Việc một số khách hàng của Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Đại Dương (OceanBank) Chi nhánh Hải Phòng mất 400 tỷ đồng trong sổ tiết kiệm từ năm 2012 đến nay mới phát hiện, trao đổi với Zing.vn, các luật sư, chuyên gia tài chính đều cho rằng nếu không có lỗi từ người dân, ngân hàng phải là pháp nhân chịu trách nhiệm đền bù số tiền bị chiếm đoạt.
Tuy nhiên, cơ hội để người dân mất 400 tỷ tiền tiết kiệm tại OceanBank Hải Phòng có thể lấy lại số tiền rất nhỏ và tốn nhiều thời gian.
Có cơ hội lấy lại tiền nhưng mất thời gian
LS. Trương Thanh Đức - Chủ tịch Công ty Luật BASICO, cho rằng sự việc diễn ra tại OceanBank Chi nhánh Hải Phòng có diễn biến rất phức tạp.
Sau khi tiếp cận với hồ sơ vụ việc, ông Đức cho biết hình dung câu chuyện tại đây có thể dễ đi theo hướng cá nhân lừa đảo, mang tính chất hình sự chứ không phải sai sót của ngân hàng không theo dõi, cũng như không vào danh sách hệ thống corebanking.
"Chưa thể kết luận 100%, nhưng qua nội dung giao dịch, diễn biến bản chất có thể nghiêng về hướng những sổ tiết kiệm này là giả. Chưa nói về phôi sổ có thể là thật, nhưng về tổng thể có thể nói là sổ giả vay mượn, chi lãi bên ngoài", ông Đức nhận xét.
Theo ông Đức, trong trường hợp này người nhận tiền rõ ràng là lừa đảo, gian dối, nhưng dưới góc độ người gửi tiền sẽ có 2 trường hợp xảy ra. Một là người gửi tiền hoàn toàn đúng theo quy định hướng dẫn của ngân hàng nhưng bị cán bộ ngân hàng lừa đảo trắng trợn. Cũng không loại trừ khả năng có những sai sót nhất định của người gửi, dẫn đến bị lừa.
"Hiện tại, vẫn chưa rõ là các giao dịch diễn ra tại chỗ, tại quầy hay tại đâu, quá trình nhận tiền lãi và gốc qua tài khoản hay bằng tiền mặt. Có thể người gửi tiền đúng hoàn toàn, và cán bộ ngân hàng không phải lợi dụng sơ hở của khách hàng, mà là tham ô luôn tài sản của ngân hàng", ông Đức cho hay.
Ông cũng cho biết thêm nếu tranh chấp không tìm ra trách nhiệm thuộc về ai thì sẽ ra tòa.
Hiện tại, vụ việc cho thấy đã có dấu hiệu hình sự và đã khởi tố vụ án, nên chắc chắn phải chờ kết luận từ cơ quan điều tra.
Cho dù người dân có đúng hoàn toàn, không vi phạm, sai trái gì cũng phải chờ tòa án hình sự kết luận, mới biết trách nhiệm của ai.
"Ngân hàng chỉ trả lời không thấy ghi nhận trong hệ thống. Khách hàng nói đã làm đầy đủ thủ tục quy trình, quy định. Công an kết luận chưa xong thì phải ra tòa có bản án sơ thẩm và phúc thẩm, nhanh nhất cũng phải mất vài năm", ông Đức nhấn mạnh.
"Quan điểm của tôi từ trước đến giờ đều cho rằng trách nhiệm phải thuộc về pháp nhân. Dù lừa đảo trắng trợn hay nhẹ nhàng, dù khách hàng có lỗi hay không có lỗi, nhưng giao dịch có giấy tờ và con dấu và một loạt bằng chứng là thật, thì ngân hàng phải chịu trách nhiệm, đó là nguyên tắc tối thiểu".
Tuy nhiên, theo vị luật sư này, cơ hội lấy lại tiền của người dân trong trường hợp này rất thấp.
Ông cho rằng nếu người dân không sai trong quá trình gửi tiền, ngân hàng sẽ là bên phải chịu trách nhiệm bồi thường. Khi đó, ngân hàng sẽ đi đòi cán bộ, truy nã những người gây ra hậu quả chứ không phải khách hàng đi đòi. Trừ trường hợp nhân viên ngân hàng đi làm ăn ngoài, đến nhà vay mượn... dù lợi dụng uy tín, đồng phục giám đốc của ngân hàng.
Tuy nhiên, đây là sổ sách ngân hàng đến giao dịch tin tưởng hoàn toàn, có cơ sở căn cứ để cho rằng đây là giao dịch ngân hàng thì ngân hàng phải chịu trách nhiệm.
|
OceanBank là một trong 3 ngân hàng được NHNN mua lại với giá 0 đồng. Ảnh: Quang Thắng. |
"Người dân gửi tiền họ chỉ biết đến ngân hàng"
Cùng quan điểm đó, TS. LS. Bùi Quang Tín - CEO Trường doanh nhân BizLight, cho rằng trong trường hợp này "có lẽ" người gửi tiền không sai, và khi đó ngân hàng sẽ là bên chịu trách nhiệm bồi thường số tiền bị mất của người dân.
Theo ông Tín, nếu người dân gửi tiền bình thường theo đúng quy trình thủ tục thì họ không sai, nhưng không loại trừ trường hợp người gửi tiền cấu kết với nhân viên ngân hàng để đưa ra những thẻ, sổ tiết kiệm giả.
