|
Thông minh nhưng bạn chưa giàu có? Khác biệt đôi khi nằm ở những điều đơn giản. Ảnh: mxdwn Movies. |
Đâu là điểm khác biệt giữa người giàu có, các triệu phú và những người bình thường? Hai cuốn sách The Millionaire Next Door và The Millionaire Mind sẽ đem lại câu trả lời cho những thắc mắc trên từ thông tin thu thập được của hơn 700 triệu phú.
1. Đa số các triệu phú đều tự mình làm chủ doanh nghiệp
Nếu có một ý tưởng kinh doanh tuyệt vời, hãy đảm bảo lợi nhuận chảy vào túi của bạn chứ không phải túi của sếp bạn. Trong 80% số gia đình giàu có tại Mỹ, hơn 2/3 gia đình có trụ cột tài chính là chủ doanh nghiệp và họ sở hữu xác suất trở thành triệu phú cao gấp 4 lần những người đi làm thuê.
Tuy nhiên, làm chủ một doanh nghiệp không phải là một việc dễ dàng và trên thực tế có phần hơi mạo hiểm. Báo cáo Business Employment Dynamics (khảo sát năm 1994 - 2015) do Cục Thống kê Lao động Hoa Kỳ cung cấp cho biết: Chỉ gần 50% trong số công ty khởi nghiệp trụ vững cho đến năm thứ 5.
Dầu vậy, các triệu phú vẫn quyết tâm làm chủ doanh nghiệp vì đơn giản họ có cái nhìn khác. Họ cho rằng làm thuê mới là mạo hiểm: Bạn có thể bị sa thải bất kỳ lúc nào hoặc sếp của bạn có thể đưa ra quyết định sai lầm.
Họ luôn tự tin và mong muốn có thể làm chủ vận mệnh của mình. Khi làm việc cho bản thân, người ta thường cảm thấy thỏa mãn hơn làm thuê cho người khác. Thực tế, để khi làm thuê mà vẫn cảm thấy thỏa mãn, một người làm thuê phải kiếm được số tiền gấp 2,5 lần khi anh ta tự kinh doanh.
2. Các triệu phú có chiến lược lựa chọn con đường sự nghiệp
Họ không nhất thiết phải khởi nghiệp với thứ mình đam mê, thậm chí họ còn chẳng làm những điều mình hiểu hay có kinh nghiệm. Họ khởi nghiệp với những thứ mà họ nghĩ sẽ kiếm được tiền. Họ nhắm vào những thứ cầu nhiều mà còn ít cung.
Nhiều người sẽ cho rằng: "Ồ, ai mà chẳng làm vậy". Nhưng thực ra, chẳng nhiều người làm theo cách này. Có tới 63% chủ doanh nghiệp mới thừa nhận rằng công ty của họ không có ưu thế cạnh tranh. Chỉ 1/3 cho biết mình thực sự tìm kiếm những ý tưởng kinh doanh tiềm năng.
Lĩnh vực bạn lựa chọn khởi nghiệp cũng rất quan trọng. Đơn cử như vào giai đoạn 1982 - 2002 ở Mỹ, các startup hoạt động trong lĩnh vực phần mềm có xác suất thành công gấp 608 lần so với các công ty kinh doanh trong lĩnh vực nhà hàng.
3. Triệu phú không phải thiên tài nhưng có đạo đức nghề nghiệp rõ ràng
Trên thực tế, các triệu phú không phải là những người sở hữu trí tuệ xuất chúng. Điểm GPA trung bình (có thể xem như một 1 chỉ số để đánh giá học sinh, sinh viên theo hệ thống giáo dục Mỹ) của các triệu phú Mỹ chỉ đạt mức 2.9/4.
