Làng tỷ phú nhờ nuôi rắn hổ mang bành
Hình thành từ năm 1993 và được công nhận là làng nghề từ năm 2007, làng nghề nuôi rắn hổ mang bành xã Tứ Xã (huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ) được coi là “thủ phủ” của nghề nuôi rắn với hơn 300 hộ nuôi rắn hổ mang, mỗi hộ nuôi từ 300-2.000 con.
Nhờ công việc nuôi rắn hổ mang bành mà nhiều hộ dân khá giả, không ít người trong đó là tỷ phú. Hàng trăm ngôi nhà đồ sộ, khang trang mọc lên san sát, làm thay da đổi thịt cả một vùng quê trung du Bắc bộ trước đây chỉ biết mưu sinh bằng việc cấy cày.
Những con rắn hổ mang bành hung dữ và nổi tiếng cực độc lại trở thành vật nuôi mang lại thu nhập cho người dân Tứ Xã.
Chỉ về phía khu chuồng rộng khoảng 200m2, mái lợp bằng proximang, ông Bùi Tuấn Thành (trú tại khu 5 xã Tứ Xã) cho biết, đây là khu nuôi rắn của gia đình ông với tổng số 1.000 chuồng. Trời nắng nóng, trưa nào ông cũng phải bơm nước lên mái để giảm nhiệt độ nhiệt.
Đi vào sâu trong khu chuồng nuôi, tiếng phì phì của những con rắn hổ mang bành nghe đến “rợn người” nhưng với ông Thành, con rắn chính là “cần câu cơm” giúp hàng trăm hộ dân Tứ Xã thoát nghèo.
“Gia đình tôi nuôi rắn khoảng hơn 10 năm rồi, mới đầu, thấy nhiều nhà nuôi rắn lãi lớn nên tôi cũng mạnh dạn đầu tư chuồng trại. Được đồng lãi nào lại đầu tư tăng số lượng lên, từ 100 chuồng ban đầu, giờ nhà tôi có khu nuôi 1.000 chuồng”, ông Thành nói.
Từ nuôi rắn thương phẩm, đến nay hầu hết các hộ dân đều chuyển sang nuôi rắn lấy trứng xuất khẩu.
Theo ông Thành, đa phần người dân Tứ Xã hàng chục năm nay sống bằng nghề nuôi rắn, nhà nhà nuôi rắn, người người nuôi rắn. Để nuôi một con rắn từ khi cắn trứng đến khi đạt thương phẩm phải mất 3 năm, chưa kể nếu mua rắn bố mẹ thì phải mất tiền giống từ 500-700.000 đồng/con nặng khoảng 1kg, nuôi thêm hơn 1 năm sau rắn mới đẻ. Tuy nhiên, trong suốt nhiều năm, giá rắn thương phẩm lẫn giá trứng rắn luôn ở mức cao, cả làng tấp nập thương lái đến thu mua hàng ngày.
Hàng vạn con rắn bị bỏ đói, dân mang trứng rắn đổ xuống ao
“Thời điểm năm 2012, mỗi kg rắn bán thương phẩm được mua với giá 700-800.000 đồng/kg, giá trứng rắn cao đỉnh điểm ở mức 152.000 đồng/ quả. Cả làng Tứ Xã có hơn 100 tấn rắn và hàng trăm vạn trứng rắn xuất khẩu, mang về 40-50 tỷ đồng. Bây giờ thì không có người mua, khó khăn lắm”, ông Thành thở dài.
Rắn hổ mang được nuôi trong những ô hình chữ nhật rộng 30x50cm, có cửa làm bằng lưới sắt.
Với số lượng 1.000 chuồng, hiện tại, ông Thành chỉ đang nuôi khoảng 700 con rắn. Nếu như mọi năm, ông sẽ mua bổ sung cho đủ 1.000 con để nuôi nhưng hiện tại thì để chuồng không vì giờ có nuôi cũng không biết bán cho ai. Hàng nghìn quả trứng xếp xó nhà chờ người đến mua, mong vớt vát được đồng nào hay đồng đó.
Cũng nuôi rắn hổ mang bành ở khu 5 Tứ Xã, ông Nguyễn Hồng Quang không giấu nổi sự buồn bã khi hỏi về tình hình nuôi rắn của gia đình mình, bởi với ông bây giờ, chỉ mong trong nhà không có con rắn nào để khỏi phải nuôi.
Hàng nghìn quả trứng rắn xếp ở góc nhà chờ thương lái đến mua.
