Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) vốn là Ngân hàng có mạng lưới rộng lớn sau khi hợp nhất từ Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), Ngân hàng TMCP Đệ Nhất (Ficombank) và Ngân hàng TMCP Việt Nam Tín Nghĩa (TinNghiaBank) vào năm 2012. Thời điểm đỉnh cao, SCB có hoạt động tại 28 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Vốn điều lệ của SCB tăng từ 14.000 tỷ đồng vào năm 2017 lên 15.000 tỷ đồng vào năm 2018 và 20.000 tỷ đồng trong năm 2019. Kể từ ngày 30/6/2021, vốn điều lệ SCB thông báo trên website là 20.020 tỷ đồng.
|
Thông báo chấm dứt hoạt động (giải thể) phòng giao dịch Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Chi nhánh Bến Thành của SCB. |
Tuy nhiên SCB mới đây, tiếp tục có thông báo chấm dứt hoạt động (giải thể) phòng giao dịch Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Chi nhánh Bến Thành (tại địa chỉ số 225 Bis Đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường Võ Thị Sáu, quận 3, TP.HCM) kể từ ngày 23/2.
Phòng giao dịch Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Chi nhánh Bến Thành là phòng giao dịch thứ 6 bị đóng cửa trong năm 2024 của SCB. Lý do đóng cửa không được nhà băng này đưa ra. Dù vậy, nhà băng này khẳng định mọi quyền lợi và giao dịch của khách hàng đều được đảm bảo thực hiện đầy đủ tại các điểm giao dịch của ngân hàng SCB.
|
Từ khi bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt, đến nay, SCB đã thông báo đóng cửa tổng cộng 53 phòng giao dịch tại 9 tỉnh thành. |
Trước đó, việc nhóm cổ đông Vạn Thịnh Phát, đứng đầu là bà Trương Mỹ Lan (Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát), nắm cổ phần thao túng ngân hàng này trong nhiều năm đã dẫn đến những sai phạm nghiêm trọng trong cho vay, khiến SCB bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt kể từ năm 2022.
Trước khi bị kiểm soát đặc biệt, SCB có một hội sở chính ở TP.HCM, 50 chi nhánh và 184 phòng giao dịch trên cả nước. Tuy nhiên, từ khi bị kiểm soát đặc biệt đến nay, thống kê từ website của SCB cho thấy, nhà băng này đã thông báo đóng cửa tổng cộng 53 phòng giao dịch tại 9 tỉnh thành. SCB chỉ còn 89 điểm giao dịch trên cả nước.
Đáng chú ý, trong khi các ngân hàng khác đều công bố báo cáo tài chính một cách chi tiết, trong đó có nợ xấu, giao dịch với các bên liên quan thì báo cáo tài chính của SCB qua các năm đều không thể hiện thông tin này.
Theo báo cáo tài chính của SCB, từ 2016 đến 2022, tổng tài sản của SCB tăng lên gấp hơn 2 lần. Tại thời điểm cuối quý II/2022 tổng tài sản của ngân hàng đạt 760 nghìn tỷ đồng, tăng 58 nghìn tỷ đồng so với đầu năm 2022. Trong khi năm 2016, tổng tài sản của SCB mới chỉ đạt hơn 360 nghìn tỷ.
Tiền gửi của khách hàng đến cuối quý II/2022 đạt 595.447 tỷ đồng, tăng 82 nghìn tỷ đồng so với đầu năm. Tổng nợ phải trả lên đến hơn 737 nghìn tỷ đồng, trong khi vốn chủ sở hữu chỉ đạt gần 23 nghìn tỷ đồng.
Kết thúc quý II/2022, báo cáo kết quả hoạt động riêng lẻ của SCB thể hiện đạt 128 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm nhẹ so với cùng kỳ. Lũy kế hai quý đầu năm, nhà băng này đạt 583 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm 45% so với cùng kỳ năm trước.
Khánh Hoài (tổng hợp)