Vốn làm ở lĩnh vực đông y, nhưng ngày ngày chứng kiến hàng nghìn lốp xe đã qua sử dụng chất đống bên đường, vừa lãng phí lại gây ô nhiễm môi trường, anh Dương Anh Vũ ở xã Hàm Đức, huyện Hàm Thuận Bắc (Bình Thuận) đã quyết định dành thời gian tái chế những chiếc lốp xe thành sản phẩm độc đáo đến ngỡ ngàng.
|
Anh Dương Anh Vũ bên bộ bàn ghề từ lốp do anh tái chế |
Chia sẻ với phóng viên, anh Vũ kể nơi anh ở có rất nhiều lốp xe đã qua sử dụng, một số người dân thường hay mang đi đốt để tiêu hủy. Thấy việc này gây ô nhiễm môi trường nên anh Vũ đã dành thời gian nghiên cứu, tái chế những chiếc lốp thành những bộ bàn ghế.
“Nơi tôi ở là một vùng quê có khí hậu trong lành, cây cối xanh tốt quanh năm. Tuy nhiên, ở địa phương có những điểm tập kết lốp xe cũ cao như núi, trở thành nơi trú ngụ và sinh sản của muỗi; nếu đốt thì cũng gây ô nhiễm môi trường, nên tôi đã nảy ra ý tưởng tái chế những chiếc lốp cũ thành sản phẩm có thể sử dụng được, như bàn, ghế, xích đu,…
|
Những chiếc lốp cũ được thu gom |
Tự mày mò nghiên cứu, tìm hiểu, rồi tự cắt, thiết kế những chiếc lốp phế liệu thành các mẫu bàn ghế lạ mắt. Ý tưởng đã có từ lâu nhưng, vài tháng nay tôi mới chính thức bắt tay vào thực hiện.” – anh Vũ chia sẻ.
Theo anh Vũ, một bộ bàn ghế được tạo thành từ khoảng 70 lốp xe đạp; chân ghế hoàn toàn được làm bằng lốp xe cộng lực lại nên rất chắc chắn. Sản phẩm khi hoàn thiện có thể chịu lực tới 250kg mà không cần thêm khung sắt.
Song, để hoàn thiện một bộ bàn ghế thì việc gom các loại lốp xe từ xe đạp, xe máy đến lốp xe ô tô mất khá nhiều thời gian. Đặc biệt, lốp xe đạp hiện khá ít người sử dụng nên phải đi nhiều vùng quê để gom.
|
Những chiếc ghế hoàn chỉnh qua nhiều công đoạn thiết kế, thi công, sơn,... |
Anh Vũ cho hay, vì làm việc này với mục đích bảo vệ môi trường nên trong quá trình thi công việc cắt lốp mà không đốt cháy, gây khói, mùi là một việc không dễ dàng. Trong khi trên thị trường chưa cung cấp loại máy chuyên dụng có thể cắt đứt lốp và vành thép bên trong.
Dành thêm thời gian cho việc này, hiện anh Vũ đã tự chế ra loại lưỡi dao có thể đáp ứng các tiêu chí trên.
Được biết, để thực hiện ý tưởng của mình, anh đã thuê hơn chục người dân địa phương thiết kế và thi công những bộ bàn ghế, xích đu... thật độc đáo, ấn tượng.
|
Nhiều mẫu mã, màu sắc khác nhau |
Những bộ bàn ghế gồm bàn tròn, bàn chữ nhật có mặt kính hoặc mặt gỗ. Mỗi chiếc ghế đều có lưng tựa, tay vịn được chế tác hoàn toàn tinh xảo từ lốp xe.
Từ chân ghế, chân bàn đến lưng ghế, mặt ghế đều được bện lại từ những sợi cao su. Các bộ phận, chi tiết được kết nối chắc chắn bằng ốc vít, inox và thép. Vết rãnh vốn có trên bề mặt vỏ xe tạo nên những đường nét hoa văn rất đặc thù, lạ mắt.
Kết hợp với các màu sơn đã phối nên những bộ bàn ghế bóng bẩy, bắt mắt; chiếc ghế ngồi vào vừa vặn, lại có độ đàn hồi bởi chất liệu cao su nên khá thoải mái.
|
Những chiếc ghế được làm từ lốp khá chắc chắn, độ bền cao |
Anh Vũ nói, không có loại ghế nào có thể êm hơn chiếc ghế làm từ lốp xe này. Hơn nữa, độ chịu được nắng mưa của loại bàn ghế này là vô địch, dù để ngoài trời nắng mưa ròng rã cũng không ảnh hưởng gì.
|
Và cả những xích đu xinh xắn |
Để thỏa mãn đam mê, ngoài bàn ghế, xích đu, anh Vũ cho hay sắp tới sẽ làm thêm các sản phẩm khác từ lốp như bể cá cảnh, ghế nằm thư giãn...
|
Xích đu được làm từ lốp tái chế với kiểu dáng lạ mắt |
Sau nhiều tháng triển khai, hiện xưởng của anh Vũ đang sản xuất khá đều. Để đảm bảo độ chính xác và thẩm mĩ, anh Vũ đã thiết kế ra các loại khuôn cho từng mẫu ghế, công nhân chỉ việc theo khuôn đó ráp lên thành bộ bàn ghế.
Hiện sản phẩm hoàn thiện, anh dành tặng cho bạn bè, người thân. Cũng vì số lượng chưa nhiều, nên anh chưa có kế hoạch bán ra thị trường.
|
Nhiều người đã tìm đến nhà anh Vũ để học hỏi kinh nghiệm |
Nhiều người sau khi chiêm ngưỡng sản phẩm đã tìm đến nhà tham quan, học hỏi kinh nghiệm để về làm theo. Anh Vũ cũng sẵn sàng chia sẻ, vì theo anh đây là một việc làm tốt, góp phần bảo vệ môi trường.
|
Anh sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và cũng mong sẽ bán được sản phẩm, góp phần bảo vệ môi trường |
“Trước mắt, tôi làm việc này với mục đích tạo công ăn việc làm cho một số người dân địa phương, góp phần bảo vệ môi trường; sau này nếu sản phẩm bán được, có tiền thì tôi sẽ dùng để mua thuốc, khám chữa bệnh cho người nghèo”, anh Vũ chia sẻ.
Theo Theo Hồng Hương/Dân Việt