Sau khi mất việc từ đầu đại dịch Covid-19, Kaitlin Tokar quyết định thử bán một số bộ sưu tập đồ nội thất và đồ gia dụng theo phong cách cổ điển trên Instagram, CNN Business đưa tin.
Tài khoản @MidnightTokarVintage nhanh chóng được 6.000 người theo dõi. Việc kinh doanh trở nên thuận lợi hơn Tokar hình dung.
Cô lập thêm một trang khác để bán các loại quần áo secondhand. Bà mẹ một con không ngờ rằng cửa hàng online này lại trở thành nguồn thu nhập chính, nuôi sống cô trong giai đoạn giãn cách xã hội.
|
Kaitlin Tokar mất khách hàng và doanh thu từ khi Instagram đổi mới. Ảnh: @thetokaredit.
|
Tuy nhiên, thời gian gần đây, Tokar nhận ra mức độ tiếp cận của các bài đăng trên Instagram bị giảm đi đáng kể. Lượng khách và số hàng bán ra không còn đều đặn như trước.
Theo cô, điều này liên quan trực tiếp đến những thay đổi về thuật toán của nền tảng.
“Ban đầu, tôi còn buồn bã vì nghĩ chẳng còn ai quan tâm đến sản phẩm mình bán. Song, nhiều khách hàng nhắn tin nói rất khó để bắt gặp bài viết tôi đăng tải. Chúng hầu như bị ẩn đi, thay vì hiện lên trang chủ của người theo dõi tôi”, cô bày tỏ.
Tokar không phải nạn nhân duy nhất. Từ khi Instagram ưu tiên định dạng video để cạnh tranh với TikTok, nhiều doanh nghiệp nhỏ trên nền tảng này chật vật với lượng tiếp cận thấp dần.
Sự đổi mới bất tiện
Để thể hiện sự tức giận, vài chủ doanh nghiệp lập bản kiến nghị “Make Instagram Instagram again" (tạm dịch: Trả lại Instagram của ngày xưa) và nhanh chóng thu về hơn 300.000 lượt ủng hộ từ cộng đồng người dùng. Dù vậy, họ vẫn không biết đâu mới là cách thực sự hiệu quả để cứu vớt tình hình bán buôn.
Liz Gross, chủ cửa hàng thời trang phong cách vintage @XtabayVintage, bày tỏ sự lo lắng trước những thay đổi khi 98% thu nhập của cô phụ thuộc vào mạng xã hội này.
“Cửa hàng trên phố của tôi đã bị đóng cửa vì dịch bệnh. Tôi may mắn giữ được tệp khách hàng trung thành khi chuyển sang bán online. Song mọi thứ đang trở nên lộn xộn. Tôi không dám chắc sẽ có thể tiếp tục kinh doanh”, cô nói.
Sự tức giận của các chủ doanh nghiệp này chỉ là một phần nhỏ trong số các phản hồi chống đối dành cho Instagram trước những đổi mới.
Cộng đồng người dùng trung thành cho rằng nền tảng đã mất đi chất riêng khi không tập trung vào hình ảnh tĩnh như trước. Bên cạnh đó, họ bức xúc vì phải thấy quá nhiều bài quảng cáo từ tài khoản lạ hoặc video định dạng Reels, thay vì những kênh họ thực sự quan tâm.
|
Adam Mosseri, người đứng đầu Instagram, cho rằng video là xu hướng phát triển của nền tảng. Ảnh: Asa Mathat/Vox.
|
Dưới áp lực của làn sóng chỉ trích, đặc biệt là sự tác động từ chị em nhà Kardashian, Instagram thông báo thu hồi một số cập nhật. Tuy nhiên, Adam Mosseri, người đứng đầu nền tảng, vẫn khẳng định video mới thực sự là tương lai họ hướng tới.
“Chúng tôi cho rằng những thay đổi của ứng dụng là điều cần thiết, nhất là khi thế giới đang khác đi. Dù vậy, đội ngũ phát triển vẫn muốn có thêm thời gian để người dùng làm quen và tin chúng tôi đang làm điều đúng đắn”, Anne Yeh, người phát ngôn của công ty mẹ Meta, nói.
Dù nền tảng cung cấp số liệu chi tiết về lượt tương tác, nhiều nhà kinh doanh vẫn gặp khó để xác định chính xác nguyên nhân khách hàng không thể tiếp cận mình.
Liz Sickinger, người lập ra kênh @SixVintageRugs, cũng rơi vào bế tắc khi chỉ có khoảng 5% số người theo dõi tìm thấy bài viết của cô trên trang chủ.
“4 năm kinh doanh, 42.000 lượt theo dõi, và bây giờ tôi chẳng biết làm gì ngoài tức giận khi không thể bán hàng. Nhiều vị khách còn nghĩ cửa hàng của tôi đã ngừng hoạt động. Tôi nghĩ vấn đề không chỉ xoay quanh việc ít đăng tải video”, cô nói với CNN Business.
Thời đại của video ngắn
Để cứu vãn tình hình kinh doanh, các chủ doanh nghiệp buộc chạy theo xu hướng. Họ mệt mỏi khi phải cố gắng tạo video Reels để được hiển thị trên trang chủ, dù định dạng này không thực sự phù hợp với sản phẩm.
Bên cạnh đó, những nhà kinh doanh cũng phải chi nhiều tiền hơn cho quảng cáo. Đây được xem là cách duy nhất để bài viết của họ xuất hiện trên trang chủ của nhiều người dùng. Theo Sickinger, cô đã bỏ ra một khoản nhiều gấp đôi năm ngoái vì “lượng tương tác gốc đã mất đi”.
Theo Instagram, thương mại điện tử là chìa khóa cho chiến lược tăng trưởng trong tương lai của họ. Vì vậy, trong những năm gần đây, đội ngũ phát triển liên tục giới thiệu các phương thức mua sắm trực tuyến.
Ứng dụng khuyến khích chủ doanh nghiệp áp dụng triệt để mọi hình thức đăng tải thông tin như bài viết truyền thống, story, livestream và video Reels. Nền tảng cũng cung cấp một số khóa đào tạo bán hàng trực tiếp tại vài thành phố lớn ở Mỹ để thu hút người bán hàng online.
|
Nhiều chủ doanh nghiệp loay hoay thiết kế video để duy trì kinh doanh trên Instagram. Ảnh: TailWind.
|
Ở thời điểm hiện tại, không ít chủ doanh nghiệp đang cân nhắc đầu tư vào nền tảng khác.
Tokar cho biết đã bắt đầu thực hiện một số hoạt động bán hàng thông qua các trang thương mại điện tử như Depop và Etsy. Cô không còn phải dựa hoàn toàn vào cửa hàng trên Instagram để đảm bảo thu nhập.
Tương tự, Sickinger chuyển hướng tiếp cận những khách hàng trung thành của mình thông qua danh sách email.
Dù vậy, với phạm vi phổ biến rộng rãi, Instagram vẫn giữ vững vị thế như nhiều năm qua. Đặc biệt, nền tảng này giữ nguyên sức hút nhờ không thu phí kinh doanh như một số trang khác.
“Mạng xã hội này khiến tôi trằn trọc mỗi đêm. Twitter là lựa chọn thay thế không tồi, song tính trực quan hình ảnh của Instagram mới là điều cần thiết cho việc kinh doanh tôi hướng đến. Tôi thực sự mong nền tảng sẽ thấu hiểu nỗi lòng của chủ doanh nghiệp, nhưng có vẻ họ không làm được điều đó”, Liz Gross bày tỏ.
Theo Hồng Anh/Zing