|
Công nhân Mỹ làm việc trong một công ty thương mại điện tử tại New Jersey - Ảnh: REUTERS |
Bất bình đẳng thu nhập toàn cầu ngày càng nghiêm trọng trong vài thập kỷ qua dù giảm một phần sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Sau khủng hoảng, thu nhập của nhóm 1% giàu có giảm từ 22% xuống 20% tổng thu nhập toàn cầu vào năm 2016.
Cũng trong khoảng thời gian đó, thu nhập của một nửa nghèo khó nhất của thế giới tăng nhẹ, nhờ vào sự tăng trưởng tại các nước mới nổi như Trung Quốc và Ấn Độ, nhưng cũng chỉ chiếm 10% thu nhập toàn cầu.
Báo cáo trên, do hai nhà kinh tế nổi tiếng Thomas Piketty và Emmanuel Saez hướng dẫn, đưa ra phân tích dựa trên dữ liệu thu thập trên toàn cầu trong 15 năm qua.
Theo nhóm nhà nghiên cứu thực hiện báo cáo, toàn cầu hoá đã góp phần làm tăng thu nhập tại các nước đang phát triển trong khi lấy bớt đi đồng lương của nhóm trung lưu và công nhân sản xuất tại các nước phát triển.
Sự bất bình đẳng đặc biệt đáng lo ngại tại Mỹ khi thu nhập của nhóm 1% dân số giàu tăng từ khoảng 10% năm 1980 lên 20% thu nhập toàn quốc vào nằm 2016 trong khi nhóm 50% dân số thu nhập thấp nhất chỉ kiếm được 13% thu nhập, giảm so với 21% cách đây bốn thập kỷ, theo Washington Post.
Báo cáo cho rằng một trong những biện pháp giúp thu hẹp khoảng cách thu nhập là giáo dục. Chẳng hạn chính sách đầu tư vào giáo dục tại châu Âu đã góp phần giúp giữ thu nhập của nhóm 1% chỉ tăng nhẹ trong nhiều thập kỷ qua trong khi thu nhập của nhóm 50% ngày này chiếm đến hơn 1/5 tổng thu nhập toàn quốc.
Chính sách thuế cũng đóng vai trò quan trọng. Nhà kinh tế Gabriel Zuchman - một thành viên trong nhóm nghiên cứu, cho biết kế hoạch cắt giảm thuế cho giới nhà giàu đang được thảo luận trong Quốc hội Mỹ sẽ góp phần làm gia tăng khoảng cách thu nhập tại nước này.
"Nó chắc chắn sẽ làm tăng bất bình đẳng" - ông Zuchman nhận định.
Một trong những mục tiêu của nhóm nghiên cứu là thúc đẩy sự minh bạch chính sách về bất bình đẳng. "Chúng tôi tin rằng nếu sự gia tăng bất bình đẳng không được theo dõi và bàn đến, nó có thể dẫn đến thảm hoạ về xã hội, kinh tế và chính trị" - báo cáo viết.
Theo Trần Phương/Tuổi Trẻ