Ngoài tiền từ cổ phiếu, tài sản 2 tỷ phú đôla Việt còn đến từ đâu?

Google News

Ngoài khối tài sản hàng chục nghìn tỷ trên sàn chứng khoán, 2 tỷ phú đôla Việt còn sở hữu các công ty, bất động sản cùng các khoản đầu tư lớn.

Để thống kê tài sản các tỷ phú trên thế giới, Forbes từng cho biết tạp chí này đã phải kết hợp rất nhiều phương pháp tính toán khác nhau.
Cụ thể, tạp chí định giá tài sản của các tỷ phú dựa trên giá trị cổ phiếu nắm giữ trên các sàn chứng khoán; bất động sản sở hữu; tiền mặt; các khoản đầu tư có giá trị và trừ đi số nợ. Forbes cũng đồng thời lấy ý kiến hàng loạt chuyên gia ở các lĩnh vực khác nhau, để ước tính tài sản của các tỷ phú.
Tính riêng giá trị tài sản trên sàn chứng khoán hiện nay của 2 vị tỷ phú đôla Việt, ông Vượng đang sở hữu hơn 55.000 tỷ đồng, tương đương 2,42 tỷ USD, chiếm gần 57% tổng tài sản ròng của ông theo ước tính của Forbes. Trong khi đó, con số bên phía bà Thảo cũng đạt gần 23.700 tỷ đồng, xấp xỉ tỷ USD, chiếm 45% tài sản ròng theo Forbes.
Tuy nhiên, ngoài số tiền khổng lồ trên sàn chứng khoán, 2 tỷ phú còn nắm hàng loạt công ty, dự án bất động sản, cùng các khoản đầu tư trị giá hàng chục nghìn tỷ đồng khác.
 
Sovico và khối bất động sản khổng lồ
Hiện nay, ngoài việc là cổ đông lớn nhất tại CTCP Hàng không Vietjet (VJC), bà Thảo cũng là Chủ tịch HĐQT tại Sovico Holdings, tập đoàn đầu tư đa ngành đứng sau hầu hết mảng kinh doanh của nữ tỷ phú này.
Theo đó, Sovico Holding có vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng, trong đó, hai vợ chồng bà Nguyễn Thị Phương Thảo và ông Nguyễn Thanh Hùng nắm giữ 82% vốn. Ông Nguyễn Cảnh Sơn (em trai bà Thảo) giữ 18% còn lại.
Công ty này đang điều hành hơn 20 đơn vị liên quan, hoạt động trong các lĩnh vực tài chính - ngân hàng; bất động sản; hàng không; công nghiệp…
Trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, Sovico Holdings là cổ đông sáng lập hai ngân hàng tư nhân đầu tiên của Việt Nam là Techcombank và VIB.
Theo Bloomberg, bà Thảo cùng Sovico hiện nay là cổ đông lớn nhất của HDBank (vốn điều lệ 8.100 tỷ đồng) và đang tham gia điều hành nhà băng này. Cá nhân bà Thảo đang là Phó chủ tịch HĐQT HDBank.
 Con đường lập nghiệp của nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo. Đồ họa: Phượng Nguyễn.
Sovico còn là cổ đông sáng lập và cổ đông riêng lẻ lớn nhất của Công ty quản lý quỹ tài chính Dầu khí – PVFCCapital, công ty do Sovico và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), TCT tài chính Dầu khí PVFC thành lập. Trong đó, nhóm Sovico sở hữu 45% vốn.
Thông qua Sovico, nữ tỷ phú USD cũng đang sở hữu 3 khu resort 5 sao lớn tại Việt Nam, gồm Furama Resort Đà Nẵng, Evason Ana Mandara Nha Trang và An Lam Ninh Vân Bay Villas. Trong đó, Furama Resort Đà Nẵng được bà Thảo mua lại của Lai Sun (Hong Kong) từ năm 2005 với giá 16,8 triệu USD.
Một doanh nghiệp đáng chú ý khác thuộc sở hữu của bà Thảo chính là Công ty Địa ốc Phú Long (vốn điều lệ 700 tỷ), đơn vị phát triển Dự án Khu đô thị Phú Long - Dragon City (TP. HCM) có vốn đầu tư trên 1 tỷ USD. Công ty này cũng đang bắt tay với Saigon Land triển khai Dự án Dragon Riverside City (TP.HCM) tổng vốn hơn 1 tỷ USD.
 
