Ghi nhận thực tế của PV Tiền Phong vào ngày 2/1, tại hầu hết các bến xe lớn ở TP.HCM như bến xe miền Đông, bến xe miền Tây, ga Sài Gòn,…đều trong tình trạng vắng vẻ từ khu vực bán vé đến khu vực bến bãi. Lượng hành khách ra, vào bến xe thưa thớt.
|
Khung cảnh chỉ lác đác vài khách ở khu vực bán vé cũng như sảnh chờ bến xe tại bến xe miền Đông.
|
Bà Trương Liên Hương, Phó Giám đốc Công ty Vận tải Ba Châu (TPHCM – Cần Thơ – Ô Môn) cho biết, DN hoạt động trở lại vào đầu tháng 10 nhưng lượng khách giảm 60-70% dù trong thời gian cao điểm làm ăn.
Trước đây, DN có 8 tài xế chạy liên tục trong ngày với công suất khoảng 350 khách/ngày thì giờ chỉ duy trì 3 tài xế. Dẫu vậy, nhiều nhất cũng chỉ có 10-12 người/chuyến xe. Dù có ngày chỉ có 1-2 người/chuyến nhưng giá vé vẫn được giữ ở mức ổn định, chấp nhận tạm thời bù lỗ để duy trì chuyến.
“Tôi có thuê 3 quầy để bán vé tại bến xe nhưng từ khi bến xe được hoạt động trở lại, tôi chỉ thuê 1 quầy và tạm dừng 2 quầy còn lại để tiết kiệm chi phí. Sắp tới, tôi sẽ mở 2 quầy còn lại để bán vé tết Nguyên Đán. Nếu lượng khách tăng lên tôi sẽ tiếp tục thuê còn không sau Tết Nguyên Đán tôi tạm dừng 2 quầy này”, bà Hương tâm sự.
|
Khu vực sảnh chờ ở bến xe miền Tây vắng thưa khách.
|
Đại diện nhà xe Kim Lý (tuyến TP.HCM – Đăk Nông) cho hay, đến thời điểm này vẫn chưa có ai đặt vé Tết Nguyên Đán, trong khi thời điểm năm ngoái đã có nhiều người gọi đặt vé xe Tết trước, ngày cao điểm đi được 4-5 xe với công suất khoảng 150 khách/ngày. Hiện tại, ngày cao điểm chỉ bán được 10-15 vé. Năm nay, nhà xe xác định Tết này coi như mất Tết vì cảnh bến xe vắng thưa khách.
Ông Trần Văn Phương, Phó TGĐ Công ty Cổ phần Bến xe miền Tây cho biết, lượng khách Tết Dương lịch so với cùng kỳ năm 2020 giảm tới 80%. Hiện, trung bình mỗi ngày, bến xe đón khoảng 2.000 khách so với ngày trước dịch là 30.000 khách. Xe xuất bến cũng chỉ đạt 200/1.200 xe.
“Nhiều quầy vé đã đóng từ ngày 1/6 tới nay chưa mở lại, một số quầy trả mặt bằng vì không có khách. Tính đến ngày 28/12, vẫn còn 3 tỉnh chưa cho xe ở TP.HCM về là Vĩnh Long, Bạc Liêu và Sóc Trăng. Người dân muốn về quê thì phải chọn xe tỉnh khác có lộ trình đi ngang qua để xuống giữa đường”, Ông Phương nói.
Ông Tạ Chương Chín, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Bến xe miền Đông cho biết, hiện nay hoạt động vận tải vẫn chưa hồi phục, chỉ mới có 74/164 DN tại bến hoạt động trở lại. Theo ông Chín, các hãng chủ yếu hoạt động cầm chừng, lượng khách đến bến xe so với cùng kỳ chỉ đạt 5-10%, xe xuất bến chỉ đạt mức 15-20% cùng kỳ.
|
Nhiều doanh nghiệp vận tải hành khách vẫn chưa hoạt động trở lại.
|
Ông Chín cho rằng, một số khách còn mơ hồ khi thông tin một số tỉnh còn cách ly nên họ cân nhắc việc đi lại, chỉ đi lại khi thực sự cần thiết. Do đó, bến xe rất khó khăn trong công tác dự báo lượng khách trong dịp Tết Nguyên Đán sắp tới.
