Trước thông tin phản ánh ở khu Trũng Phan (cụm 1, xã Liên Hà, huyện Đan Phượng, TP Hà Nội) tồn tại hàng loạt nhà xưởng sản xuất gỗ "mọc" trái phép trên đất nông nghiệp, ngày 25/4/2023, PV Báo Tri thức và Cuộc sống đã có trao đổi trực tiếp với ông Bùi Văn Hoa - Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) huyện Đan Phượng (Hà Nội).
|
Khu nhà xưởng "mọc" trái phép ở Trũng Phan nằm tiếp giáp với làng nghề đồ gỗ xã Liên Hà, bao quanh là diện tích đất nông nghiệp. |
Về nội dung trên, ông Bùi Văn Hoa cho biết sau nghỉ lễ 30/4, Phòng TN&MT huyện sẽ tiến hành lập hồ sơ, yêu cầu cắt điện đối với các nhà xưởng không phép ở Trũng Phan. Đồng thời, báo cáo ban chỉ đạo Huyện ủy để thành lập các tổ công tác xử lý. Bản thân ông Hoa sẽ là trưởng đoàn kiểm tra.
Trước tiên, huyện sẽ tuyên truyền, vận động người dân tự tháo dỡ các nhà xưởng sai phạm ở khu Trũng Phan.
"Nếu hộ nào cố tình, không chấp hành chúng tôi sẽ thực hiện theo quy định", ông Hoa nhấn mạnh, và khẳng định: “Nếu không dỡ tôi xin chịu, xin nghỉ việc. Tôi hứa như vậy”.
Đề cập đến thông tin, một số người dân được “hợp thức hóa” xây dựng nhà xưởng trái phép bằng việc ký kết các hợp đồng thuê đất với UBND xã, hợp tác xã? Phó Trưởng phòng TN&MT huyện Đan Phượng nói: “Tất cả các hợp đồng trước đây hợp tác xã, UBND xã ký với người dân là sai quy định, vô hiệu. Nếu người dân thắc mắc, có thể khởi kiện ra tòa. Ai làm sai, người đó phải chịu trách nhiệm".
Theo Phó Trưởng phòng TN&MT huyện Đan Phượng, việc tháo dỡ các nhà xưởng “mọc” trên đất nông nghiệp ở Trũng Phan sẽ được huyện Đan Phượng thực hiện công khai, công bằng và minh bạch.
|
Lãnh đạo Phòng TN&MT huyện Đan Phượng khẳng định, bản thân sẽ chịu trách nhiệm, thậm chí là xin nghỉ việc nếu không tháo dỡ các nhà xưởng xây trái phép trên đất nông nghiệp ở Trũng Phan. |
Trong các bài viết trước, Báo Tri thức và Cuộc sống đã nêu thông tin phản ánh của người dân về việc, tại
khu Trũng Phan tồn tại loạt nhà xưởng sản xuất gỗ xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp. Người dân địa phương cho biết, khu Trũng Phan vốn là đất nông nghiệp được dùng vào việc canh tác, sản xuất hoa màu. Theo thời gian, một phần cánh đồng đã được nhiều cá nhân mua bán qua tay, rồi “hô biến” thành các xưởng sản xuất gỗ. Một số nhà xưởng còn được “hợp thức hóa” xây dựng từ trước năm 2014.
Dù nhiều nhà xưởng đua nhau “mọc” lên, nhưng chính quyền xã Liên Hà lại dường như bất lực, thậm chí có dấu hiệu "làm ngơ, bật đèn xanh” cho những sai phạm?
Tại buổi làm việc ngày 12/4/2023 với PV, ông Nguyễn Hữu Thinh - Phó Chủ tịch UBND xã Liên Hà (huyện Đan Phượng) thừa nhận, các nhà xưởng ở khu Trũng Phan là xây dựng trên đất nông nghiệp, sử dụng sai mục đích đất.
Mời độc giả xem video: Nhiều nhà xưởng "mọc" trái phép trên đất nông nghiệp ở Trũng Phan, xã Liên Hà, huyện Đan Phượng:
Thực tế, những vi phạm về trật tự xây dựng, đất nông nghiệp ở khu Trũng Phan (xã Liên Hà) đã rất rõ. Người dân và dư luận đang chờ chính quyền huyện Đan Phượng vào cuộc xem xét trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân khi để xảy ra sai phạm.
*Báo Tri thức và Cuộc sống tiếp tục thông tin./.
Xử phạt hành vi xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp
Theo căn cứ Khoản 3, 4 Điều 6 Nghị định 102/2014/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai như sau:
“Điều 6. Chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép
3. Chuyển mục đích sử dụng sang đất phi nông nghiệp thì hình thức và mức xử phạt như sau:
a) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép dưới 0,5 héc ta;
b) Phạt tiền từ trên 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 0,5 héc ta đến dưới 03 héc ta;
c) Phạt tiền từ trên 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 03 héc ta trở lên.
4. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm đối với hành vi quy định tại các Khoản 1, 2 và 3 Điều này;
b) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại các Khoản 1, 2 và 3 Điều này.”
Đoàn Khang