Nguy cơ thương hiệu gạo ST25 bị chiếm đoạt: Đừng chỉ đổ lỗi cho doanh nghiệp

Google News

Nếu không có sự hỗ trợ, bảo trợ hay khuyến cáo tích cực từ phía các cơ quan chức năng, các DN sẽ mất phương hướng, bất lực nhìn thương hiệu của mình bị chiếm đoạt một cách oan uổng.

Đã từng có nhiều nhãn hiệu hàng hóa của Việt Nam bị tranh chấp, chiếm đoạt tại thị trường nước ngoài khiến một số doanh nghiệp (DN) phải hao tiền tốn của để đòi lại. Gần đây, gạo ST25 của Việt Nam lại đứng trước nguy cơ bị nhiều DN tại Mỹ và Australia muốn đăng ký nhãn hiệu, điều này càng gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh cho các DN trong việc sớm xúc tiến đăng ký nhãn hiệu, bảo vệ thương hiệu sản phẩm hàng hóa.
Doanh nghiệp muốn giữ thương hiệu cũng khó…
Thông tin cập nhật mới nhất là ông Hồ Quang Cua và DN tư nhân Hồ Quang Trí - Đơn vị đang sở hữu bản quyền lúa giống ST25 đã ủy nhiệm cho 1 công ty luật ở Mỹ để chính thức nộp đơn lên Cơ quan Sáng chế và Nhãn hiệu Mỹ (USPTO) đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cho gạo ST25. Tại Australia, hiện Thương vụ Việt Nam tại nước này vẫn đang quyết liệt vào cuộc để xử lý bằng nhiều biện pháp khẩn cấp nhằm khẳng định gạo ST25 đã được cấp Bằng bảo hộ tại Việt Nam.
Gạo ST25 bị tranh chấp và nguy cơ mất thương hiệu ở Mỹ hay Australia nếu xét về kịch bản vẫn không có gì mới so với những vụ việc trước đây. Xuất phát từ việc DN chậm đăng ký bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm tại nước ngoài đã tạo điều kiện cho một số tổ chức, cá nhân lợi dụng để có hành động gây tổn hại đến thương hiệu sản phẩm, gây bất lợi cho quá trình giao thương hàng hóa của Việt Nam. Và không ai khác, thiệt hại nặng nề sau cùng vẫn thuộc về các DN nếu muốn chứng minh để đòi lại thương hiệu cho sản phẩm của mình.
Nguy co thuong hieu gao ST25 bi chiem doat: Dung chi do loi cho doanh nghiep
Gạo ST25 của Việt Nam được vinh danh là “Gạo ngon nhất thế giới” đã định vị được vị thế của mình trên trường quốc tế. Ảnh minh họa: KT 
Trong khi hầu hết các nước trên thế giới đều đã có cơ quan đăng ký và bảo vệ nhãn hiệu cho sản phẩm của DN trong nước và nước ngoài, nhưng theo quy định pháp luật hiện hành của Việt Nam hiện nay, chưa có quy định Bộ, ngành nào đứng ra đăng ký bảo hộ sở hữu cho DN. Việc đăng kí thương hiệu sản phẩm tại nước ngoài vẫn hoàn toàn do DN tự tìm hiểu, tự lo liệu.
Trước thực trạng này, nhiều ý kiến cho rằng, khi thương hiệu được coi là tài sản của mỗi DN, thì DN cần phải có trách nhiệm bảo vệ tài sản của mình. Nhưng nếu là chỉ vận động ý thức từ DN e rằng sẽ là chưa đủ, bởi phần lớn DN tại Việt Nam là các DNNVV đang phải cố gắng tồn tại và tìm kiếm hướng đi, nếu không có sự hỗ trợ, bảo trợ hay khuyến cáo tích cực từ phía các cơ quan chức năng, các DN sẽ mất phương hướng, bất lực nhìn thương hiệu của mình bị chiếm đoạt một cách trắng trợn.
Trên quan điểm pháp lý khi nhận xét về tình trạng bảo vệ thương hiệu của DN, Luật sư Hoàng Tùng - Văn phòng luật sư Trung Hoà - Đoàn luật sư TP Hà Nội cho rằng, theo quy định của pháp luật hiện hành, nhãn hiệu được đăng ký, bảo hộ theo nguyên tắc lãnh thổ (trừ một số trường hợp ngoại lệ như nhãn hiệu Benelux, nhãn hiệu cộng đồng chung châu Âu…).
Tuy nhiên thời gian qua, việc chiếm đoạt nhãn hiệu diễn ra ngày càng phổ biến, tinh vi hơn tại nhiều quốc gia trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng. Có thể coi đây là sự chủ quan và khiếm khuyết lớn mà các DN Việt Nam thường mắc phải khi vẫn chủ quan bỏ qua yếu tố khẳng định nhãn hiệu của mình ở thị trường nước ngoài.
“Ngay đơn giản chỉ là việc đăng ký nhãn hiệu tại Việt Nam nhưng nhiều DN cũng chưa làm các thủ tục để đăng ký hoặc công bố nhãn hiệu tại các quốc gia khác để bảo vệ quyền lợi của mình. Điều này dẫn đến có rất nhiều tổ chức, cá nhân tại các quốc gia lợi dụng uy tín và tính phổ biến của những nhãn hiệu này để thực hiện những hành vi có yếu tố xâm phạm đến quyền và lợi ích của DN”, Luật sư Hoàng Tùng nói.
“Giành được trận địa đã khó, giữ được trận địa còn khó hơn!”
Nhận thấy việc bảo vệ cho các thương hiệu Việt tại nước ngoài hiện còn nhiều bất cập, nhất là khi chưa có cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm đứng ra đăng ký và bảo vệ nhãn hiệu cho sản phẩm của DN… chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng, vấn đề đăng kí bảo hộ thương hiệu cần phải được luật hóa một cách cụ thể.
