Sau cuộc "hôn nhân" đình đám với SouthernBank vào hồi tháng 10/2015, ngân hàng Sacombank rơi vào cảnh nợ xấu tăng vọt.
Cụ thể, theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2017 của Sacombank, tính đến hết ngày 31/3/2017, nợ xấu nội bảng của ngân hàng Sacombank ở mức 10.183 tỷ đồng, chiếm 4,88% dư nợ tín dụng, giảm khá mạnh so với mức 5,35% hồi đầu năm.
Về nợ xấu ngoại bảng, Sacombank chính thức ghi nhận 37.760 tỷ đồng trái phiếu đặc biệt VAMC, trong đó đã dự phòng 1.624 tỷ đồng. Như vậy, nợ xấu ngoại bảng của Sacombank được ghi nhận là 36.136 tỷ đồng tính đến hết ngày 31/3/2017.
Tựu chung, tổng nợ xấu (cả nội bảng và ngoại bảng) mà Sacombank ghi nhận trong báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2017 là 46.219 tỷ đồng, chiếm tới 19% tổng dư nợ (gồm dư nợ tín dụng và trái phiếu VAMC). Ngoài ra, Sacombank đang ghi nhận tới 16.039 tỷ đồng các khoản phải thu và 26.009 tỷ đồng lãi dự thu, tiềm ẩn trong đó là lượng nợ xấu không nhỏ.
|
Ảnh minh họa: Internet. |
Trước đó, Sacombank đã công bố báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2016 với lợi nhuận trước thuế chỉ đạt 363 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, giảm tới 76% so với cùng kỳ năm 2015. Nguyên nhân khiến lợi nhuận sụt giảm đó là do chi phí dự phòng rủi ro tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo đó, quý I/2016 của Sacombank cũng ghi nhận lợi nhuận trước thuế chỉ đạt 199 tỷ đồng, bằng ¼ kết quả cùng kỳ năm trước. Sau thuế, ngân hàng đạt 161 tỷ đồng, giảm 74%. Đến quý II.2016 chi phí dự phòng lêm tới 681 tỷ đồng, lũy kế 6 tháng là 731 tỷ đồng. Chi phí hoạt động cũng tăng lên 2.824 tỷ đồng.
Cùng với đó, tỷ lệ nợ xấu tăng lên 2,83%, trong khi cuối 2015 chỉ 1,85%. Tổng nợ xấu 6 tháng đầu năm của Sacombank là 5.649 tỷ đồng, trong đó, nợ có khả năng mất vốn lên tới 3.210 tỷ đồng.
Ngoài ra, quý IV/2015, Sacombank lỗ trước thuế 738 tỷ đồng và lỗ sau thuế 583 tỷ đồng. Lũy kế cả năm, Sacombank lãi trước thuế 1.289 tỷ đồng, giảm 55% cùng kỳ. Như vậy, kết quả kinh doanh quý IV.2015 đã làm cho lợi nhuận của ngân hàng “bốc hơi” gần một nửa thành quả đạt được trong 9 tháng đầu năm là 2.140 tỷ đồng.
Dự phòng rủi ro quý IV/2015 cũng tăng vọt, từ mức 187 tỷ đồng cùng kỳ năm 2014 lên tới 1.125 tỷ đồng trong quý cuối năm 2015, tương đương dự phòng tăng gấp hơn 6 lần.
Do nhận sáp nhập SouthernBank nên mặc dù đã mạnh tay trích lập dự phòng, chất lượng nợ cũng có thay đổi theo chiều hướng gia tăng, với tỷ lệ nợ xấu từ 1,19% đầu năm lên 1,87% vào cuối năm. Trong đó nợ có khả năng mất vốn tăng đột biến từ 980 tỷ đồng lên 3.029 tỷ đồng.
Theo giải trình của ngân hàng được Dân Việt trích dẫn vào tháng 8/2016, nguyên nhân khiến lợi nhuận trong quý I/2015 sụt giảm mạnh chủ yếu là do thu nhập lãi thuần giảm hơn 700 tỷ đồng, trong đó riêng chi phí trả lãi tiền gửi hơn 1.200 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng cuối kỳ đạt 2,28%, tăng so với mức 1,85% tại thời điểm đầu năm. Chi phí hoạt động phát sinh trong kỳ cũng tăng đột biến 32,8% lên 1.464 tỷ đồng.
Mặt khác, theo Vietnamfinance.vn, ngay sau khi nhận sáp nhập Southern Bank, các khoản phải thu của Sacombank tăng vọt từ mức 4.864 tỷ đồng lên mức 17.679 tỷ đồng, trong khi các khoản lãi, phí phải thu (hay còn gọi là lãi dự thu) của Sacombank tăng vọt từ mức 5.149 tỷ đồng lên mức 25.230 tỷ đồng.
Tính đến hết ngày 30/09/2016, các khoản phải thu của Sacombank ở mức 16.916 tỷ đồng, trong khi lãi dự thu ở mức 26.073 tỷ đồng.
Các khoản phải thu và lãi dự thu từ lâu đã được giới chuyên gia đánh giá là nơi lý tưởng nhất để “giấu” nợ xấu.
VCSC tính toán ra rằng, tại thời điểm quý II/2016, khoảng 45% các khoản phải thu của Sacombank là các khoản phải thu được ghi nhận một cách đáng ngờ, tương đương khoảng 7.816 tỷ đồng.
Trong khi đó, lãi phải thu đáng nghi ngờ chiếm tới 78% lãi phải thu trên sổ sách, tương đương tới 20.193 tỷ đồng.
Như vậy, tổng các khoản phải thu và lãi phải thu nghi ngờ của Sacombank theo ước tính của Công ty Cổ phần Chứng khoán Bản Việt (VCSC) lên đến khoảng 28.000 tỷ đồng. Nếu 8.810 tỷ đồng nợ xấu chưa báo cáo được Sacombank “giấu” vào đây thì vẫn còn tới gần 19.200 tỷ đồng các khoản phải thu và lãi dự thu nghi ngờ, và không ít, thậm chí là phần nhiều trong số đó có thể là nợ xấu.
Đây là bài toán rất khó cho Sacombank. Bởi nếu thừa nhận thêm nợ xấu, Sacombank sẽ phải tăng trích lập dự phòng, lợi nhuận theo đó cũng bị bào mòn đi, uy tín cũng bị ảnh hưởng. Còn nếu giữ nguyên nợ xấu thì các khoản nợ xấu tiềm tàng sẽ giống như “cục máu đông”, Sacombank khó lòng xử lý được trong khi vẫn phải gánh hậu quả từ nó, trong đó có vấn đề dòng tiền và thanh khoản ngân hàng.
Hồng Liên (Tổng hợp)