Trong những năm 80, khi xã hội còn bảo thủ và lạc hậu, phụ nữ không hề biết đến khái niệm “băng vệ sinh” mà chỉ dùng vải quấn hoặc giấy cói. Nhận ra nhu cầu của thị trường, Hứa Liên Tiệp – nhà sáng lập của tập đoàn Hằng An đã đưa sản phẩm hữu dụng này về Trung Quốc.
|
Chân dung tỷ phú Hứa Liên Tiệp |
Tỷ phú Hứa Liên Tiệp sinh năm 1953 tại Phúc Kiến, Trung Quốc. Do gia cảnh khó khăn, ông không được học hết tiểu học. Thời thơ ấu, Hứa Liên Tiệp đã tập tành buôn bán, đem nông sản trong vùng bán sang vùng khác để ăn chênh lệch. Đến năm 1979, ông đã tự mở được một xưởng gia công quần áo, nhận được vô số đơn hàng từ Hong Kong. Dưới sự dẫn dắt của Hứa Liên Tiệp, xưởng quần áo đã thu về 50 vạn NDT (khoảng 1,7 tỷ đồng tính theo tỷ giá hiện nay).
Khi công xưởng đang ăn nên làm ra, một nhân viên kỹ thuật chuyên chế tạo thiết bị sản xuất băng vệ sinh đã tới gặp Hứa Liên Tiệp, mở ra một trang mới cho sự nghiệp của chàng trai trẻ và đặt nền móng lịch sử cho phụ nữ Trung Hoa. Hứa Liên Tiệp ngay lập tức nhận ra tương lai rộng mở của sản phẩm này và chuyển sang sản xuất băng vệ sinh.
Năm 1985, xưởng sản xuất đầu tiên ra đời. Đây cũng chính là tiền thân của tập đoàn Hằng An. Sản phẩm đầu tiên mang tên An Lạc bắt đầu được mở bán, nhưng xã hội năm 80 không dễ dàng mở lòng với một sản phẩm “tế nhị” như vậy. Người có tiền chỉ dám lén lút mua, người nghèo càng không cần đến. Thậm chí, công ty còn không tuyển được nhân viên tiếp thị nữ mà chỉ có nam. Tới cuối năm, lượng hàng bán ra chỉ đạt 10.000 NDT (34 triệu đồng). Các siêu thị cũng từ chối không bán băng vệ sinh An Lạc. Cuối cùng, Hứa Liên Tiệp đã tìm ra sáng kiến: chi 30.000 NDT (hơn 100 triệu đồng) để làm quảng cáo trên truyền hình. Hiệu quả thật không ngờ, hàng loạt đơn hàng bỗng chốc ùa về tới tấp, Hằng An trở thành cái tên cực nóng trên thị trường.
|
Sản phẩm An Lạc (trái) và hàng nhái (phải) |
Tưởng như mọi chuyện đã êm xuôi nhưng tỷ phú Hứa Liên Tiệp lại phải đối mặt với khó khăn mới: hàng nhái có bao bì và tên na ná An Lạc. Vị giám đốc trẻ bèn quyết định sản xuất thêm nhiều sản phẩm mới, cho tới nay đã có gần 20 sản phẩm khác nhau. Tháng 12 năm 1998, công ty quốc tế Hằng An chính thức lên sàn giao dịch. Hiện tập đoàn Hằng An có giá trị thương mại 90,4 tỷ NDT (hơn 300 nghìn tỷ đồng), chủ tịch Hứa Liên Tiệp sở hữu khối tài sản lên đến 15 tỷ NDT (51 nghìn tỷ đồng).
Theo Hương Nguyễn/Dân Việt