“Cần phải xem xét, rà soát một cách toàn diện Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành có những điều khoản nào còn sơ hở, thiếu sót để bổ sung, hoàn thiện kịp thời nhằm bảo vệ các loại hàng hóa nói chung và những mặt hàng đặc sản vùng miền, các sản phẩm có thế mạnh của Việt Nam nói riêng trong quá trình xuất khẩu”, ông Phú nói.
Nguy co thuong hieu gao ST25 bi chiem doat: Dung chi do loi cho doanh nghiep-Hinh-2
Các DN cần phải có năng lực để xây dựng và bảo vệ thương hiệu bởi các cán bộ chuyên môn về lĩnh vực thương mại quốc tế, thương hiệu hay marketing. 
Cụ thể, các cơ quan quản lý ở đây như Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN), Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT cần cùng nhau rà soát lĩnh vực được phân cấp quản lý có liên quan đến bảo vệ sở hữu trí tuệ, bảo vệ nhãn hiệu hàng hóa từ đó kiến nghị Chính phủ ban hành các Nghị định, Thông tư tạo thuận lợi, chặt chẽ cho việc đăng kí nhãn hiệu hàng hóa trong nước và quốc tế. Việc làm này cần đảm bảo không gây ảnh hưởng đến quá trình thu hút đầu tư, phù hợp với quy định của các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đang và sẽ tham gia.
Về phần các DN, trong quy trình làm thương mại cần phải có bài bản đúng và nguyên tắc. Trong đó, chủ trương trên hết là DN vẫn phải tự bảo vệ tài sản của chính mình trên cơ sở ghi chép, tổng hợp và thống kê quy trình, nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm đối phó với các hành vi tranh chấp thương hiệu ngày càng có nhiều nguy cơ xảy ra.
Để làm được điều này ngoài sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý, các DN cần tổ chức liên kết, thành lập các tổ chức Hiệp hội để tạo ra tiếng nói có trọng lượng trong việc xử lý các tranh chấp về bản quyền thương hiệu ở thị trường trong nước cũng như quốc tế. “Thương trường như chiến trường, giành được trận địa đã khó, giữ được trận địa lại càng khó hơn”, ông Phú ví von.
Các DN cần phải có năng lực để xây dựng và bảo vệ thương hiệu bởi các cán bộ chuyên môn về lĩnh vực thương mại quốc tế, thương hiệu hay marketing.
Đồng tình với quan điểm này, chuyên gia kinh tế Nguyễn Hồng Lam nêu quan điểm, nhà nước phải tăng cường các tổ chức hỗ trợ cho các DN, đặc biệt là các DNNVV để họ có thể đủ năng lực để có thể tham gia vào thị trường xuất khẩu. Cần có những dự án để nâng cao năng lực DN và xây dựng, tăng cường hệ sinh thái hỗ trợ cho DNNVV trong đó có vấn đề xây dựng vào bảo vệ thương hiệu.
“Phía DN trước tiên cũng phải có nhận thức về vấn đề bảo vệ thương hiệu sản phẩm của mình. DN cần phải có năng lực để làm được việc này bởi các cán bộ chuyên về lĩnh vực thương mại quốc tế. Trường hợp DNVVN không có cán bộ chuyên về lĩnh vực thương hiệu hay marketing có thể thông qua các đơn vị, tổ chức hỗ trợ cho các DNNVV, ví dụ như các Trung tâm xúc tiến thương mại của các địa phương, hoặc thông qua các dịch vụ hỗ trợ tư nhân với mức giá hợp lý”, ông Lam đưa giải pháp.
Theo quan điểm của Luật sư Hoàng Tùng, khi các DN thực hiện kinh doanh và xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài, việc xây dựng và đăng ký nhãn hiệu để được bảo hộ là điều vô cùng cần thiết. Đăng ký nhãn hiệu tại nước ngoài sẽ giúp DN tăng khả năng thâm nhập, tạo lập, giữ vững và phát triển thị trường xuất khẩu, chống lại mọi hành vi vi phạm, cạnh tranh không lành mạnh hoặc chiếm đoạt của đối thủ cạnh tranh hoặc những kẻ trục lợi.
Theo tư vấn của Luật sư Hoàng Tùng, để đăng ký nhãn hiệu ra nước ngoài có hai cách phổ biến, đó là đăng ký trực tiếp tại từng quốc gia và đăng ký nhãn hiệu quốc tế theo Hệ thống Madrid do Văn phòng quốc tế thuộc Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) quản lý. Hệ thống này ra đời để tạo điều kiện thuận lợi cho việc đăng ký nhãn hiệu cùng một lúc tại nhiều quốc gia trên thế giới và được điều chỉnh bởi hai văn bản pháp lý chính: Thỏa ước Madrid và Nghị định thư Madrid. “Việt Nam đã tham gia Thỏa ước Madrid và Nghị định thư Madrid nên các DN Việt Nam có thể nộp đơn vào các quốc gia là thành viên của cả hai văn kiện trên”, Luật sư Hoàng Tùng khuyến nghị./.
Nguyễn Quỳnh/VOV.VN
ADVERTISEMENT
Theo VOV