Ngoài ra, hàng loạt dự án bất động sản nằm trong tay Sovico của bà Thảo như Furama Villas (150 triệu USD); Republic Plaza; Ariyana Nha Trang, Đà Nẵng; Khách sạn Hồ Gươm; Dự án Hạ Long Star ( vốn đầu tư 550 triệu USD)...
Hệ sinh thái doanh nghiệp hàng chục nghìn tỷ
Trong khi đó, ngoài khối tài sản khổng lồ trên sàn chứng khoán, hệ sinh thái các công ty và khoản đầu tư của tỷ phú Phạm Nhật Vượng cũng vô cùng phong phú.
Tại Vingroup, cá nhân ông Vượng đang sở hữu 27,45% vốn, trong khi CTCP Tập đoàn Đầu tư Việt Nam là cổ đông lớn nhất, nắm giữ 33,37% vốn. Công ty này được thành lập từ tháng 11/2007, đến cuối năm 2016 vừa qua, công ty này đã sáp nhập 3 doanh nghiệp và tăng vốn điều lệ lên 11.233 tỷ đồng, trong đó ông Vượng nắm giữ phần lớn cổ phần.
Thông qua Vingroup, ông Vượng đang đầu tư vào hàng loạt công ty cũng như dự án bất động sản với vốn hàng chục nghìn tỷ đồng.
 
Tập đoàn này sở hữu 18,37% vốn tại CTCP Vincom Retail (VRE); nắm giữ 98,9% vốn tại CTCP Phát triển Đô thị Nam Hà Nội – chủ sở hữu khu đô thị Times City (tổng vốn đầu tư hơn 30.000 tỷ đồng). Sở hữu 83,32% vốn tại CTCP Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam (VEF); 80,82% vốn tại CTCP Đầu tư và Phát triển Địa ốc Hoàng Gia; 94 % vốn tại CTCP Đầu tư và Phát triển Đô thị Sài Đồng, đơn vị sở hữu khu đô thị sinh thái – biệt thự Vinhome Riverside (tổng vốn hơn 10.000 tỷ)…
Các công ty trong hệ sinh thái của Vingroup cũng đều là cổ đông sở hữu của nhau như CTCP Đầu tư và Phát triển Đô thị Sài Đồng, sở hữu 32,25% vốn Vincom Retail, CTCP Phát triển Đô thị Nam Hà Nội cũng nắm giữ 8,25% vốn tại đây. Công ty Vinschool nắm giữ 12% vốn tại CTCP Đầu tư và Phát triển Địa ốc Hoàng Gia...
Vingroup và các công ty thành viên đã và đang triển khai hàng loạt dự án bất động sản với tổng vốn đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng như KĐT Royal City (gần 10.000 tỷ đồng); Vincom Bà Triệu... Tháng 6/2013, Vingroup đã chuyển nhượng một dự án cho CTCP Tập đoàn Phát triển BĐS Việt Nam, với mức giá gần 10.000 tỷ đồng. Theo tiết lộ từ Vingroup, số lãi từ thương vụ này lên tới 4.300 tỷ đồng.
Tài sản 2 tỷ phú USD Việt Nam biến động ra sao trong một năm qua?
Ngay cả trên bảng xếp hạng tỷ phú thế giới của Forbes, tài sản 2 tỷ phú USD của Việt Nam cũng tăng nhanh chóng mặt hơn 2,8 tỷ USD chỉ trong chưa đầy 9 tháng.
Với 4,2 tỷ USD, tỷ phú Phạm Nhật Vượng đang giàu hơn những ai?
Tài sản tăng 1,8 tỷ USD sau 8 tháng, tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã trở thành người Việt Nam đầu tiên vào tốp 500 người giàu thế giới, ông thậm chí còn giàu hơn cả Tổng thống Trump.
Quang Thắng
Theo Quang Thắng/Zing