Rất ít người trong số họ có khả năng thiên phú và thậm chí nhiều người bị xem là không đủ tư chất để theo học trường y, luật hay kinh doanh. Hầu hết mọi người không biết rằng điểm GPA không phải là chỉ số dự đoán chính xác của thành công. Không có bất kỳ mối liên hệ chắc chắn nào giữa khả năng kiếm tiền với điểm số và thứ hạng trong trường học cả. Trong kinh doanh, nếu bạn làm chủ và muốn thành công, bạn cần có khả năng lãnh đạo chứ không đơn thuần là sự thông minh. Vài nghiên cứu còn cho thấy rằng trí thông minh cao thực tế lại khiến bạn lãnh đạo kém hơn.
Vậy, thời đi học, các triệu phú thường được giáo viên khen gì? Đó là "đáng tin cậy nhất". Khi được hỏi về điều họ học được thời đại học, 94% triệu phú trả lời là "đạo đức nghề nghiệp rõ ràng". Các nghiên cứu cũng cho thấy ý thức tự giác giúp mang đến thành công chứ không phải trí thông minh.
4. Chi tiêu tiết kiệm
Khi tác giả cuốn The Millionaire Mind phỏng vấn những người giàu có, ông không muốn họ cảm thấy không thoải mái, nên đã thuê một căn hộ sang trọng ở Manhattan và chuẩn bị sẵn đồ ăn, trứng cá muối cùng các loại rượu đắt tiền. Nhưng, khi các triệu phú đến đây, họ lại cảm giác hoàn toàn lạc lõng. Tất cả những gì họ ăn chỉ là bánh quy. Khi được mời rượu vang, một người thậm chí nói: Tôi chỉ uống 2 loại bia, miễn phí và Budweiser.
Thật kinh ngạc, hình tượng mà giới truyền thông tô vẽ về các triệu phú hoàn toàn không chính xác. Bạn nghĩ rằng triệu phú là người ăn mặc sang trọng? Có tới 50% triệu phú chưa bao giờ chi trả quá 399 USD cho một bộ quần áo (10% thậm chí còn chưa chưa từng bỏ ra trên 195 USD). Thật ra, nếu bạn thấy một ai mặc trên người bộ quần áo 1,000 USD thì chắc hẳn người này không phải là triệu phú. Bởi cứ 1 triệu phú sở hữu bộ quần áo 1.000 USD thì ít nhất 6 người nữa cũng sở hữu bộ đồ như vậy. Song, họ là những người có thu nhập trong khoảng 50.000 USD đến 200.000 USD chứ chưa hẳn là triệu phú.
Ngoài ra, hơn một nửa triệu phú chưa bao giờ chi hơn 30.000 USD cho một chiếc xe hơi. Hơn 70.000 chiếc Mercedes được bán ở Mỹ trong năm vừa qua song tại đất nước này, có đến khoảng hơn 3,5 triệu gia đình triệu phú. Điều này có nghĩa là những gia đình giàu có không nhất thiết phải lái những chiếc xe nhập khẩu sang trọng. Thực tế, 2/3 số người mua hay thuê siêu xe ở Mỹ đều không phải triệu phú.
Đa số các triệu phú sống đơn giản. Họ chi tiêu tiết kiệm, không quá đề cao chủ nghĩa vật chất và suy nghĩ nhiều về số tiền mình phải bỏ ra. Nghiên cứu cho thấy ta sẽ quản lý tiền bạc tốt hơn khi biết suy nghĩ dài hạn. Bạn nên có ý thức như triệu phú về vấn đề tiền bạc. Hầu hết các triệu phú đều trả lời "có" cho 4 câu hỏi sau, còn bạn thì sao?
- Gia đình bạn có quỹ chi tiêu hàng năm không?
- Bạn có biết gia đình bạn chi tiêu bao nhiêu cho thức ăn, quần áo và nhà ở không?
- Bạn có mục tiêu rõ ràng cho hàng ngày, hàng tháng, hàng năm,... không?
- Bạn có dành thời gian để lên kế hoạch về tài chính tương lai không?
Theo Mai Lâm/Nhịp sống Kinh tế