Làm hàng bán suốt năm
Sa Đéc có 946,5ha trồng hoa kiểng, với 2.300 hộ xem việc trồng hoa kiểng là sinh kế chính. Năm 2022, doanh thu từ hoa kiểng trên 3.349 tỉ đồng. Vụ hoa Tết Quý Mão, diện tích trồng hoa tăng 50% so với vụ hoa Tết năm 2021.
Ở Bến Tre, chỉ huyện Chợ Lách đã có 1.538ha, trên 8.000 hộ chuyên sống với nghề hoa kiểng, cung ứng cho thị trường hoa giấy, kiểng thú, bonsai, kiểng lá, cây cảnh suốt năm… Riêng cây giống, mỗi năm cung cấp từ 17-20 triệu cây giống các loại.
Cả hai nơi này đều nghĩ tới việc sắp xếp lại để làm hàng bán suốt năm, để gắn với nhu cầu du lịch. Và Festival hoa kiểng là dấu mốc hứa hẹn những bất ngờ.
Thay đổi cách vận hành theo mùa vụ và nhu cầu số đông, bán hàng theo chậu, giỏ sang hướng quan sát tinh tế đáp ứng nhu cầu cá tính hóa, bán theo đóa chưa bao giờ là việc dễ dàng.
Một người trồng hoa lâu năm ở Bà Bộ thú thật chỉ làm quy mô nhỏ vì sợ rủi ro.
Theo kết quả điều tra nhu cầu thị trường hoa, cây cảnh của Việt Nam, giai đoạn 2000-2011 trung bình mỗi năm tăng 9%. 5 năm kế đó (2011-2015) tăng trên 11%. Mức độ tiêu dùng hoa, cây cảnh trung bình của người dân đô thị năm 2000 là 25.000 đồng người/năm, đến năm 2011 tăng lên 52.000 đồng/năm, đến năm 2013 là 100.000 đồng/người/năm, năm 2014 là trên 130.000 đồng/người/năm.
Thống kê của Cục Trồng trọt cho thấy, năm 2014, cả nước chỉ có khoảng 22.671,9ha trồng hoa, trong đó các tỉnh miền Bắc có 9.237,6ha, miền Nam có khoảng 13.434,3ha. Năm 2015, diện tích hoa kiểng đã tăng hơn 2,3 lần, giá trị sản lượng tăng 7,2 lần (trong đó xuất khẩu xấp xỉ 50 triệu USD). Nhiều mô hình đạt từ 800 triệu đồng đến 2,5 tỉ đồng/ha.
Nhìn lại bước ngoặt
Phải thừa nhận rằng, khi Công ty Hasfarm (100% vốn nước ngoài) đầu tư lớn vào các Farm trồng hoa, cây cảnh ở Đà Lạt thì tầm nhìn, triển vọng thị trường hoa kiểng có nhiều thay đổi. Thay vì mức đầu tư phổ biến từ vài tỉ đồng và chỉ chọn nơi có điều kiện khí hậu thuận lợi như Đà Lạt, Sapa để đầu tư; các nhà đầu tư chú ý tới các vùng ôn đới, á nhiệt đới, đến nhiệt đới để phát triển nhiều chủng loại hoa cây cảnh đa dạng, đáp ứng nhu cầu quanh năm.
Lâm Đồng có trên 9.375ha, trong đó có 2.927ha canh tác hoa công nghệ cao; 51 cơ sở nuôi cấy mô sản xuất hơn 72,3 triệu cây giống in vitro (phương pháp nuôi cấy vi sinh) ứng dụng các kỹ thuật nuôi cấy mô để nhân giống, phục vụ sản xuất hoa thương phẩm, trong đó xuất khẩu hơn 46%; 29 cơ sở ươm giống hoa.
Trong đó, thành phố Đà Lạt chiếm trên 66% diện tích và 71% sản lượng - trung tâm nuôi cấy mô, sản xuất giống hoa lớn nhất cả nước, với mục tiêu đưa giá trị xuất khẩu ngành hoa lên 100 triệu USD vào năm 2030.
Hà Nội là nơi có mức tăng trưởng cao trong ngành trồng hoa, cây cảnh. Năm 2020, Hà Nội có 7.960ha trồng hoa, cây cảnh, trong đó định danh 11 làng nghề chuyên sản xuất hoa, cây cảnh.