Trong trường hợp này người dân không gửi tiền, nhân viên ngân hàng cũng không nhận tiền, nhưng câu kết để yêu cầu ngân hàng thanh toán khoản tiền đó.
Khi đó, cả người gửi và nhân viên ngân hàng có lỗi lừa đảo tiền ngân hàng.
Dưới góc độ cán bộ ngân hàng như giám đốc chi nhánh và đội ngũ nhân viên, trong trường hợp khách hàng gửi tiền đúng quy trình, những người này có ý định lừa đảo chiếm đoạt tài sản và không đưa vào hệ thống hạch toán corebaking, sẽ phạm tội chiếm đoạt tài sản của ngân hàng.
Nếu hệ thống hạch toán có lỗi hoặc lỗi từ phía nhân viên kế toán, không quá khó để ngân hàng đối chiếu lại bằng cách sử dụng báo cáo kho quỹ trong ngày hôm đó, sổ sách kế toán...
"Có thể khách hàng và nhân viên ngân hàng câu kết nhằm chiếm đoạt tiền của ngân hàng. Lúc này chắc chắn nhân viên ngân hàng có lỗi và sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Tuy nhiên, trách nhiệm thuộc về ai thì phải đợi cơ quan điều tra kết luận. Bên nào vi phạm sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự đối với Nhà nước, và trách nhiệm dân sự bồi thường cho người kia", ông Tín cho biết.
Ông Tín cũng cho rằng về nguyên tắc của pháp luật, khi người dân gửi tiền tới ngân hàng, người dân chỉ biết ngân hàng chứ không biết nhân viên là ai, khi đó trách nhiệm phải thuộc về ngân hàng.
Nếu cơ quan điều tra đưa ra kết luận lỗi không phải của khách hàng, và nhân viên ngân hàng chiếm đoạt thì ngân hàng sẽ phải bồi thường cho người dân. Ngân hàng muốn lấy lại tiền phải đòi từ những nhân viên lừa đảo đó.
Sự việc diễn ra từ năm 2012, nhưng mãi gần đây mới phát hiện ra, theo ông Tín, nếu là nhân viên chiếm đoạt thì chắc chắn phải có sự thông đồng giữa nhân viên nhận tiền gửi, người kiểm soát, người đại diện trong ban giám đốc.
Trong trường hợp này, phía ban kiểm soát của OceanBank cũng như hội sở khó có thể biết được.
"Chắc chắn trong thời gian tới, cơ quan điều tra sẽ điều tra về quy trình giám sát, kiểm toán nội bộ và kể cả kết quả báo cáo kiểm toán của ngân hàng này qua từng năm, để rà soát trách nhiệm của các bên", ông Tín cho biết.
Trách nhiệm giám sát của Ngân hàng Nhà nước
Về trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong sự việc, theo ông Tín, một trong các nhiệm vụ của NHNN trong luật NHNN là thanh tra giám sát hoạt động của hệ thống ngân hàng.
Trong giám sát thanh tra đó sẽ có thanh tra thường xuyên hoặc thanh tra đột xuất. Cơ quan điều tra chắc chắn cũng sẽ tìm hiểu quá trình thanh tra của NHNN tại đây, và xem xét lại.
Vị này cho rằng người dân vẫn có cơ hội lấy lại được tiền, nếu đưa ra được các chứng cứ hợp lý.
"Cơ quan điều tra sẽ xem xét cả nguồn tiền của người dân từ đâu, gửi tiền có người làm chứng không. Ngân hàng còn camera ghi hình không, và vấn đề là số tiền phụ thuộc vào chứng cứ trong quá trình điều tra. Các khách hàng nên nộp tất cả chứng cứ có được liên quan đến số tiền gửi đó. Chứng cứ càng nhiều, càng thuyết phục thì cơ hội lấy lại tiền càng lớn", ông Tín cho biết.
Như đã thông tin, trong quá trình kiểm tra, giám sát nội bộ và điều chuyển cán bộ trụ sở chính về hỗ trợ chi nhánh trong thời gian một số cán bộ chi nhánh tham dự phiên tòa xét xử vụ án Hà Văn Thắm và đồng phạm từ ngày 25/8, OceanBank phát hiện nhiều sai phạm về nghiệp vụ huy động tiền gửi tiết kiệm tại Chi nhánh Hải Phòng.Sai phạm này liên quan tới hàng trăm tỷ đồng trong sổ tiết kiệm của khách hàng gửi tại đây từ năm 2012.
Trong khi đó, bà Trần Thị Kim Chi, nguyên Giám đốc Chi nhánh OceanBank Hải Phòng; Nguyễn Thị Minh Huệ, nguyên Trưởng phòng Kế toán kho quỹ và Lê Vương Hoàng, nguyên Kiểm soát viên kế toán không đến làm việc hay liên lạc được.
OceanBank đã có văn bản tố giác tội phạm tới Bộ Công an; văn bản báo cáo NHNN, Ban Kiểm soát đặc biệt OceanBank và các Cơ quan chức năng; thành lập đoàn công tác hỗ trợ nghiệp vụ, bố trí nhân sự thay thế để đảm bảo hoạt đông kinh doanh của Chi nhánh Hải Phòng.
Cơ quan An ninh điều tra – Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự Trần Thị Kim Chi cùng đồng bọn lừa đảo chiếm đoạt tài sản, xảy ra tại Chi nhánh OceanBank Hải Phòng để điều tra làm rõ.
Theo Quang Thắng/VNN