“Nhà tôi có 3 khu chuồng trại, 2 chuồng bệt và 1 chuồng tầng, trước đây nuôi 1.000 con nhưng giờ chỉ còn 760 con, riêng tiền giống và tiền xây dựng chuồng trại phải mất hơn 1 tỷ đồng, chưa kể mỗi con rắn ăn khoảng 7kg thức ăn/năm”, ông Quang nói.
Với giá 40.000 đồng/kg thức ăn, mỗi năm riêng chi phí tiền mồi cho 1.000 con rắn đã mất gần 300 triệu đồng. Để có tiền nuôi rắn, ông phải vay ngân hàng 500 triệu đồng, vậy mà nuôi ròng rã 3 năm nay, đến kỳ thu hoạch trứng thì bán cũng không có ai mua.
Theo ông Quang, nếu như năm 2018, giá rắn thương phẩm ở mức 700-800.000 đồng/kg, trứng rắn có giá từ 80-90.000 đồng/quả; năm 2019 xuống còn 550.000 đồng/kg rắn thịt, 50-55.000 đồng/quả trứng rắn thì hiện tại cả ngày không có bóng dáng ai đến hỏi mua.
Nếu như trước đây, xác rắn sau khi lột sẽ được mua với giá 350.000 đồng/kg thì nay thành rác vứt la liệt thành từng đống trong chuồng.
Chỉ vào những đống xác rắn màu nâu ở xó chuồng, ông Quang cho biết, nếu như trước đây, xác rắn cũng được thu mua với giá 350.000 đồng/kg thì giờ vứt đầy chuồng làm rác.
“Mong mãi có người đến mua trứng rắn thì họ chỉ trả giá ngang trứng gà, nhà tôi bán 2.200 quả trứng chưa được 7 triệu đồng, không đủ tiền thức ăn cho rắn từ đầu năm đến giờ. Thực sự, lúc rắn đắt thì chỉ mong có thật nhiều rắn để nuôi bán kiếm lời, giờ thì mong không có con nào”, ông Quang cho hay.
Theo ông Nguyễn Hữu Thuật – Chủ tịch làng nghề nuôi rắn Tứ Xã, những hộ nuôi rắn tại đây đang cực kỳ khó khăn do trước đây, rắn và trứng rắn nuôi chủ yếu để xuất khẩu sang Trung Quốc. Nhưng từ đầu năm đến nay, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nên toàn bộ rắn hổ mang không có người thu mua do không xuất khẩu được.
Ông Nguyễn Hữu Thuật – Chủ tịch làng nghề nuôi rắn Tứ Xã bên khu nuôi rắn của gia đình.
“Ở đây nhà nào cũng vay tiền để nuôi rắn, ít thì vài trăm triệu, nhiều thì cả tỷ đồng. Rắn mỗi năm đẻ 1 lần vào khoảng tháng 5 đến tháng 7, giờ không ai mua trứng, nhiều hộ phải trút bỏ xuống ao, như nhà tôi vừa bỏ đi 5.000 quả. Nếu như những năm trước, số trứng ấy bán được cả nửa tỷ đồng”, ông Thuật buồn bã đáp.
Chỉ vào vô số những ô hình chữ nhật là chuồng nuôi rắn bỏ không, mạng nhện chăng tứ phía, ông Thuật cho biết, trước tết, gia đình ông nuôi 2.000 con rắn nhưng đến nay chỉ còn khoảng 1.000 con. Sở dĩ ông bỏ chuồng không như vậy không dám tái đàn vì không biết tình hình thị trường ra sao, cũng không có vốn để tiếp tục.
Ông Thuật cho hay, hiện tại những người nuôi rắn ở Tứ Xã không có đường lùi bởi muốn bán tống bán táng để khỏi phải nuôi cũng không có ai mua nên phải nuôi cầm chừng.
Hàng nghìn chiếc chuồng nuôi rắn bỏ không, mạng nhện, xác rắn chăng đầy.
Nếu như trước đây chừng 3 ngày sẽ cho rắn ăn 1 lần thì giờ 10 ngày. Đến kỳ sinh đẻ, mọi người cũng không cho rắn phối giống vì trứng đẻ ra không bán được, ấp nở thì không có chi phí nuôi tiếp, chỉ còn cách hủy trứng không cho nở bằng cách rút xuống ao hoặc cho người khác mang về luộc ăn.
“Giờ chúng tôi không biết kêu ai đành cắn răng mà chịu, cố gắng vay mượn để nuôi cầm chừng. Điều mong mỏi nhất là mong dịch bệnh nhanh hết để thông thương được, sản phẩm của làng nghề rắn Tứ Xã lại có thể bán được bình thường, người dân có tiền trả nợ, khôi phục kinh tế”, ông Thuật nói.
Theo Hồng Cảnh/Dân Việt