Mục tiêu của ngành hoa kiểng được triển khai trong giai đoạn từ 2021-2025, mỗi năm ngành hoa kiểng Việt Nam tạo được từ 3-5 giống hoa, cây cảnh mới, tự công bố lưu hành 15-20 giống và 5-7 quy trình kỹ thuật phục vụ sản xuất; chuyển giao, mở rộng diện tích hoa, cây cảnh đến năm 2025 lên 50.000ha, tăng 110% so với 2020, giá trị sản lượng đạt trung bình 750 triệu đồng/ha/năm (gấp 1,28 lần so với hiện nay), giá trị xuất khẩu đạt 150-200 triệu USD/năm.
Kỳ vọng và làm gì?
Đem những kỳ vọng này trò chuyện với người trồng hoa ở Làng hoa Bà Bộ, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ, những người có mối dây liên hệ chặt chẽ với Đà Lạt, học hỏi kinh nghiệm và mua giống mới cấy mô về chăm sóc mới thấy ước ao của họ về hệ sinh thái khoáng đạt để làng hoa ẩn nhẫn này sinh sôi, nảy nở là vô cùng.
Thị trường nào cũng thích mới, lạ, đẹp, phong thủy, mua giống mới ít nhất cũng 2.300 đồng/cây. Bây giờ, người mua thích hương thảo, ớt… làm gia vị; nhưng nhiều giống mới mua về đây trồng "hổng êm"… Chịu khó học hỏi cũng chưa đủ, có năm tui làm 15.000 giỏ bán được giá, nhưng mấy năm sau thất bát tới bây giờ.
Thành công riêng lẻ từng mùa vụ, nhưng thất bại có khi kéo theo cả làng nếu thị trường có vấn đề. Sau thất bại, nhà vườn phải quay lại những loại hoa kiểng dễ trồng, ít vốn, ít rủi ro… cái vòng lẩn quẩn là giống dễ trồng, giống cũ giá rẻ, nhưng dễ bệnh, luôn đụng hàng - những lão nông ở Bà Bộ nói.
"Cần Thơ có những vườn lan cung ứng lan cắt cành cho nhiều tỉnh lân cận, nay teo tóp, có một làng hoa nhưng khó phát triển du lịch" - chủ một vườn lan chia sẻ.
Do đó, khi thấy mục tiêu phát triển ngành hoa kiểng, chia theo các nhóm hoa lan, thúc đẩy nghiên cứu thu thập, bảo tồn, lưu giữ và phát triển các loại lan bản địa hay tập trung nhân nhanh giống hoa và xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ cao thấy nó "sao sao" giữa ý muốn và hành động.
Riêng nhóm cây hoa hồng - vừa nhân nhanh giống hồng cổ (Sapa, Sơn La, Lai Châu, Hải Phòng, Nam Định...) vừa nhập các giống hoa hồng mới có nhiều đặc tính quý, từ Anh, Pháp, Đức, Hà Lan... để tuyển chọn, khảo nghiệm, cung cấp cho sản xuất… Vậy vườn hồng Tư Tôn và các công trình nghiên cứu hoa hồng từ Đại học Cần Thơ chuyển giao về Đồng Tháp sao ta không ráng giữ?
Nhóm hoa đào, hoa mai, cây cảnh trang trí được định hướng nghiên cứu phát triển các giống hoa đào thất thốn, mai Yên Tử, mai thơm, mộc hương... gắn với các tổ chức sinh vật cảnh của địa phương. Nhóm hoa chậu, hoa thảm: Nghiên cứu và phát triển một số chủng loại hoa chậu, hoa thảm mới phù hợp với điều kiện địa phương để triển khai sản xuất mô hình lớn theo vùng hoặc theo địa phương.
Đặc biệt, nhóm nhân giống hoa bằng nuôi cấy mô tế bào sẽ tập trung nghiên cứu và đưa vào nhân nhanh một số chủng loại hoa có phân khúc cao cấp… Tất cả là những định hướng đẹp như mơ, nhưng làm sao thành hiện thực khi định hướng đột phá để hệ sinh thái kinh tế hoa kiểng còn chưa rõ ràng, chưa thể làm gì khác hơn ở các địa phương?
"Việc hỗ trợ 50% giá trị giống, vật tư hoặc kêu gọi ứng dụng công nghệ cao nhưng vay vốn cũng là việc khó khi nhiều người thuê đất để trồng hoa. Cứ nhìn con đường vào làng hoa để hiểu vì sao chưa thể làm du lịch, nhìn những giống hoa để biết ước mơ làm ăn kinh tế bị nghẽn ở chỗ nào"… Nhiều nhà vườn thú thiệt chỉ cần sự thấu hiểu…
Theo Châu Lan/Báo Cần Thơ