấy bẫy tài chính khi hàng tháng bỗng nhiên lại nợ tiền, phải trả phí duy trì thẻ... Bản thân tôi không mua sắm quá nhiều, cố gắng theo lối sống tối giản nên sẽ hoãn lại việc mở thẻ", cô nói.
|
Việc mất lòng tin với thẻ tín dụng là tâm lý hoàn toàn dễ hiểu sau sự việc xảy ra tại Eximbank (Ảnh minh họa: Mỹ Tâm).
|
Một số khác cấp tập tìm cách tra xem bản thân có đang "mắc nợ" ngân hàng không. Quang Anh (TPHCM) đã sử dụng thẻ tín dụng 2 năm nay. Sau sự việc xảy ra, anh này và nhóm bạn thân nhanh chóng đăng ký và tra cứu thông tin tín dụng của bản thân trên CIC.
CIC được viết tắt của cụm từ Credit Information Center, là website của Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam. Mọi thông tin về khoản vay, tên người vay, tổ chức vay, quá trình thanh toán tại các ngân hàng, tổ chức tín dụng đều có trên CIC.
Nhiều người khác cũng chia sẻ về trải nghiệm không tốt khi sử dụng thẻ tín dụng, như chi tiêu không kiểm soát, phí duy trì và lãi vay cao…
"Tôi nhiều lần nhận được cuộc gọi mời làm thẻ tín dụng từ các ngân hàng. Nghe họ chào mời liên tục với nhiều ưu đãi, tôi thấy cũng hấp dẫn. Bạn bè của tôi cũng dùng 2-3 thẻ tín dụng, từng kể rằng mỗi tháng được hoàn tiền, tích điểm đổi quà… Tuy nhiên, cần lưu ý thẻ tín dụng làm phát sinh khoản nợ tiêu dùng, cần phân tích trước những mặt lợi và hại khi muốn sử dụng", Phương Linh (Hà Nội) nói.
Chuyên gia: Không nên quá lo lắng
Thạc sĩ ngân hàng, tài chính và công nghệ tài chính Lê Duy Diện cho biết sau sự việc khách vay thẻ tín dụng hơn 8,5 triệu đồng thành nợ hơn 8,8 tỷ đồng tại Eximbank, việc mất lòng tin với thẻ tín dụng là tâm lý dễ hiểu với nhiều khách hàng đang có thẻ tín dụng hoặc sắp mở thẻ tín dụng. "Nhiều khách hàng lo mình có thể rơi vào trường hợp tương tự", ông Diện nói.
Tuy nhiên, hiện tại, khách hàng không nên quá lo lắng khi có nhu cầu mở và sử dụng thẻ tín dụng. Chúng ta ở kỷ nguyên số 4.0, thậm chí bước sang 5.0, mọi thông tin của các nhân ngày càng an toàn bảo mật, minh bạch. Các ngân hàng luôn bảo vệ các khách hàng, mong muốn mang lại cho các khách hàng lợi ích cao.
Ông Diện cho biết từ lúc phát sinh nhu cầu để mở tài khoản hay thẻ, trong đó có thẻ tín dụng cho đến các phát sinh giao dịch về sau, bao gồm cả các giao dịch thanh toán bằng thẻ tín dụng đều được xác thực giữa ngân hàng và khách hàng.
|
Mở thẻ tín dụng đơn lẻ mà không sử dụng thêm các dịch vụ khác do ngân hàng cung cấp là không thể (Ảnh: Mỹ Tâm).
|
Chi tiết hơn, khi mở thẻ tín dụng, ngoài việc cung cấp các thông tin cá nhân (số điện thoại chính chủ, email, địa chỉ thường trú, địa chỉ hiện tại…), giấy tờ tùy thân (CCCD, hộ chiếu…), chứng minh khả năng trả nợ (thu nhập hoặc có tài sản thế chấp như sổ tiết kiệm)…. để xét duyệt thẻ và cấp hạn mức cho thẻ thì hầu hết các ngân hàng hiện nay đều bắt buộc khách hàng kích hoạt các kênh tương tác dịch vụ giữa khách hàng với ngân hàng bằng việc buộc khách hàng phải sử dụng đồng bộ các thông tin như trên trong hệ thống của ngân hàng nhằm phục vụ được chính xác khách hàng chính chủ cũng như đồng nhất thông tin và dịch vụ.
"Khác với giai đoạn 2010-2015, hiện tại mở thẻ tín dụng đơn lẻ mà không sử dụng thêm các dịch vụ khác do ngân hàng cung cấp như SMS/email thông báo giao dịch, sao kê thẻ/tài khoản, dịch vụ mobile banking… là không thể", ông Diện khẳng định.
Ông cung cấp thêm thông tin, để mở và sử dụng được thẻ tín dụng ngày nay ngân hàng sẽ cung cấp dịch vụ và yêu cầu khách hàng kích hoạt dịch vụ SMS/email nhằm nhận thông báo biến động số dư, biến động giao dịch, sao kê hàng tháng.
Ngân hàng cũng yêu cầu khách hàng cài dịch vụ ngân hàng di động (mobile banking) trên điện thoại di động bằng số điện thoại chỉnh chủ của khách hàng đang cung cấp với ngân hàng để xác minh thêm lần nữa đúng khách hàng, đồng thời theo dõi mọi thông tin giao dịch.
"Hầu hết thẻ tín dụng do ngân hàng cung cấp hiện nay, để kích hoạt được thì khách hàng phải kích hoạt sử dụng qua số điện thoại chính chủ bằng SMS và/hoặc dịch vụ mobile banking đang được chính chủ cài đặt", ông cho hay.
Thậm chí, ngân hàng còn xác thực thiết bị được sử dụng đăng nhập mobile banking hoặc kênh khách hàng đang tiêu, sử dụng thẻ tín dụng bằng cách gửi OTP/thông báo xác thực qua số điện thoại.
"Việc này chính là phương thức để ngân hàng bảo vệ khách hàng của mình và khách hàng ngày nay chắc chắn sẽ yên tâm sử dụng các dịch vụ, đặc biệt là thẻ tín dụng", ông nhấn mạnh và khuyên người dân không nên quá lo lắng việc sử dụng thẻ tín dụng sau sự việc hy hữu gần đây tại Eximbank.
Theo Mỹ Tâm/Dân Trí