Ông Nguyễn Ánh Luyện, Phó Giám đốc Chi nhánh Vận tải đường sắt Sài Gòn thông tin,do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên tất cả các phương tiện giao thông công cộng và ngành đường sắt bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Lượng vé bán ra cho Tết âm lịch và Tết dương lịch rất thấp so với mọi năm.
“Công đoàn các Khu công nghiệp và khu chế xuất TP.HCM năm nào cũng mua vé đường sắt tặng công nhân về quê ăn Tết. Dự kiến tặng 700 – 800 vé mà sau khi hỏi nhu cầu công nhân thì chỉ còn lấy khoảng 150 vé, vé tặng mà công nhân cũng không đăng ký và có nhu cầu về”, ông Luyện cho biết.
Sau 2 tháng mở cửa, vận tải hành khách vẫn vắng hoe vì COVID
Bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho hay, từ ngày 16/10/21 - 30/11 hầu hết các Sở GTVT đã đưa các tuyến vận tải khách liên tỉnh vào hoạt động.
"Có gần 4.000 trong tổng số hơn 12.000 tuyến đang khai thác, đạt hơn 31%. Số chuyến xe hoạt động thực tế hơn 25.000 chuyến. Số xe hoạt động hơn 7.660 trong tổng số hơn 19.600 xe, đạt gần đạt 40%, số khách là chở 118.000", bà Hiền thông tin.
Cũng theo lãnh đạo Tổng cục Đường bộ VN, trong tháng 12/2021 có 59/63 Sở GTVT tiếp tục đưa các tuyến vận tải khách liên tỉnh vào hoạt động với tổng số tuyến đang khai thác hơn 3.230/12.300 tuyến. Tổng số chuyến hoạt động thực tế hơn 18.000, tổng số xe hoạt động hơn 3.600 xe.
Bà Hiền cho biết, khó khăn hiện nay là dịch bệnh COVID-19 tại một số tỉnh, thành phố diễn biến vẫn phức tạp. Số ca mắc vẫn tăng, hành khách lo sợ dịch bệnh khi đi trên phương tiện xe khách công cộng nên hoạt động vận tải đường bộ bị ảnh hưởng rất lớn, lưu lượng hành khách đi lại ít.
Bên cạnh đó, do thời gian giãn cách dài, các đơn vị vận tải khách còn khá dè dặt đưa nhiều phương tiện vào khai thác, lo không đủ chi phí cho một chuyến đi. Các địa phương thường xuyên phải thông báo thay đổi cấp độ ở mỗi vùng nên khó khăn trong việc kết nối lại các loại hình vận tải.
Đối với địa bàn có dịch ở cấp 3, tổ chức vận tải hành khách không vượt quá 50% tổng số phương tiện của đơn vị là chưa phù hợp với tình hình thực tế, đặc biệt đối với phương tiện xe taxi, xe hợp đồng. Đồng thời, lái xe của các đơn vị kinh doanh vận tải chưa được ưu tiên tiêm hai mũi theo quy định, gây khó khăn trong bố trí nhân lực.
Bà Hiền cho biết, Bộ GTVT đã kiến nghị Bộ Y tế, đánh giá và công bố kịp thời cấp độ dịch đến cấp xã/phường/thôn để các đơn vị kinh doanh vận tải tra cứu và thống nhất hoạt động.
Bên cạnh đó, các địa phương khẩn trương tiêm vắc xin mũi tăng cường cho lái xe, nhân viên phục vụ để đảm bảo nguồn lực tham gia hoạt động vận tải, gắn với công tác phòng chống dịch COVID-19.
Bộ GTVT vừa kiến nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay; Tạm thời giữ nguyên nhóm nợ cho các đơn vị vận tải bị ảnh hưởng của dịch, cho vay mới để ổn định sản xuất kinh doanh, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị kinh doanh vận tải vay vốn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. Đồng thời, có các chính sách miễn giảm các loại thuế, phí và lệ phí đến hết năm 2022 hoặc cho đến khi dịch bệnh kết thúc.
Theo Hoàng Trang - Ngọc Mai